Góp ý Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Khẳng định rõ vai trò của kinh tế số
Tại mỗi kỳ đại hội đại biểu toàn quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đều đưa ra những quyết sách quan trọng, định hướng cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Vì thế, văn kiện đại hội phải là một công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ cũng như niềm tin, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả dân tộc. Với tinh thần và trách nhiệm của một đảng viên, trong bài viết này, tôi có một số ý kiến đóng góp vào 'Tóm tắt dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng', với những nội dung cụ thể như sau:

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, chủ trì phiên họp của tiểu ban diễn ra ngày 15-3-2025. Ảnh: TTXVN
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Đồng thời, nghị quyết cũng đã xác định phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong quá trình chuyển đổi số quốc gia và đề ra mục tiêu đến năm 2030: “Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP… Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới…” (trang 30).
Thế nhưng, tại phần cuối của Mục III trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, với tiêu đề “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước”, lại chỉ xác định: “Chủ động xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì nội dung này còn thiếu thành tố “kinh tế số”. Hơn nữa, nếu không bổ sung thành tố “kinh tế số” thì Dự thảo Báo cáo chính trị và Nghị quyết số 57-NQ/TW chưa đồng bộ, thiếu sự thống nhất. Đặc biệt, hiện kinh tế số đã và đang trở thành một bộ phận quan trọng trong tổng sản phẩm của các quốc gia trên thế giới. Vậy nên, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “kinh tế số” vào ngay sau cụm từ “kinh tế tuần hoàn”. Vì có nhận thức đúng về tầm quan trọng của kinh tế số thì mới xác định rõ vai trò, vị trí của nó là động lực phát triển to lớn trong kỷ nguyên mới. Do đó, nội dung của đoạn này sẽ được viết lại như sau: “Chủ động xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số”.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tại điểm 1, Mục I trong Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2025-2030 (trang 263, 264), đã đánh giá nhiều kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Cụ thể là kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, quy mô nền kinh tế, quy mô thương mại, quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu, kinh tế tư nhân, mô hình sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động nông nghiệp… Tuy nhiên, trong phần đánh giá này lại thiếu một số chỉ tiêu quan trọng, như tốc độ tăng năng suất lao động, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đặc biệt là các chỉ tiêu về môi trường. Vì môi trường đóng vai trò then chốt trong sự phát triển bền vững, vừa là nền tảng vừa là mục tiêu cần hướng tới. Quan trọng hơn, việc bảo vệ môi trường còn giúp duy trì các nguồn tài nguyên, cân bằng hệ sinh thái và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho con người, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và lâu dài của đất nước.
Tại điểm 6, Mục I trong Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2025-2030 (từ trang 279-284) chưa nêu rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu cốt lõi về phát triển xã hội. Cụ thể đó là tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động đã được đào tạo và có kỹ năng chuyên môn (bằng cấp, chứng chỉ tay nghề), tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội… Bên cạnh đó, số liệu về chỉ số phát triển con người (HDI) cập nhật từ năm 2022 nên không phù hợp và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ là con số ước đạt nên chỉ mang tính dự báo… Vì vậy, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung để có cơ sở đối chiếu với các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2026-2030.
Về các mục tiêu chủ yếu, tại điểm 2, Mục III trong dự thảo báo cáo nêu rõ: “Chỉ số phát triển con người (HDI) phấn đấu đạt khoảng 0,75” (trang 309). Ở nội dung này, tôi đề nghị bỏ từ “khoảng”. Lý do là vì xét về ngữ nghĩa tiếng Việt thì cụm từ “đạt khoảng 0,75” là con số ước tính hoặc dự báo nêu nếu không đạt hay gần đạt thì cũng có thể xem là được và nếu vượt thì càng tốt. Còn nếu viết “đạt 0,75”, tức đã khẳng định chắc chắn phấn đấu cao độ thì sẽ đạt và phải đạt. Đồng thời, tôi cũng đề nghị điều chỉnh và nâng chỉ số HDI lên. Lý do là vì Báo Nhân Dân điện tử ngày 7-5-2025 đã đăng bài viết có tựa đề Việt Nam duy trì chỉ số phát triển con người ở mức cao. Nội dung bài báo viết: Một báo cáo mới được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 7-5-2025 cho biết, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2023 đạt 0,766, đứng thứ 93 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đồng thời, UNDP đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao, đứng thứ 93 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Báo cáo này cũng cho biết, từ năm 1990-2023, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,499 lên 0,766, tương đương mức tăng 53,5%, một bước tiến ấn tượng. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,682 - thuộc nhóm trung bình, lên 0,706 - nhóm cao. Và từ năm 2020-2023, chỉ số này của Việt Nam đã tăng mạnh, từ 0,706 lên 0,766. Dựa trên tốc độ tăng chỉ số HDI của nước ta trong những năm gần đây, tôi đề nghị nâng chỉ số HDI đến năm 2030 đạt 0,78 là hoàn toàn phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế phát triển của đất nước hiện nay. Như vậy, sau khi đã sửa và điều chỉnh chỉ số HDI, nội dung của câu này sẽ được viết như sau: “Chỉ số phát triển con người (HDI) phấn đấu đạt 0,78”.