Góp ý Đề án bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng

Chiều nay 20/8, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý Đề án bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị- Ảnh: T.L

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị- Ảnh: T.L

Tại hội nghị, đại diện Ban Tổ chức Trung ương đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Trong đó nêu rõ những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như công tác quán triệt, tổ chức thực hiện; việc cụ thể hóa Quy chế bầu cử trong Đảng; công tác kiểm tra, xử lý những vấn đề phát sinh. Đồng thời chỉ ra ưu điểm, nguyên nhân, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng.

Nguyên tắc bổ sung, sửa đổi là tuân thủ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo, giữ vững các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, liên thông với các văn bản của Đảng; tính ổn định, kế thừa và phát triển; phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đồng thời mở rộng dân chủ phải đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cấp ủy viên, đại biểu đại hội, đảng viên trong việc ứng cử, đề cử. Bảo đảm chặt chẽ quy trình, thủ tục về ứng cử, đề cử và sự công bằng trong việc đề cử, giới thiệu nhân sự để bầu cử.

Kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành; biên tập, bố cục lại một số nội dung, diễn đạt lại một số câu chữ bảo đảm chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện nhưng không làm thay đổi bản chất Quy chế bầu cử trong Đảng: Chỉ sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, không liên quan trực tiếp đến bầu cử; lược bỏ những nội dung đã có trong các quy định khác của Trung ương; bổ sung những nội dung đã rõ, đủ cơ sở lý luận, thực tế chứng minh là đúng, được đồng thuận, thống nhất cao. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc còn chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu.

Đại biểu các địa phương đã cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng, đồng thời đóng góp một số ý kiến đề xuất bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng như: đối tượng, phạm vi điều chỉnh; nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội; số dư và danh sách bầu cử...

Tại hội nghị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị đã tham gia một số nội dung: Tại điểm 1, Điều 4, Chương II: Đề nghị bổ sung “chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy” và viết lại như sau: "Chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên;... bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy". Tại điểm 1, Điều 8, Chương II: Đề nghị bổ sung từ “chủ tịch” và “tổ kiểm phiếu”; viết lại câu như sau: “Số lượng, danh sách thành viên và trưởng ban kiểm phiếu ở đại hội do đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội lựa chọn, giới thiệu; đại hội biểu quyết thông qua”..."Trưởng ban kiểm phiếu điều hành hoạt động của ban kiểm phiếu...chịu trách nhiệm trước đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội về hoạt động của ban kiểm phiếu (tổ kiểm phiếu)".

Đề nghị bổ sung nội dung: Đối với đại hội đại biểu đảng bộ hoặc chi bộ có đông đảng viên thì bầu ban kiểm phiếu; đối với đại hội của các tổ chức đảng có ít đảng viên thì chỉ bầu tổ kiểm phiếu.

Tại điểm 2, Điều 13, Chương III: Đề nghị bổ sung cụm từ “đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng” để trở thành câu: “Ở đại hội, hội nghị đảng viên, đảng viên sinh hoạt tạm thời, đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng và đảng viên dự bị không có quyền bầu cử”. Tại điểm 3, Điều 14, Chương III, trang 15: Đề nghị bổ sung: “Trường hợp nhân sự đề cử, ứng cứ lớn hơn 30% số lượng cần bầu do cuối danh sách có nhiều người có số phiếu bằng nhau thì đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định lựa chọn theo thứ tự ưu tiên tuổi đảng (trường hợp có tuổi đảng bằng nhau thì đều được đưa vào danh sách bầu cử, tuổi đảng được tính theo năm), cơ cấu nhưng không quá 30% so với số lượng cần bầu”.

Tại điểm 5, Điều 14, Chương III: Đề nghị thực hiện phương án 2, trường hợp cần bầu lấy số lượng từ 1 - 6 người, danh sách bầu cử có số dư tối đa là 1 người. Tại điểm 3, Điều 20, Chương IV: Đề nghị bỏ cụm từ “báo cáo” và “khóa trước”; để viết lại câu như sau: “Đoàn chủ tịch đề cử danh sách những đồng chí được cấp ủy triệu tập đại hội giới thiệu vào ban thường vụ khóa mới”.

Tại điểm 2, Điều 30, Chương V: Đề nghị bổ sung nội dung “đối với đại hội đảng viên: người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ được triệu tập có mặt tại đại hội và tham gia bỏ phiếu”. Tại điểm 3, Điều 30, Chương V: Đề nghị bổ sung nội dung “đối với đại hội đại biểu: người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu chính thức (và đại biểu dự khuyết nếu thay thế) được triệu tập có mặt tại đại hội và tham gia bỏ phiếu”.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đánh giá cao ý kiến tham gia của các địa phương. Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu tối đa ý kiến của các địa phương để trình Bộ Chính trị báo cáo Trung ương nhằm hoàn thiện Quy chế bầu cử trong Đảng toàn diện, hạn chế đến mức thấp nhất những nội dung còn bất cập hoặc chưa rõ.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gop-y-de-an-bo-sung-sua-doi-quy-che-bau-cu-trong-dang-187768.htm