Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Nhiều ý kiến tâm huyết vì sự phát triển đất nước

Cùng với cả nước, cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bắt đầu đóng góp ý kiến tâm huyết vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tiến sỹ Ngô Hùng Mạnh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên nghiên cứu dự thảo sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tiến sỹ Ngô Hùng Mạnh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên nghiên cứu dự thảo sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Qua nghiên cứu các tài liệu, Tiến sỹ Ngô Hùng Mạnh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho rằng, về bản chất, việc sửa đổi là để phù hợp với sự phát triển của đất nước; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo quyền con người, quyền công dân và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...

Tuy nhiên, ông có băn khoăn tại Khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết có nêu: "...Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp. Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp".

Phân tích sâu hơn về nội dung trên dựa vào Điều 34 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19/2/2025 và Điều 33 Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định có nêu: “Kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp cơ sở phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê chuẩn”, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên chưa thấy sự logic.

Do đó, ông đề nghị xem xét bổ sung chỉnh sửa Hiến pháp năm 2013 như sau: “Sau khi thống nhất với Thường trực HĐND cấp tỉnh thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp”, như vậy đảm bảo có sự thống nhất từ Chính phủ tới cấp tỉnh trong việc chỉ định người đứng đầu chính quyền.

Ông Vũ Văn Thuần, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên góp nhiều ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ông Vũ Văn Thuần, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên góp nhiều ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Còn ông Vũ Văn Thuần, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết, việc Điều 9 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nêu: "…MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo… Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam".

Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho rằng những nội dung trên của dự thảo là rất phù hợp với tình hình đất nước hiện nay, cần một bộ máy tinh, gọn mạnh, hiệu năng hiệu lực hiệu quả. Khi các cơ quan, đơn vị, tổ chức… về chung “mái nhà Mặt trận”, sẽ làm tăng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc thêm một bước nữa. Nhưng ông Thuần cho rằng, các tổ chức quần chúng được Đảng giao nhiệm vụ nêu tại Điều 9 của dự thảo thuộc MTTQ nhưng cũng cần có trụ sở, tư cách pháp nhân độc lập, con dấu để phục vụ công việc được tốt hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên chia sẻ ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên chia sẻ ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên cho biết, việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng gắn với vận mệnh của đất nước, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Theo hướng dẫn của Trung ương, cơ quan Mặt trận tỉnh đã đăng tải Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; Bản thuyết minh về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp; Bản so sánh các nội dung sửa đổi Hiến pháp… để cán bộ, đảng viên, người dân dễ nắm bắt, từ đó tham gia góp ý kiến.

“Để việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp bảo đảm đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, cơ quan Mặt trận sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến bảo đảm công khai, dân chủ, nghiêm túc, thực chất, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tọa đàm để các chuyên gia, nhà khoa học có những đóng góp sắc bén, khoa học cho dự thảo”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang cùng các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, hội viên, nhân dân; qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm công dân, thúc đẩy sự tham gia chủ động và tích cực của nhân dân đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập hợp gửi Trung ương ngày 21/5.

Tin, ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/gop-y-sua-doi-hien-phap-nhieu-y-kien-tam-huyet-vi-su-phat-trien-dat-nuoc-20250509174131746.htm