GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)

Chiều 19/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)'. TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)”

Quang cảnh Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)”

Tham dự hội thảo có: đại diện một số cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Sau gần 12 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập so với quy định hiện hành. Mặt khác, trong thời gian qua có nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định tại một số dự án luật được sửa đổi, bổ sung như: quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan;..

Ngoài ra, TS. Nguyễn Văn Hiển cũng cho biết, các quy định cụ thể của Luật Phòng, chống mua bán người chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người. Do đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, vừa qua Chính phủ đã đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự kiến dự án luật này sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024 tới đây.

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo

Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, với tính chất là cơ quan nghiên cứu khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện chức năng tham vấn ý kiến chuyên gia, Viện Nghiên cứu lập pháp mong muốn hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc để cùng với các cơ quan chức năng cung cấp thêm thông tin cũng như các luận cứ khoa học và căn cứ thực tiễn nhằm phục vụ thiết thực cho các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật.

Theo dự kiến, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 62 điều (tăng 04 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011), trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 05 điều, bỏ 01 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo luật đã đề xuất những quy định về: Phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua ban người; tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

TS. Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

TS. Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Tại hội thảo, khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Cơ bản nhất trí với một số nội dung cơ bản tại Dự thảo luật, các đại biểu tập trung thảo luận về: Phạm vi điều chỉnh và sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đối tượng cần được tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; quyền và trách nhiệm cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người;...

Các vị đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo

Các vị đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo

Bên cạnh đó, các đại biểu còn quan tâm cho ý kiến vào quy định liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm; công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức xã hội về phòng, chống mua bán người.

Ngoài ra, qua thảo luận một số ý kiến đại biểu đề xuất nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các điều, khoản tại dự thảo đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn; đồng thời kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn các điều ước quốc tế liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên; rà soát đảm bảo quy định thống nhất với các luật có liên quan;.../.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85469