Góp ý Dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Còn chồng chéo, thiếu rõ ràng
Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn tại Hội thảo Góp ý Dự Luật Đầu tư (ĐT) và Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi) ngày 15/10 đã dẫn ra 20 ví dụ về sự chồng chéo, thiếu rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Nhiều thủ tục hành chính trùng lặp
Một ví dụ đã được đưa ra là Điều 171.2 Luật Nhà ở yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các quy định tại Luật ĐT - để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương ĐT, nhưng Điều 33 Luật ĐT quy định các tài liệu có trong hồ sơ dự án ĐT để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương ĐT và không có quy định về việc các văn bản khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…“Ngoài những ví dụ điển hình, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Tuấn nói.
Việc chồng chéo trong các quy định của pháp luật dẫn đến nhiều hệ quả là DN và nhà ĐT phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…
Giải pháp cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề; Phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật: ĐT, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Đối tác công - tư...; Dùng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát. Làm luật cần chuyên nghiệp, độc lập và tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang đồng tình khi cho rằng sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật hiện nay liên quan đến Luật ĐT là có. “Việc sửa đổi lần này đã giải quyết được những chồng chéo đó chưa?”, ông Quang đặt vấn đề.
“Luật ĐT cần được tiếp tục sửa đổi để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực ĐT trong nước và ĐT nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký ĐT; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động ĐT, kinh doanh”, đại diện Ban soạn thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) Quách Ngọc Tuấn khẳng định.
Cần bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư
Dẫn Nghị quyết 50 về “Nâng cao hiệu quả thu hút FDI” và Nghị quyết 52 về “Chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” của Bộ Chính trị, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN ĐT nước ngoài (VAFIE) cho rằng, tinh thần Nghị quyết chưa được đưa vào dự thảo Luật này.
Một số vấn đề mới phát sinh như Grab và Uber, Fintec,... theo Chủ tịch VAFIE cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “vi phạm luật pháp” vì cả hai đều cản trở đổi mới, sáng tạo.
Ông Mại cũng đặc biệt lưu ý cần có các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà ĐT, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút ĐT, đặc biệt ĐT nước ngoài. Ông cho biết, điều khoản về bảo đảm ĐT khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 Luật ĐT, nhưng quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi ĐT, còn các điều kiện ĐT khác dù đã được quy định trong Giấy phép ĐT hoặc Giấy chứng nhận ĐT lại không được bảo đảm… Vì thế, cần có một chương “Bảo đảm ĐT” trong Luật ĐT sửa đổi để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi nhà ĐT, gồm: Bảo đảm quyền sở hữu tài sản; chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà ĐT ra nước ngoài…
Đồng tình với việc Dự thảo Luật còn có những “khoảng trống” pháp lý, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, Dự Luật chưa sửa đổi được 13 điểm yếu về ĐT nước ngoài. “Ở mức độ nào đó chỉ hướng được ĐT công nghệ cao và các giám định về ĐT, vậy làm sao để tiết chế được thế nào là ĐT sạch và không sạch?”, vị này nói.