Góp ý dự thảo Đề án về cung cấp thông tin cho vùng đồng bào DTTS

Ngày 15/11, Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Đề án 'Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTD&MN, vùng đặc biệt khó khăn' giai đoạn 2023-2025.

Các đồng chí: Hoàng Thị Hạnh- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Nguyễn Huy Dũng- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội thảo.

Việt Nam hiện có hơn 14 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số, có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố. Đề án sẽ duy trì cung cấp 19 ấn phẩm báo, tạp chí; xây dựng App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi, đa dạng các kênh phát hành báo, tạp chí. Kinh phí thực hiện Đề án dự kiến khoảng 130 tỉ đồng/năm.

Dự thảo Đề án nhằm thông tin, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc và tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường niềm tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống phá Đảng và Nhà nước; giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, trang bị, phổ biến kiến thức về kinh tế, KHKT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc…

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết của việc ban hành và các nội dung của Đề án. Đề nghị bổ sung một số nội dung như: Việc cung cấp thông tin cần nghiên cứu phù hợp với từng vùng miền, địa phương để nâng cao hiệu quả; cách trình bày ấn phẩm, tạp chí cần sát thực tế, ngôn ngữ gần gũi với đồng bào, dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng, gắn với bản sắc vùng miền, có dấu ấn văn hóa của đồng bào DTTS; có kênh tiếp nhận thông tin phản hồi từ cơ sở, từ người dân để thông tin mang tính hai chiều, bổ sung các đối tượng hưởng thụ, xây dựng nền tảng công nghệ cung cấp giải pháp an toàn an ninh thông tin, đổi mới phương pháp vận chuyển ấn phẩm...

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Đề án trong thời gian tới.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//dan-toc-ton-giao/gop-y-du-thao-de-an-ve-cung-cap-thong-tin-cho-vung-dong-bao-dtts/188678.htm