Góp ý báo cáo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW: Liên kết vùng là động lực của sự tăng trưởng, phát triển bền vữngTin khácMời bạn đọc, cộng tác viên gửi bài, ảnh cho Báo Lạng Sơn số Tết Dương lịch và Xuân Nhâm Dần 2022Doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua

Chiều nay (16/11), tại tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW tổ chức hội nghị góp ý báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về 'Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020'.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37 chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ.

Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37 và Kết luận 26-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, đa số các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra đã được hoàn thành, trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt mức cao hơn trung bình toàn quốc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; quốc phòng – an ninh được bảo đảm, biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng; sự phát triển của các địa phương trong vùng có xu hướng phân hóa mạnh; tình hình các loại tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất với Ban Chỉ đạo nhiều nội dung để tổ chức tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW một cách toàn diện, sâu sắc, qua đó xác định được định hướng phát triển mới của toàn vùng.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cho rằng: Để vùng trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững, cần xác định rõ thế mạnh của từng địa phương để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tổng thể vùng. Đặc biệt là tăng cường hợp tác, liên kết giữa các tỉnh trong vùng; có chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn lực đầu tư; thực hiện tốt công tác bảo tồn sinh thái, giữ gìn văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới của các địa phương trong vùng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương một số nội dung, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới giao thông kết nối các tỉnh trong vùng.

Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu tham luận tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu tham luận tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sự tích cực làm việc, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và có tính gợi mở rất cao của các các đại biểu. Đồng thời khẳng định: Với tinh thần cầu thị, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết ghi nhận những ý kiến đóng góp, những chia sẻ của lãnh đạo các địa phương tại hội nghị này, để trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về “Phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn 2045” phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại tỉnh Lào Cai, Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội thảo quốc tế định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương và đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo cũng được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm phát triển bền vững vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về thể chế liên kết, điều phối phát triển kinh tế – xã hội; định hướng chính sách giảm nghèo; những đột phá trong bối cảnh mới để phát triển du lịch; phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ chế, chính sách huy động và phân bổ các nguồn lực cho kinh tế-xã hội;…

Cùng đó, các đại biểu đề xuất hướng liên kết đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; liên kết về y tế, giáo dục, bồi dưỡng nguồn nhân lực…

Các ý kiến tâm huyết tại hội thảo chính là luận cứ để bổ sung vào báo cáo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Đồng thời, thông qua giải pháp được đề xuất tại hội thảo sẽ góp phần vào việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” về phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/462068-gop-y-bao-cao-tong-ket-nghi-quyet-37-nq-tw-lien-ket-vung-la-dong-luc-cua-su-tang-truong-phat-trien-ben-vung.html