Góp sức bảo vệ 'chiến binh áo trắng' nơi tuyến đầu chống dịch
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực niền Nam.
Có ngày, số ca mắc COVID-19 mới lên đến hơn 10.000 bệnh nhân, tâp trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang. Dịch bệnh thực sự là gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế nói chung và với lực lượng y, bác sỹ trực tiếp tham gia chống dịch tại tuyến đầu. Do đó, việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho đội ngũ những "chiến binh áo trắng" đang ngày đêm chống dịch tại những điểm nóng, tuyến đầu là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Vượt khó khăn
Ngày 19/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tranh thủ dành ít phút đầu để phát biểu về công tác phòng chống dịch COVID-19 trước sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải thể hiện tình đoàn kết, thống nhất, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Nhắc lại việc trước đây, cả nước đã vì Bắc Ninh, Bắc Giang để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh thì bây giờ cả nước vì TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thủ tướng đề nghị chuẩn bị sẵn sàng để khi nào cần là có thể điều ngay, nhất là về lực lượng y, bác sỹ, điều dưỡng viên; cần nâng cao trình độ tay nghề về hồi sức cấp cứu mà các tỉnh, thành phố phía nam đang có nhu cầu rất lớn. Kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở miền Nam thì chúng ta mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước...
Huy động đội ngũ y bác sĩ từ vùng không có dịch chi viện cho vùng có dịch chính là một giải pháp linh hoạt, cấp bách mà Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ đã đề ra và được vận dụng rất phù hợp và kịp thời trong giai đoạn căng thẳng của đợt dịch thứ 4 này.
Thời gian qua, tinh thần Lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ "tất cả vì miền Nam ruột thịt", vì TP Hồ Chí Minh đã chuyển thành quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Y tế, thành sự hưởng ứng của hàng chục ngàn cán bộ, y, bác sỹ tại các bệnh viện Trung ương, sẵn sàng lên đường vào miền Nam để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, điều trị giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nặng;...
Đã 3 tháng qua, các y, bác sỹ, các sinh viên ngành y tế rất vất vả trong các khâu từ quản lý chỉ đạo, chăm sóc các bệnh nhân, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Trong số các y bác sỹ đi hỗ trợ, có người tham gia chi viện lần đầu, do đó, chưa có kinh nghiệm trong việc tiếp cận với F0 và đồ bảo hộ y tế. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nhiều đơn vị đã gửi tặng đồ dùng cho lực lượng y tế, tuy nhiên, thực tế có nhiều trang thiết bị không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn phòng, chống COVID-19. Những trang thiết bị không đạt chuẩn cũng là nguyên nhân dẫn đến mắc COVID-19 với lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đối với lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có các sinh viên y khoa, nhiều ca làm việc lên đến 12 giờ đồng hồ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mặc quần áo bảo hộ kín. Cường độ công việc cao, kéo dài trong nhiều ngày đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y, bác sỹ, nhân viên y tế. Đội ngũ bác sỹ chi viện từ miền Bắc, chưa thể quen ngay với điều kiện thời tiết, thực phẩm và sinh hoạt trong miền Nam nên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi có những đồng nghiệp y bác sỹ hi sinh vì dịch bệnh, số bệnh nhân gia tăng nhanh trong khi thiếu hụt y bác sỹ hồi sức cấp cứu… tất cả đều gia tăng thêm áp lực đối với các y bác sỹ tại các điểm phòng tuyến chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người được cử vào tăng cường khu vực miền Tây, phụ trách 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long cho biết: Nhiều bác sỹ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường. Với các bệnh nhân rất nặng thì không thể thay thế bác sỹ hồi sức cấp cứu nên lực lượng này căng mình làm việc. Nhiều bác sỹ từ chối chỗ nghỉ ngơi tiện nghi hơn, xin ở trong bệnh viện để túc trực, chủ động cấp cứu bệnh nhân kịp thời.
Trong cuộc chống dịch COVID-19, đến ngày 9/8 đã có khoảng 2.380 nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19 trong khi làm nhiệm vụ và mới đây đã có 3 nhân viên y tế tử vong.
Tăng cường hỗ trợ
Theo Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình, 2 tháng nay, hơn 13.000 y bác sĩ từ miền bắc, miền Trung đã vào tâm dịch phía Nam, trong đó hơn 7.000 người chi viện cho TP Hồ Chí Minh, hơn 5.000 người chi viện cho các tỉnh, thành phố còn lại.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, tổ chức công đoàn luôn quan tâm, thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ để các chiến sỹ áo trắng có thêm sức mạnh đẩy lùi dịch COVID-19.
Hiện Công đoàn Y tế Việt Nam đã có rất nhiều kiến nghị để bảo đảm chế độ chính sách cho các y, bác sỹ và đề xuất tiêm vaccine cho thân nhân cán bộ, nhân viên y tế. Những đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam đã được Tổng Liên đoàn quan tâm và hỗ trợ kịp. Cụ thể, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người để đảm bảo dinh dưỡng cho cán bộ y tế; trích 2 triệu đồng từ Công đoàn Y tế Việt Nam cho mỗi cán bộ đi tăng cường. Công đoàn Y tế cũng đang triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu; đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen cho các đồng chí, đơn vị đi tăng cường chống dịch.
Nhằm tăng cường động viên, cổ vũ tinh thần cho nhân viên y tế thêm vững tâm tham gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc đề cập đến 3 loại phụ cấp gồm phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ cho nhân viên y tế. Các cơ quan liên quan phải kiến nghị Hội đồng nhân dân các cấp để có chính sách hỗ trợ nhân viên y tế từng địa phương, ở trung ương thì có chính sách chung cho lực lượng tuyến đầu chi viện vào các vùng tâm dịch.
Ông Nguyễn Phước Lộc nêu ý kiến: Cần phải bảo toàn lực lượng y tế chuyên sâu để đội ngũ này đảm bảo sức khỏe, tiến hành chữa trị cho những người mắc COVID-19 có bệnh nền nặng. Bên cạnh đó, cần ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ có thể chăm sóc nhau, chia sẻ, tư vấn tâm lý, để nhân viên y tế tập trung cao độ chữa trị cho người bệnh nặng hơn. Ông Nguyễn Phước Lộc cũng có ý kiến về xây dựng chiến lược lâu dài để bảo vệ cho nhân viên y tế, trong đó có đề cập đến các chính sách để bảo toàn cho nhân viên y tế qua thực tiễn chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam. Đồng thời, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta phải đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu.
Trên tuyến đầu chống dịch, tham gia vào vùng dịch, nơi có bệnh nhân mắc COVID-19 là đồng nghĩa các y, bác sỹ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Chống dịch không chỉ là cuộc chiến với virus, các cán bộ y tế còn phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn, vất vả, áp lực trong công việc, cuộc sống gia đình, cá nhân. Nhưng vượt lên trên tất cả, các y bác sỹ tại tuyến đầu chống dịch vẫn đang phát huy tinh thần, y đức, trách nhiệm của người thầy thuốc với người bệnh và nhân dân. Với sự động viên tinh thần của nhân dân cả nước, chắc chắn các y, bác sỹ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.