GRAMMY giờ là sân chơi của Kpop?

Giấc mơ chinh phục GRAMMY đang dần rộng cửa với nghệ sĩ Kpop?

Ngày 9/7, Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ (Recording Academy) - tổ chức danh giá đứng sau giải thưởng GRAMMY đã gửi thư mời đến gần 3.600 nghệ sĩ và chuyên gia âm nhạc để gia nhập với tư cách thành viên bỏ phiếu cho khóa mới. Trong số này, HYBE Labels - "ông lớn" của ngành giải trí Hàn Quốc gây chú ý khi có tới 16 đại diện được mời, bao gồm nghệ sĩ, nhà sản xuất và toàn bộ thành viên của nhóm nữ KATSEYE.

Danh sách cụ thể gồm: Yeonjun (TXT), Huh Yunjin (LE SSERAFIM), Jungwon (ENHYPEN), Woozi và Vernon (SEVENTEEN), Zico, Bumzu, Beomgyu, cùng 6 thành viên KATSEYE và các nhà sản xuất như Slow Rabbit, Supreme Boi, Wonderkid. Họ sẽ có quyền bỏ phiếu bắt đầu từ lễ trao giải GRAMMY lần thứ 68, dự kiến diễn ra vào ngày 1/2/2026.

Với động thái này, HYBE tiếp tục khẳng định vị thế không thể thay thế của mình trên bản đồ âm nhạc toàn cầu. Không chỉ là công ty chủ quản của BTS - nhóm nhạc từng "xô đổ" hàng loạt kỷ lục quốc tế, HYBE giờ đây còn là nơi hội tụ các tên tuổi trẻ đang vươn mình mạnh mẽ tại thị trường Mỹ, nơi từng được xem là "thánh địa khó nhằn" với các nghệ sĩ châu Á. Trong thông báo gửi đi, HYBE tuyên bố: "Việc Viện Hàn lâm lựa chọn các nghệ sĩ và nhà sản xuất của chúng tôi là minh chứng cho sức ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Kpop, cũng như cho thấy sự công nhận đối với tài năng và nỗ lực toàn cầu hóa của HYBE".

Sự xuất hiện của nhóm nữ tân binh KATSEYE gây ra nhiều phản ứng trái chiều.

Sự xuất hiện của nhóm nữ tân binh KATSEYE gây ra nhiều phản ứng trái chiều.

Tuy nhiên, thông tin này đã nhanh chóng gây chia rẽ mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, đặc biệt là tại Việt Nam và Hàn Quốc. Bên cạnh những lời chúc mừng, không ít khán giả đặt dấu hỏi về tiêu chí lựa chọn thành viên của Recording Academy, cho rằng nhiều gương mặt trong danh sách "chưa có đủ cống hiến hay ảnh hưởng xứng tầm" để tham gia bỏ phiếu cho giải thưởng âm nhạc danh giá nhất hành tinh. Một số bình luận thậm chí mỉa mai rằng danh sách giống như "cái chợ" và có phần "rẻ tiền", đồng thời lo ngại về sự thiếu công bằng trong quá trình lựa chọn, khi những nghệ sĩ có thành tích âm nhạc khiêm tốn lại có thể tác động đến kết quả của một giải thưởng vốn được xem là "chất lượng hàng đầu".

Thực tế, Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ những năm gần đây đã nỗ lực mở rộng tính đại diện và đa dạng trong đội ngũ thành viên, nhằm đáp ứng yêu cầu công bằng giới tính, chủng tộc, và văn hóa. Tuy nhiên, việc ưu tiên "đa dạng hóa" đôi khi bị hiểu nhầm thành việc đánh đổi chất lượng chuyên môn - điều khiến dư luận không khỏi hoài nghi. Cũng cần lưu ý rằng việc được mời làm thành viên không đồng nghĩa với việc cá nhân đó sẽ được đề cử hay chiến thắng GRAMMY. Tuy nhiên, họ sẽ góp phần quan trọng trong quá trình lựa chọn, bình chọn, và định hình xu hướng âm nhạc được vinh danh.

Nếu như sự công nhận từ Recording Academy là bước tiến đáng tự hào với HYBE và Kpop, thì làn sóng phản ứng trái chiều cũng cho thấy một sự thật rằng danh tiếng không thể che lấp được những hoài nghi về giá trị cốt lõi. Và có lẽ, câu hỏi lớn nhất vẫn còn bỏ ngỏ, phải chăng GRAMMY đang "toàn cầu hóa" bằng mọi giá, kể cả khi làm lu mờ tiêu chí nghệ thuật?

Hoài Thương

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/am-nhac/grammy-gio-la-san-choi-cua-kpop-202507110006587585.html