Grab và Gojek có kế hoạch chuyển hướng xe điện làm taxi

Hai hãng taxi công nghệ Grab và Gojek cũng đang lên kế hoạch chuyển hết sang dùng xe máy điện từ nay đến năm 2030.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay hãng gọi xe Grab nổi tiếng của Singapore sẽ mua 1.000 chiếc xe điện cho thị trường Indonesia, chủ yếu của thương hiệu BYD đến từ Trung Quốc nhằm phục vụ công cuộc chuyển đổi xanh.

Cụ thể, Grab tuyên bố có kế hoạch phát triển đội xe taxi thân thiện với môi trường hơn, bao gồm những chiếc ô tô điện M6 của BYD.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các giải pháp vận tải thân thiện với môi trường cho công chúng và đẩy nhanh quá trình phát triển hệ sinh thái xe điện tại đây", giám đốc điều hành Neneng Goenadi của Grab tại Indonesia tuyên bố.

Hiện Grab đang có hơn 10.000 phương tiện ô tô lẫn xe máy đang hoạt động tại Indonesia.

Một mẫu xe điện của của BYD.

Một mẫu xe điện của của BYD.

Theo Nikkei, các dịch vụ gọi xe ở Đông Nam Á đang chuyển sang loại hình phương tiện xanh thân thiện với môi trường hơn như xe điện. Ví dụ Grab đã cam kết chuyển sang dùng xe có lượng phát thải thấp để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040.

Đối thủ của Grab tại Indonesia là Gojek cũng có kế hoạch thay thế tất cả xe máy của mình bằng loại xe máy điện từ nay đến năm 2030. Công ty này đã thành lập liên doanh Electrum để sản xuất xe máy điện và xây dựng một nhà máy tại tỉnh Tây Java vào năm ngoái.

Quay trở lại với Grab, hiện hãng chưa cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận với BYD nhưng những tuyên bố mới nhất cho thấy tham vọng bành trướng của hãng xe điện Trung Quốc tại Indonesia.

Cho đến hiện tại, Indonesia vẫn là thị trường bị chiếm lĩnh bởi các hãng xe Nhật Bản với hơn 90% thị phần. Do đó để tìm đường phát triển, việc BYD hợp tác cùng Grab trong mảng gọi xe là một bước đi được đánh giá là khôn ngoan.

Tập đoàn BYD của Trung Quốc đã gia nhập thị trường xe du lịch của Indonesia vào tháng 1/2024 khi tung ra 3 mẫu xe mới. Đến tháng 7, hãng tiếp tục ra mắt mẫu xe điện đa dụng M6, phù hợp với lối sống của người dân Indonesia.

Ngoài ra, BYD cũng chuẩn bị sản xuất ô tô tại Indonesia. Tháng 4/2024, công ty phát triển bất động sản Indonesia Suryacipta Swadaya thông báo BYD sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD trên diện tích đất 1,08 km2 tại tỉnh Tây Java. Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 1/2026.

Tại Việt Nam, hiện các hãng ô tô Trung Quốc đã và đang có kế hoạch phát triển các thương hiệu xe điện, tuy nhiên nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra khá thờ ơ. Những người được hỏi đều cho rằng mức giá xe điện Trung Quốc khá cao, đặc biệt còn những hạn chế về điểm sạc, bảo dưỡng bảo trì.

Thời điểm tháng 7/2024, BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc - vừa công bố mức giá và mở bán đồng loạt 3 mẫu xe tại Việt Nam. Cụ thể, mẫu xe BYD SEAL có giá 1,119 - 1,359 tỉ đồng, BYD DOLPHIN từ 659 triệu đồng và BYD ATTO 3 từ 766 - 886 triệu đồng.

3 mẫu xe này có mức giá được nhận định thuộc hàng đứng đầu so với các thị trường khu vực Đông Nam Á dù được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc và không có nhiều khác biệt về trang bị, tính năng. Giá các mẫu xe này cũng cao hơn những mẫu cùng phân khúc ở thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, BYD Auto Việt Nam không tập trung xây dựng hạ tầng trạm sạc mà sẽ thực hiện nhiều kế hoạch thay thế; đồng thời hợp tác với các đối tác trạm sạc để có được mức giá tốt cho khách hàng.

Nhận xét về dòng xe điện mang thương hiệu BYD, ông Nguyễn Hoàng Tú (Hà Nội), nhận xét ngoài mức giá cao, khó cạnh tranh, việc BYD không đầu tư hệ thống trạm sạc tại Việt Nam sẽ gây khó cho những ai muốn mua xe của hãng này.

Nhiều người cho rằng các trụ sạc vẫn còn quá ít và chỉ có ở Hà Nội, TP HCM. Do đó, khi sử dụng xe điện Trung Quốc sẽ bất tiện, chủ xe không thể di chuyển ra khỏi thành phố. Theo ý kiến nhiều người, cần chờ thêm một thời gian để giá xe điện Trung Quốc hạ xuống mức hợp lý mới mua.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//xe-hoi/grab-va-gojek-co-ke-hoach-chuyen-huong-xe-dien-lam-taxi-1102028.html