Grab, Be cùng tăng giá, xe ôm, taxi đồng loạt lên cước
Sau khi giá xăng tăng mạnh, các hãng xe công nghệ đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển. Các hãng xe taxi cũng rục rịch tăng giá theo.
Đặt xe đi làm vào ngày Thứ Hai đầu tuần, chị Thu Trang (một nhân viên văn phòng ở Hoàng Liệt, Hà Nội) giật mình khi thấy mức giá đặt xe ô tô 4 chỗ của Grab tăng khá cao. Một phần nguyên nhân do mưa, nhu cầu sử dụng xe ô tô nhiều hơn, nhưng lý do khác là cước vận chuyển đã tăng giá.
Chị cho hay, quãng đường từ nhà chị tới công ty khoảng 6 km, mức giá trung bình hàng ngày chị vẫn đi khoảng 60.000-70.000 đồng, sau khi trừ một số khuyến mãi. Thời điểm ra Tết, ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng lái xe giảm nên cước phí cũng tăng, theo lên khoảng 80.000-90.000 đồng.
Nhưng nay, chị đặt xe giá cước phí đã tăng lên 140.000 đồng, cùng cảnh báo mức giá có thể còn tăng. Ở khung giờ không cao điểm, giá cước giảm về khoảng 100.000 đồng.
Mới đây, chị Trang nhận được thông tin Grab tăng giá cước từ 10/3 khiến chị càng lo lắng hơn. “Giá xăng tăng cao, việc điều chỉnh giá cước là tất yếu, nhưng cũng làm cháy túi những khách hàng như mình. Từ khi dịch bệnh, các mã khuyến mại rất ít nên cứ tình hình này chắc phải chuyển qua tự đi xe cá nhân thôi”, chị Trang chia sẻ.
Sử dụng dịch vụ Grabcar để đưa con đi học, chị Nguyễn Thanh Mai (Ba Đình, Hà Nội) cũng đang lo lắng về giá cước tăng. Chị cho hay, ngày nào chị cũng đặt xe cho con đi học từ nhà tới trường ở Cầu Giấy, giá trung bình khoảng hơn 80.000 đồng/chuyến.
“Con mình và một cháu hàng xóm đi chung xe nên chia ra có thể kham được, song nếu giá cước vận chuyển tiếp tục tăng do xăng dầu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới túi tiền của hai gia đình. Giờ các cháu học ít không sao, chứ học thêm liên tục đi lại nhiều thì sẽ rất tốn kém”, chị Mai nói.
Các chủ shop kinh doanh online cũng đứng ngồi không yên trước việc giá cước vận chuyển tăng. “Trung bình một đơn hàng tiền công vận chuyển khoảng 30.000 đồng, nay mình phải tăng thêm 10.000 đồng”, chị Vũ Hoa, một chủ shop kinh doanh thực phẩm sạch tại Đống Đa, kể.
Theo chị Hoa, hàng ngày chị có hàng trăm đơn hàng giao cho khách. Cước ship hàng khách phải trả nhưng tăng cao quá cũng khiến nhiều khách kêu. Giờ tăng thêm 10.000 đồng/chuyến hàng mà nhiều khách đã phàn nàn. “Cước vận chuyển tăng cao khiến hàng hóa tăng, cộng thêm phí ship nữa sẽ khó kinh doanh”, chị nói.
Trên nhiều hội nhóm giao hàng, các shipper cũng tăng giá vận chuyển từ 10.000-20.000 đồng/chuyến, tùy thời gian và khoảng cách. Có chủ shop phản ánh tình trạng, cước tăng nên nhiều shipper còn từ chối nhận các shop giao gần hoặc có số lượng đơn hàng ít trong ngày.
Tăng cước vận chuyển
Ảnh hưởng của giá xăng, nhiều hãng xe công nghệ đã điều chỉnh giá cước. Grab Việt Nam mới đây phát đi thông báo về việc điều chỉnh tăng cước phí tất cả dịch vụ từ ngày 10/3. Doanh nghiệp gọi xe công nghệ này lý giải để bù đắp một phần chi phí của đối tác, giúp tài xế có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích họ phục vụ tốt hơn.
Theo đó, dịch vụ GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Giá cước GrabBike mới tại TPHCM là 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.
Không chỉ Hà Nội và TPHCM, giá dịch vụ GrabBike tại 30 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh tăng.
Lần gần nhất Grab tăng giá cước là cuối năm 2020.
Trước đó, Be đã tăng giá cước tại Hà Nội từ ngày 10/2. Cụ thể, cước phí 2 km đầu của dịch vụ beBike là 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo cước tăng từ 4.180 đồng/km lên 4.600 đồng/km. Cước phí mỗi km của dịch vụ beDelivery được ứng dụng giữ nguyên, nhưng cước phí 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng.
Với dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.
Một số đơn vị taxi truyền thống cũng đang xem xét tăng giá. “Nếu cơ quan nhà nước không có phương án giảm thuế môi trường để kìm giá xăng, hãng taxi buộc phải điều chỉnh giá cước”, anh Nam, một lái xe taxi truyền thống, cho hay.
Ảnh hưởng của dịch bệnh, các hãng xe công nghệ và taxi truyền thống đã phải ngừng hoạt động ở một số thời điểm. Các hãng mới được hoạt động trở lại đầy đủ các dịch vụ từ cuối năm 2021.
Theo các lái xe, việc tăng giá cước do các chi phí đầu vào tăng nhưng họ vẫn không mong muốn điều này. “Giá tăng cao sẽ khiến khách hàng giảm đi lại, thu nhập lái xe càng bị ảnh hưởng”, Tuấn Hùng, một lái xe công nghệ, lo lắng.