Góp thêm niềm tin vào những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong kỷ nguyên mới
Góp thêm niềm tin vào những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong kỷ nguyên mới
Đoàn Văn Báu
Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại các buổi tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đều khẳng định, “chưa bao giờ chúng ta để người dân được tiếp cận với nghị quyết nhanh như vậy”.

Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đoàn Văn Báu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Quyết định sự phát triển đất nước với tầm nhìn trăm năm
Hội nghị Trung ương lần thứ 11 là Hội nghị lịch sử, bàn về những vấn đề lịch sử, bàn về rất nhiều vấn đề mới, quyết định cho sự nghiệp của đất nước với tầm nhìn trăm năm chứ không chỉ trong vài nhiệm kỳ.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2045. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nêu rõ, đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đó là kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng. Muốn vậy, phải tập trung thực hiện hai mục tiêu. Thứ nhất, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao. Thứ hai, mục tiêu đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Vừa qua Đảng, Chính phủ liên tục bàn phải tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 để tạo động lực cho những năm tới phấn đấu tăng trưởng hai con số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Thế giới biến đổi nhanh chóng, khó lường, khó dự báo thì đất nước ta cũng phải thích ứng. Quốc hội vừa qua đã sửa đổi và ban hành một loạt các luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, những vướng mắc về thể chế cũng là nhằm thực hiện các mục tiêu này.
Muốn tăng trưởng hai con số thì phải tập trung vào những gì? Có hai nhiệm vụ rất quan trọng được đặt ra, một là: sắp xếp bộ máy. Chúng ta đã có mười mấy năm xoay quanh tổ chức bộ máy nhưng vẫn chưa quyết tâm, quyết liệt và chưa thực sự hiệu quả, bộ máy vẫn cồng kềnh. Chi phí “nuôi” bộ máy chiếm 60% GDP, trong khi đó, giáo dục chỉ chiếm 4%, khoa học công nghệ 4%, quốc phòng và an ninh cũng rất cần đầu tư. Vì vậy, phải quyết tâm thay đổi. Đây là một bài toán đồng thời cũng là một cuộc cách mạng.
Hai là, phải chuyển đổi số, đổi mới, đột phá về khoa học công nghệ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Không có tâm lý tỉnh anh, tỉnh tôi mà phải vì sự nghiệp chung
Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Kết luận số 127-KL/TW, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tập trung vào một số nội dung chính sau:
Về quan điểm, đầu tiên, phải thống nhất đổi mới sắp xếp, tinh gọn bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhiều lần nhấn mạnh về vai trò lãnh đạo của Đảng. Tại sao khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì cần thống nhất vị trí lãnh đạo của Đảng? Chúng ta xác định “vừa chạy, vừa xếp hàng” - “chạy” theo mục tiêu và “xếp hàng” theo nguyên tắc.
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy còn phải bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Ngoài ra, phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
Nguyên tắc thứ nhất: ngoài các chỉ tiêu về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các chỉ tiêu về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, vị trí địa lý, quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên tắc thứ hai: đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới; ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển.

Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đoàn Văn Báu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Một nguyên tắc nữa là đảm bảo tính đồng bộ, giảm cấp trung gian, xây dựng chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, nói ngắn gọn là phải xuất phát từ trái tim đến trái tim, luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu và kịp thời đồng hành phục vụ nhân dân, như lực lượng Công an có khẩu hiệu rất hay, rất sâu sắc “Khi dân cần, khi dân khó, có công an”.
Cùng với đó, chủ trương là không bắt buộc phải sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nghị quyết Trung ương 11 cũng quy định rõ, trường hợp sắp xếp với tỉnh thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là tỉnh; trường hợp sắp xếp tỉnh với thành phố trực thuộc Trung ương thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính phường với các đơn vị cùng cấp xã, phường, thị trấn thì đơn vị sau sắp xếp là phường. Trường hợp sắp xếp các xã, thị trấn thì sau sắp xếp là xã.
Về tiêu chí thì có 6 tiêu chí gồm: diện tích tự nhiên; quy mô dân số; lịch sử, truyền thống văn hóa, tôn giáo, dân tộc; kinh tế, trong đó bao gồm cả tiêu chí về vị trí địa lý, quy mô, trình độ phát triển kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Việc xác định tên gọi của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp theo các nguyên tắc: nghiên cứu thấu đáo; cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa; ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của đơn vị hành chính trước khi sáp nhập, hạn chế tối đa việc tác động với người dân và doanh nghiệp.
Dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí nêu trên, chúng ta đã xác định các đơn vị hành chính không thực hiện sáp nhập bao gồm: TP. Hà Nội, TP. Huế, tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên, tỉnh Sơn La, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Cao Bằng.
Những đơn vị hành chính sáp nhập, hợp nhất gồm: Tuyên Quang và Hà Giang - lấy tên là Hà Giang, trung tâm chính trị hành chính đặt ở Tuyên Quang; Lào Cai và Yên Bái lấy tên là Lào Cai, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Yên Bái; Bắc Kạn và Thái Nguyên lấy tên là Thái Nguyên, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Thái Nguyên; Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình lấy tên là Phú Thọ, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Phú Thọ; Bắc Ninh và Bắc Giang lấy tên là Bắc Ninh, trung tâm chính trị hành chính đặt ở Bắc Giang; Hưng Yên và Thái Bình lấy tên là Hưng Yên, trung tâm chính trị hành chính đặt Hưng Yên; Hải Dương và Hải Phòng lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Hải Phòng; Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định lấy tên là Ninh Bình, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Ninh Bình; Quảng Bình và Quảng Trị lấy tên là Quảng Trị, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Quảng Bình; Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Đà Nẵng; Kon Tum và Quảng Ngãi lấy tên là Quảng Ngãi, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Quảng Ngãi; Gia Lai và Bình Định lấy tên là Gia Lai, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Bình Định; Ninh Thuận và Khánh Hòa lấy tên tỉnh là Khánh Hòa, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Khánh Hòa; Lâm Đồng và Bình Thuận lấy tên là Lâm Đồng, trung tâm chính trị hành chính tại Lâm Đồng; Đắk Lắk và Phú Yên lấy tên là Đắk Lắk, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Đắk Lắk; Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh lấy tên là thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng Nai và Bình Phước lấy tên là Đồng Nai, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Đồng Nai; Tây Ninh và Long An, lấy tên là Tây Ninh, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Long An; Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang, lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Cần Thơ; Trà Vinh, Bến Tre và Vĩnh Long lấy tên là Vĩnh Long, trung tâm chính trị ở Vĩnh Long; Tiền Giang và Đồng Tháp lấy tên là Đồng Tháp, trung tâm chính trị đặt tại Tiền Giang; Bạc Liêu và Cà Mau lấy tên là Cà Mau, trung tâm chính trị hành chính đặt tại Cà Mau; An Giang và Kiên Giang, lấy tên là An Giang, trung tâm chính trị đặt tại Kiên Giang.
Những đơn vị phải sắp xếp, từ kinh nghiệm của Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo cho thấy, phải sớm đồng bộ, sớm về một nhà, sớm đoàn kết, đồng lòng; không có tâm lý tỉnh anh, tỉnh tôi mà phải vì sự nghiệp chung phát triển của đất nước để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Trong Nghị quyết quy định nhiều việc Quốc hội, Chính phủ phải làm, bây giờ ban hành luật, quyết định sửa đổi Hiến pháp. Các cơ quan đều phải làm việc với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”. Công việc phải chạy ngày chạy đêm. Do đó, các cơ quan truyền thông, báo chí phải chủ động xây dựng phương án để tuyên truyền một cách chủ động, tránh bị động, chạy theo dư luận.
Lực lượng báo chí phải thổi hồn, thổi lửa để cùng thực hiện thắng lợi các cuộc cách mạng lớn
Theo phân tích từ mạng lưới cộng tác viên thì Hội nghị Trung ương 11 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người dân rất phấn khởi, vì chính quyền gọn, sát với dân. Đây là cuộc cách mạng không thể chậm được, chậm ngày nào có lỗi với nhân dân ngày đó. Nhân dân phấn khởi tin rằng đây là hội nghị lịch sử của lịch sử. Trung ương đã bàn thảo rất khách quan, rất thẳng thắn, rất trách nhiệm, rất công tâm, khoa học với tầm nhìn chiến lược. Các đề án được bàn rất kỹ, Bộ Chính trị phải giải trình, tiếp thu các ý kiến của Trung ương, sau đó tiếp tục hoàn thiện, trình Trung ương quyết định. Nếu không quyết nhanh như vậy thì không còn thời điểm nào nữa.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh thuận lợi như vậy thì một bộ phận cán bộ công chức, viên chức bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tương lai khi sáp nhập. Đã là con người thì không tránh khỏi được. Băn khoăn lo lắng vì cá nhân thôi, nhưng vì sự nghiệp lớn thì một số người đã tự nguyện nhường vị trí. Cơ quan thông tấn báo chí cần lan tỏa tinh thần trách nhiệm, đức hy sinh, vì sự nghiệp chung này.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục tinh gọn với các đơn vị không sáp nhập, bảo đảm 5 - 10 năm sau phải thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không còn tình trạng cán bộ “sáng xách ô đi, tối cắp cặp về”. Chúng ta phải sắp xếp, sàng lọc cán bộ, không đủ năng lực thì phải nghỉ.
Trong những thời điểm lịch sử, chúng ta phải làm ngày, làm đêm. Niềm vui lớn nhất của chúng ta là phải chuyển động, phải tiên phong, gương mẫu. Tất cả đều vì không gian phát triển mới, vì khát vọng của đất nước, vị thế của đất nước nếu không làm như vậy, chúng ta có lỗi với cha ông. Đây là lúc chúng ta phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, phải thổi lửa, phát huy tinh thần tự tin, tự chủ, tự lực tự cường trong toàn thể đội ngũ và cả nhân dân. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải nêu cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, nhân ái. Bài học kinh nghiệm là phải đoàn kết. Đoàn kết không chỉ hiểu là đoàn kết trong Đảng, mà đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân và đoàn kết với quốc tế, có như vậy mới tạo nên thắng lợi. Đoàn kết phải dựa trên kỷ cương, kỷ luật.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Cùng với đó, cần hết sức quan tâm vấn đề sử dụng mạng xã hội. Cần thay đổi tư duy, cách thức tuyên truyền, viết thế nào để xoáy sâu thẳm vào trái tim mỗi con người, tạo ra hưng phấn, thúc đẩy người ta làm việc, không phải cứ lên gân, lên cốt là sẽ hiệu quả.
Tinh thần đây là thời khắc lịch sử, yêu cầu mỗi con người phải làm tròn bổn phận trách nhiệm của mình, với danh dự và trọng trách của mình để tự hiến và dâng hiến.
Trước hết lực lượng báo chí là những người cách mạng văn hóa, thổi hồn, thổi lửa cho nhân dân để cùng thực hiện thắng lợi các cuộc cách mạng lớn của dân tộc ta. Chắc chắn chúng ta làm được vì chúng ta đã làm, chúng ta có niềm tin vì chúng ta đã có kết quả. Tự tin, tự lực, tự cường và tự hào để chúng ta đi tiếp và phải đổi mới, sáng tạo, không được bảo thủ.
Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã chỉ rõ: Kẻ thù lớn nhất của tuyên giáo và dân vận là bảo thủ, không đổi mới; thứ hai là nói không đi đôi với làm, nói rất hay sau thì làm trái.
Cái gì hôm qua đã tốt thì ngày mai phải tốt hơn, yêu cầu sự nghiệp càng cao thì càng phải phát huy hơn nữa bản lĩnh, trí tuệ, khí phách, đức hy sinh, để góp thêm niềm tin, thắp lửa vào những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong kỷ nguyên mới.