Góp sức thay đổi diện mạo vùng biên giới

Cùng với công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang đã thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua 'BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới' và 'BĐBP chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau', góp phần quan trọng thay đổi diện mạo, chất lượng cuộc sống của nhân dân khu vực biên giới.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, BĐBP An Giang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang tặng sinh kế cho các gia đình hội viên phụ nữ phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên. Ảnh: Phát Anh

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, BĐBP An Giang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang tặng sinh kế cho các gia đình hội viên phụ nữ phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên. Ảnh: Phát Anh

Chúng tôi trở lại phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trước đây, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, giờ đây, mảnh đất này đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, với kết cấu cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, hệ thống giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, y tế cho người dân ngày càng được nâng cao. Số lượng cán bộ, đảng viên chủ chốt là người dân tộc Khmer đang công tác ở phường, khóm, ấp ngày càng tăng.

Trung tá Mã Vũ Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng vui vẻ cho biết: “Trong nhiều năm qua, cán bộ của đơn vị trực tiếp hướng dẫn đồng bào dân tộc Khmer áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề truyền thống; phối hợp với trung tâm dạy nghề địa phương mở các lớp đào tạo nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho đồng bào. Cán bộ đơn vị cũng tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, đẩy lùi mê tín dị đoan; vận động bà con dân tộc Khmer di dời chuồng bò, dê ra khỏi nhà ở, bảo đảm vệ sinh môi trường. Các hủ tục, mê tín dị đoan trên địa bàn cũng được đẩy lùi...”.

Có thể thấy rằng, diện mạo khu vực biên giới “thay da, đổi thịt” một cách toàn diện trong những năm qua có sự đồng hành, đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang. Bằng những công trình, phần việc cụ thể, BĐBP An Giang đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giao thông; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; trường học; nhà ở... Trong 5 năm qua, BĐBP tỉnh đã vận động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 86 căn nhà, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh nghèo học giỏi, với tổng trị giá 24,5 tỷ đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang tham gia xây dựng nhà cho người dân ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Anh Tú

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang tham gia xây dựng nhà cho người dân ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Anh Tú

Nhằm chung tay xây dựng biên giới bình yên, người dân có công ăn việc làm ổn định, đời sống được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Qua đó, tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh qua lại biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa... đúng pháp luật; báo cáo, đề xuất mở, nâng cấp cửa khẩu; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh, quá cảnh đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu, phục vụ tốt cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế của đất nước và địa phương.

Cùng với đó, các đồn Biên phòng phối hợp cùng địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chăm lo làm ăn, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Điểm nhấn quan trọng là BĐBP An Giang đã chủ động phối hợp với địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hữu, BĐBP An Giang dọn vệ sinh, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường ở khu vực biên giới. Ảnh: Ngọc Châu

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hữu, BĐBP An Giang dọn vệ sinh, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường ở khu vực biên giới. Ảnh: Ngọc Châu

Trong đó, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục địa phương chăm lo phát triển toàn diện hệ thống giáo dục, cải thiện cơ sở vật chất, quan tâm chăm lo mọi mặt đối với học sinh nơi biên giới. Đến nay, toàn đơn vị nhận nuôi, hỗ trợ, đỡ đầu 101 cháu học sinh trong các Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Mẹ đỡ đầu”, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”... với tổng kinh phí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các đồn Biên phòng tham gia phối hợp với địa phương vận động 220 em học sinh bỏ học quay trở lại trường.

Công tác an sinh xã hội, việc đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe người dân nơi biên giới cũng là một trong những tiêu chí được Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả. Trước đây, người dân bị bệnh nặng thường phải chuyển viện nên các tuyến trên, rất xa và mất thời gian. Từ khi các trạm xá quân dân y kết hợp ra đời và hệ thống y tế tuyến xã được nâng cấp, trang bị hiện đại, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực biên giới của tỉnh và người dân nước bạn Campuchia đã được cải thiện rất nhiều.

Trong 5 năm qua, các trạm quân dân y kết hợp đã tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc cho 15.402 lượt người dân, phối hợp các đoàn, y bác sĩ tình nguyện tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho 7.500 lượt người dân, tặng 700 thẻ bảo hiểm y tế, trị giá 1,2 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực văn hóa, BĐBP An Giang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng “Điểm sáng văn hóa” trên biên giới góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Các đơn vị đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, bài trừ các tập tục lạc hậu, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; duy trì, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống, các làng nghề truyền thống... Vì vậy, người dân biên giới được thụ hưởng những thiết chế văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.

Chiến Khu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gop-suc-thay-doi-dien-mao-vung-bien-gioi-post489259.html