Góp ý dự thảo Hướng dẫn phát hiện vi phạm của bản án, quyết định dân sự

VKSND tối cao (Vụ 9) vừa xây dựng xong dự thảo 'Hướng dẫn phát hiện vi phạm của bản án, quyết định, thực hiện thẩm quyền kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa án bị Tòa án cấp trên hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát ngang cấp; đồng thời, nâng cao tỷ lệ chất lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp' gửi các đơn vị trong Ngành để nghiên cứu, cho ý kiến.

Theo dự thảo, mục đích của việc ban hành Hướng dẫn nhằm phát hiện vi phạm của bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhằm nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự; hạn chế tối đa các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giám đốc thẩm. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chế độ hai cấp xét xử; đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành trong thời gian ngắn nhất.

Hướng dẫn góp phần giúp các công chức làm công tác Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự nhận diện được một số các vi phạm của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự ở cấp sơ thẩm trên cơ sở đó kiểm sát bản án, quyết định nhanh chóng và chính xác nhằm nâng cao số lượng và chất lượng kháng nghị phúc thẩm ngang cấp.

Về yêu cầu, dự thảo nêu rõ: Hướng dẫn phát hiện vi phạm của bản án, quyết định, thực hiện thẩm quyền kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa án bị Tòa án cấp trên hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát ngang cấp; đồng thời, nâng cao tỷ lệ chất lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Mặt khác, Hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc gải quyết các vụ việc dân sự để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định tại Khoản 7 Điểu 27 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Về nội dung cần xin ý kiến, dự thảo Hướng dẫn đề cập đến việc nghiên cứu hồ sơ đối với các vụ án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất; nghiên cứu hồ sơ đối với các vụ án về hợp đồng vay tài sản; nghiên cứu hồ sơ vụ án về thừa kế; nghiên cứu hồ sơ vụ án về hôn nhân gia đình.

Liên quan đến pháp luật áp dụng, dự thảo Hướng dẫn nêu: Tranh chấp trong dân sự là một tranh chấp phức tạp và kéo dài vì vậy trong quá trình Kiểm sát việc giải quyết của Tòa án cần lưu ý thời điểm xác lập giao dịch, thời điểm xảy ra tranh chấp, thời điểm xuất hiện sự kiện pháp lý để áp dụng pháp luật giải quyết cho phù hợp với từng thời kỳ.

Các văn bản pháp luật để áp dụng, gồm: Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình, Luật các tổ chức tín dụng, Luật tương trợ tư pháp, các hiệp định và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc kí kết, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ quốc hội, các Quyết định của Hội đồng chính phủ, nghị định của chính phủ, các thông tư liên tịch, thông tư của liên bộ, các bộ, của Tổng cục địa chính, của Ngân hàng Nhà nước, các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các án lệ…

Đặc biệt lưu ý đến các văn bản của Quốc hội, của Chính phủ về chính sách cải tạo đất đai qua các thời kỳ, chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các điều luật chuyển tiếp của các bộ luật, luật; hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao về lãi suất; chính sách của nhà nước về hôn nhân và gia đình đối với cán bộ miền Nam tập kết ra bắc, thời hiệu chia thừa kế theo pháp lệnh thừa kế năm 1990, theo Bộ luật dân sự năm 2005, 2015.

Trong việc phát hiện vi phạm của Tòa án để kháng nghị, dự thảo Hướng dẫn đã đề cập đến nội dung phát hiện vi phạm về tố tụng (thẩm quyền giải quyết của Tòa án; người tham gia tố tụng; việc sửa chữa, bổ sung bản án không đúng quy định; việc thu thập chứng cứ không đầy đủ; việc sử dụng chứng cứ; việc giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của đương sự; về điều kiện thụ lý vụ án) và phát hiện vi phạm về nội dung.

Đối với việc xử lý vi phạm đã phát hiện, dự thảo Hướng dẫn yêu cầu: Quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm khi phát hiện bản án, quyết định có vi phạm về tố tụng, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật; quyết định của bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, quyền lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của các tổ chức xã hội phải đề xuất báo cáo Lãnh đạo viện thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm. Quyết định kháng nghị, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại Điều 279, Khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự.

Khi thực hiện thẩm quyền kháng nghị cần bám sát nội dung Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị nói chung và kháng nghi phúc thẩm nói riêng nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định bị Tòa án hủy sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát ngang cấp. Phối hợp với VKSND cấp trên trực tiếp để nắm kết quả xét xử phúc thẩm đối với án bị hủy và chất lượng kháng nghị để tổng hợp rút kinh nghiệm trong việc phát hiện vi phạm, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng án bị hủy do đương sự kháng cáo nhằm nâng cao tỷ lệ, chất lượng của công tác kháng nghị phúc thẩm.

Xem toàn văn dự thảo tại đây.doc

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/gop-y-du-thao-huong-dan-phat-hien-vi-pham-cua-ban-an-quyet-dinh-dan-su-71427.html