Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Các chuyên gia nói gì?
Các chuyên gia kinh tế, luật sư đều cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu (sửa đổi) đến công ty con có trên 50% vốn Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ làm mất đi tính tự chủ cũng như ảnh hưởng lớn đến sự linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Vừa qua, tại Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách trình Quốc hội xem xét 2 phương án điều chỉnh Luật Đấu thầu (sửa đổi) đối với DNNN. Theo đó, phương án 1, Chính phủ trình bỏ đấu thầu đối với các dự án đầu tư có vốn từ 30% của DNNN thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Phương án 2, là mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu với cả các gói thầu thuộc dự án đầu tư của các doanh nghiệp có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia kinh tế, luật sư đều cho rằng không nhất thiết phải mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu với doanh nghiệp nhà nước, bởi nếu áp dụng đấu thầu với DN có vốn DNNN sẽ làm mất đi tính tự chủ, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Mở rộng đối tượng áp dụng đấu thầu với DNNN là cứng nhắc và hạn chế quyền tự chủ kinh doanh, sự nhanh nhạy trong DN vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân
Sở dĩ trước kia Luật Doanh nghiệp (DN) chỉ xác định doanh nghiệp ‘F0’ mới là DNNN và chia DNNN làm 2 loại với mức độ sở hữu khác nhau vì cách tiếp cận mới về quản lý DNNN: DN có mức độ sở hữu khác nhau thì phải có phương thức quản lý khác nhau và không đánh đồng chủ thể. Khi những DNNN có vốn dưới 100% và công ty con của DNNN là chủ thể có cả lợi ích của nhà đầu tư tư nhân nên cách thức quản lý phải khác, là phải cân bằng giữa mục tiêu quản lý phần vốn nhà nước và quyền tự chủ, sự linh hoạt, nhanh nhạy, quyền lợi của các nhà đầu tư tư nhân trong DNNN. Nếu cứ đánh đồng các chủ thể này và áp dụng cùng một phương thức quản lý thì ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nhà đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư, có thể ảnh hưởng đến việc cổ phần hóa của DNNN sau này.
Cần hiểu là lợi ích của nhà đầu tư tư nhân trong công ty con của DNNN là rất lớn ngay cả khi chỉ sở hữu vài % nhưng khối lượng vốn trong DN rất lớn. Với khối lượng vốn như vậy, nhà đầu tư tư nhân có lợi ích để thiết kế những quy định, quy chế giám sát nội bộ, bao gồm cả đấu thầu để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, của cổ đông, của doanh nghiệp, giảm sự lạm quyền cổ đông lớn, giảm nguy cơ CBNV, người lao động chiếm đoạt lợi ích của công ty. Tuy nhiên, họ sẽ thiết kế quy trình phù hợp với tính chất, phạm vi và công việc kinh doanh của họ. Như vậy, nếu áp dụng cứng nhắc như quy định của Nhà nước thì sẽ thấy không phù hợp, có thể gây hạn chế cho hoạt động công ty, ảnh hưởng lợi ích tất cả các bên. Cho nên, phải dựa trên sự cân bằng giữa quản lý Nhà nước và lợi ích nhà đầu tư tư nhân, nhu cầu tự thân của các nhà đầu tư tư nhân trong việc bảo vệ lợi ích của mình, ngay cả khi Nhà nước không yêu cầu thì họ vẫn cứ làm. Như vậy, sẽ phù hợp nếu áp dụng quy định của Luật Đấu thầu này với những DNNN, có lợi ích tuyệt đối ở đó.
Nếu áp dụng nguyên tắc cân bằng lợi ích và quyền tự chủ kinh doanh, nhanh nhạy của doanh nghiệp, thì công ty con của DNNN cần sự linh hoạt, chủ động lựa chọn phương thức, cách thức đấu thầu để phù hợp với mục tiêu, tính chất, lĩnh vực kinh doanh, với tình huống thực tế thì phải để cho họ lựa chọn cách của họ, nếu thấy cần thiết họ có thể áp dụng Luật Đấu thầu. Khi áp dụng Luật như vậy thì lợi ích của Nhà nước cũng được bảo vệ, tư nhân cũng vẫn được bảo vệ. Ngoài ra, đối với phần vốn nhà nước và phần vốn của DNNN trong doanh nghiệp khác còn có nhiều cơ chế khác để quản lý như Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…
Nếu theo phương án 2 áp dụng cho DNNN (theo LDN) và công ty con DNNN, tức là mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng doanh nghiệp, điều này dẫn đến nguyên tắc cân bằng lợi ích nêu trên bị nghiêng về nguy cơ là áp dụng cứng nhắc và hạn chế quyền tự chủ kinh doanh, sự nhanh nhạy trong DN vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân. Như vậy, trong nhiều trường hợp sẽ tạo ra sự thua thiệt, kém cạnh tranh cho chính DN đó và cả nhà đầu tư bên ngoài, như thế cả Nhà nước cũng sẽ bị thiệt. Tiếp đến, sau này cổ phần hóa, thoái vốn, sẽ ảnh hướng đến việc nhà đầu tư tư nhân cân nhắc quyết định có mua hay không để cùng kinh doanh với Nhà nước.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: Không nên mở rộng áp dụng luật đối với công ty con của DNNN (kể cả do DNNN sở hữu 100% vốn)
“Doanh nghiệp có trên 50% vốn DNNN” được hiểu là công ty con của DNNN 100% vốn nhà nước chứ không phải là mọi DNNN. Các doanh nghiệp này, lâu nay vẫn được gọi là “doanh nghiệp cấp 2”. Mặc dù vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, các doanh nghiệp cấp 2 này chỉ có vốn của DNNN chứ chưa bao giờ là DNNN.
Tại Luật Đấu thầu ban hành lần đầu năm 2005 và Luật Đấu thầu năm 2013 quy định ngoài việc quy định áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển của DNNN thì phải áp dụng đối với cả dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Như vậy, có thể thấy các quy định của Luật Đấu thầu từ trước đến nay nhắm vào nhóm đối tượng là dự án sử dụng “vốn nhà nước” và “vốn của DNNN” chứ không phải là nhắm vào công ty con của DNNN. Tức là, các dự án không thuộc nhóm các đối tượng nêu trên sẽ không phải tuân thủ quy trình đấu thầu bắt buộc như quy định của Luật. Doanh nghiệp cấp 2 tức công ty con của DNNN, theo đó, sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Luật này, nếu không sử dụng vốn của NN hay vốn của công ty Mẹ (DNNN) trong dự án khi đầu tư mua sắm.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp cấp 2 khi đầu tư mua sắm vẫn tổ chức đấu thầu… theo đúng quy trình của Luật Đấu thầu, bởi không tự xác định được thế nào là “vốn nhà nước” hay “vốn của DNNN” trong các dự án. Bởi các quy định, định nghĩa của Luật 2013 chưa rõ ràng về “vốn của DNNN” tham gia dự án.
Hiện nay chúng ta đang phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường, nên phải đảm bảo một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định đối với tất cả các thành phần kinh tế. Do đó, loại bỏ quy định trên giúp các doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước (mà không phải là vốn của Nhà nước) được chủ động hơn trong việc đầu tư dự án, góp phần tạo nên quyền chủ động quyết định cho các tổ chức, cá nhân khác có tham gia góp vốn cùng nhà nước, họ không bị ràng buộc bởi những quy định áp dụng đối với vốn nhà nước như trước đây. Đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và các tổ chức cá nhân khác trong cùng “sân chơi kinh tế”.
Quản chặt vốn nhà nước là đúng, nhưng khi số vốn đó đã được đầu tư vào doanh nghiệp thì phải giao quyền chủ động cho doanh nghiệp, đặc biệt là trường hợp đã mang đi đầu tư vào công ty con mà khi sử dụng để đầu tư kinh doanh vẫn quản như vốn ngân sách thì chẳng khác nào “ép” DN “tự buộc chân mình”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Nếu mở rộng đấu thầu đối với DNNN thì về tinh thần là không tuân thủ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, không tuân thủ Nghị quyết 12 của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới và củng cố DNNN
Nếu như mở rộng Luật Đấu thầu với các công ty con của DNNN sẽ tạo ra sự phân biệt giữa DNNN và DN của các thành phần kinh tế khác, mặc dù DNNN đã bị chi phối bởi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Và nếu mở rộng thì sẽ ảnh hưởng đến tính tự chủ và độ thông thoáng về mặt hành lang pháp lý với DNNN. Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng do là DNNN nên cần quản lý chặt hơn, nhưng đó chỉ là dân túy, chỉ nói ra điều mong muốn. Quản lý chặt không có nghĩa mọi điều phải làm theo ý của Nhà nước. Lấy ví dụ, người quản trị DNNN giống người lái xe còn tài sản của Nhà nước là chiếc xe. Luật Đấu thầu hiện nay giống như đã giao xe cho người lái và chỉ ngồi ở ghế sau nhưng lại chỉ đạo người ta lái như thế nào. Làm như thế là không hợp lý.
Nếu hết giờ làm việc, lái xe trả xe cho ông chủ xe, thì người chủ ấy tự lái về nhà thì việc đi như thế nào do toàn quyền của chủ xe. Nhưng nếu trong giờ làm, ông chủ chỉ ngồi ghế sau nhưng lại chỉ đạo người lái phải lái theo ý mình là không nên, ông chủ ngồi sau sẽ không hiểu hết tình hình thực tế trên đường để chỉ đạo. Người lái xe là người hiểu rõ nhất và tự linh hoạt đi với tốc độ hay làn đường nào phù hợp với tình hình. Ông chủ xe càng không thể ngồi sau rồi nói tại sao không lái vượt xe kia, tại sao không đi làn đường nọ. Bởi chỉ lái xe mới nắm rõ đi làn đường nào không xóc, đi tốc độ bao nhiêu là phù hợp.
Ngoài ra, nếu mở rộng thì về tinh thần là không tuân thủ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, không tuân thủ Nghị quyết 12 của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới và củng cố DNNN. Về luật, đi ngược lại với Luật DN, chồng chéo với Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.
Khi xây dựng luật và khi thảo luận các vấn đề luật quy định thì không cần nêu vấn đề chủ sở hữu ra, đã là DN thì DNNN hay DNTN đều phải tôn trọng. Phải tôn trọng quyền của DN đại diện chủ phần vốn. DN có 1 dự án thì việc giao cho đơn vị nào thực hiện là quyền của DN đó và Nhà nước không nên can thiệp. Ví dụ Nhà nước giao cho Petrovietnam 1 dự án nhưng lại muốn Petrovietnam tổ chức đấu thầu dự án đó là không nên, đã giao cho Petrovietnam thì việc phân cho đơn vị con nào làm dự án đó nên cho Petrovietnam quyết định. Còn nếu Nhà nước lại muốn đấu thầu thì ngay từ đầu Nhà nước nên tự tổ chức đấu thầu.
Luật sư Đặng Dương Anh - Thành viên Cao cấp - Chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF - Hồng Đức): Việc mở rộng đối tượng áp dụng đấu thầu đối với DNNN sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ
Trong suốt thời gian kể từ khi Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 lần đầu tiên được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua và ban hành vào ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/04/2006 cho đến Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được thông qua và ban hành vào ngày 26/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 đến nay, Luật Đấu thầu đều không có quy định bắt buộc các gói thầu của các doanh nghiệp trong đó DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. Như vậy, đây là lần đầu tiên cơ quan soạn thảo đưa ra đề xuất này để mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu.
Việc mở rộng đối tượng áp dụng đấu thầu là đi ngược lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp hiện tại. Bởi vì, theo các quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được Quốc hội thông qua và ban hành vào ngày 17/06/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (sau đây gọi là “Luật Doanh nghiệp”), doanh nghiệp trong đó DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được xem là DNNN. Luật Doanh nghiệp cũng không có nhóm quy định về cơ chế quản lý riêng biệt đối với các doanh nghiệp có vốn góp của DNNN tương tự như đối với DNNN (ví dụ như Chương IV (Doanh nghiệp Nhà nước) của Luật Doanh nghiệp). Như vậy, chúng ta có thể thấy quan điểm và tinh thần thống nhất của Luật Doanh nghiệp là đảm bảo tính độc lập, tự chủ trong việc tổ chức và vận hành sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn góp của DNNN tương tự như các doanh nghiệp trong khối tư nhân mà không lệ thuộc vào các quy định riêng biệt về quản lý DNNN.
Có thể nói sẽ là mâu thuẫn và không phù hợp với Luật Doanh nghiệp hiện tại nếu Dự thảo yêu cầu các gói thầu trong các dự án đầu tư và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải tuân thủ và thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu. (Từ trước đến nay Luật Đấu thầu chỉ bắt buộc áp dụng đối với các gói thầu của Nhà nước và/hoặc của các DNNN). Việc đưa phương án này vào Dự thảo cũng không đảm bảo các quyền kinh doanh cơ bản của các doanh nghiệp không phải DNNN được quy định trong Luật Doanh nghiệp, như quyền “tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh” hay quyền “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn” của các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm:Thu hẹp phạm vi đấu thầu sẽ tạo tính chủ động hơn cho DNNN
Việc bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành đã thu hẹp đối tượng dự án dùng vốn nhà nước phải đấu thầu là điểm đột phá trong dự thảo. Hiện nay chúng ta đang phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường, nên phải đảm bảo một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định đối với tất cả các thành phần kinh tế. Do đó, loại bỏ quy định trên giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước (mà không phải DNNN) được chủ động hơn trong việc đầu tư dự án, góp phần tạo nên quyền chủ động quyết định cho các tổ chức, cá nhân khác có tham gia góp vốn cùng nhà nước, họ không bị ràng buộc bởi những quy định áp dụng đối với vốn nhà nước như trước đây. Đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và các tổ chức cá nhân khác trong cùng “sân chơi kinh tế”.
Không cần mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu với đối tượng là công ty con có trên 50% vốn của DNNN. Mặc dù sẽ có những rủi ro xảy ra trong hoạt động quản lý vốn của DNNN tại các công ty con. Nhưng việc quy định mở rộng nêu trên sẽ cản trở rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của các công ty con, lại một lần nữa họ phải chịu ràng buộc, phụ thuộc vì có “gắn mác DNNN”, không được chủ động, tự quyết định… Đồng thời việc “không cần quy định mở rộng” góp phần buộc các DNNN phải rà soát cân nhắc trong việc đầu tư mở các công ty con sao cho hiệu quả, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, đúng luật.
Mặt khác, công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN có nguồn vốn đầu tư là từ Công ty mẹ, Tổng Công ty, DNNN (không thuộc vốn từ ngân sách hoặc các quỹ do nhà nước quản lý theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) nên không cần thiết phải đưa vào là đối tượng đấu thầu.
Việc thu hẹp phạm vi đấu thầu đối với DNNN sẽ tạo tính chủ động hơn cho doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước với các nhà đầu tư khác, đảm bảo đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp về quyền quyết định, quyền biểu quyết giữa các thành viên góp vốn. Đồng thời, điều này cũng giảm thiểu sự ràng buộc, trì trệ phải phụ thuộc vào nhà nước, hạn chế được những rủi ro pháp lý cho những người điều hành quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước.