Góp sức xây dựng nông thôn mới ở huyện Cao Phong
Từ các nguồn lực đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Cao Phong.
Từ các nguồn lực đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Cao Phong.
Thạch Yên là xã vùng cao của huyện được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Yên Lập và Yên Thượng. So với 5 năm trước, về Thạch Yên hôm nay có thể cảm nhận rõ sự đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Trong đó, nổi bật là hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày càng đồng bộ. Đường đến trung tâm các xóm được đổ bê tông, điện lưới quốc gia kéo đến các hộ dân. Ông Bùi Văn Chiền, xóm Bợ chia sẻ: Trước đây, đường giao thông khó khăn đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường làng, ngõ xóm hiện được cứng hóa thuận lợi. Nhờ đó đẩy mạnh giao thương phát triển, nông sản của bà con làm ra tiêu thụ dễ hơn.
Đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Nhờ nguồn lực đầu tư từ các chương trình MTQG đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã. Đến nay, Thạch Yên đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng NTM, còn 4 tiêu chí xã đang phấn đấu thực hiện. Trong đó, thông qua các dự án đầu tư thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp xã giảm 6% hộ nghèo; xây dựng 1 chợ nông thôn phục vụ giao thương, buôn bán. Đặc biệt, xã xóa được 50 nhà tạm (kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng) và đầu tư xây mới 12/12 nhà văn hóa xóm. Qua đó, năm 2024 dự kiến xã đạt thêm 2 tiêu chí NTM là tiêu chí số 9 về nhà ở và tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.
Theo UBND huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2024, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 120 tỷ đồng đầu tư cho chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện. Từ đó làm thay đổi diện mạo, cơ sở hạ tầng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao đời sống người dân. Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tăng trên 1,2 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Cùng với đó, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 95% xóm có đường giao thông từ xã đến xóm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Bên cạnh đó, huyện Cao Phong đã tổ chức xây dựng quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí hộ dân tộc thiểu số cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Chất lượng giáo dục, y tế ngày càng được nâng cao. Đến năm 2024, trên 55% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, từ nguồn lực Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Những kết quả đó là động lực quan trọng, góp phần thiết thực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cao Phong.