Grealish và bài toán thích nghi ở Man City
Jack Grealish viết nên một chương mới trong sự nghiệp của mình khi gia nhập Man City nhưng chẳng có gì bảo đảm sẽ không có tai ương đón chờ trước mắt.
Tháng 11 năm ngoái, sau khi Bỉ đánh bại Anh 2-0 ở Nations League, Pep Guardiola đã nhắn tin cho Kevin de Bruyne hỏi cảm nhận về Grealish. Tiền vệ người Bỉ khẳng định nhanh chóng: Grealish là cầu thủ mà Man City phải mua. Thời điểm đó, Man United mới là đội giành lợi thế chiêu mộ Grealish nhưng sau 9 tháng, rốt cuộc City và 100 triệu bảng mới thực sự làm nên chuyện.
Grealish trở thành cầu thủ người Anh đắt giá nhất lịch sử. Kỷ lục này có thể bị phá bỏ trong thời gian tới nếu City còn hứng thú với thương vụ Harry Kane. Chỉ vậy thôi đã nói lên độ chịu chơi của đội chủ sân Etihad. Họ vừa bỏ ra số tiền lớn chưa từng thấy trong lãnh thổ Anh cho một cầu thủ chưa tròn 26 tuổi, chưa từng thi đấu ở cúp châu Âu, mới chỉ xuất phát 3 trận cho đội tuyển Anh và còn chưa có nổi 100 trận ở Premier League.
Nhưng những gì Grealish có thể làm được thì là thứ mà ai cũng có thể nhìn ra. City vừa được bổ sung một cầu thủ tấn công hảo hạng. Mùa trước, Grealish ghi 6 bàn và đặc biệt có 10 kiến tạo, đứng thứ 3 Premier League chỉ sau Kane và Bruno Fernandes. Ở tỷ lệ tạo cơ hội dứt điểm và tung ra những đường chuyền nguy hiểm từ bóng sống, Grealish cũng chỉ kém lần lượt De Bruyne và Bruno.
Nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó. Grealish tự tin khi có bóng trong chân nhưng không phải người luân chuyển nhanh. Lối chơi của Man City ưu tiên kiểm soát và cần nhiều đường chuyền "theo bài". Để phá vỡ phòng tuyến đối phương, họ sẽ dùng những pha ban bật một chạm. Đây là kỹ năng mà Grealish không thường thể hiện ở Villa.
Cũng đúng thôi, tại đội bóng cũ, Grealish là ngôi sao số 1. Lối chơi của Villa cũng khá đơn giản, tập trung bóng cho Grealish và chờ anh tạo nên sự đột biến. Chính vì thế, Grealish có xu hướng giữ bóng khá lâu. Tìm ra sự cân bằng giữa đi bóng và chuyền bóng sẽ là yếu tố sống còn quyết định thành công của tân binh trị giá 100 triệu bảng tại Man City.
Ngoài ra, khả năng tham gia phòng ngự của Grealish cũng là một dấu hỏi. Anh chỉ xếp thứ 141 trong danh sách những cầu thủ tạo sức ép trung bình mỗi trận, tức là kém hơn De Bruyne và Bernardo Silva tới 20%. Điều đó không có nghĩa là Grealish lười biếng hay không có kỹ năng phòng ngự. Chỉ là lối chơi của Villa và City rất khác nhau nên Grealish chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian để thích nghi. Hãy nhớ, Riyad Mahrez cũng mất tới hơn 1 năm trước khi lấy lại được phong độ cao nhất như thời ở Leicester.
Trong pressing tầm cao, thể lực là một yếu tố. Cái này thì Grealish đáp ứng được. Nhưng đấy mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là bạn phải biết các dấu hiệu, nhận thức được thời điểm hành động và chọn đúng vị trí để bọc lót cho đồng đội.
Huấn luyện viên Gareth Southgate lo lắng nhất về khoản này của Grealish và đã trực tiếp trao đổi với anh sau 2 trận giao hữu tiền EURO 2020. Đến khi vào VCK, ở một giải đấu mà Southgate đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, ông cũng hiếm khi dùng Grealish. Thử hỏi, một cầu thủ mà không đủ kỷ luật về vị trí để chơi dưới quyền Southgate, liệu có thể làm thỏa mãn một người cầu toàn như Guardiola?
Cuối cùng là vai trò chủ đạo, Grealish sẽ đá ở đâu trong đội hình của Man City? Cầu thủ người Anh rất đa năng khi có thể chơi được cả vị trí tiền vệ trung tâm lệch trái lẫn tiền đạo trái. Đấy là chưa kể dưới sự hướng dẫn của Pep, Grealish biết đâu còn khám phá ra được những tiềm năng ẩn của mình?
Riêng với vấn đề này, Grealish lại không cần quá lo lắng dù xung quanh anh là một bể đồng đội tài năng luôn cạnh tranh gắt gao. Pep rất giỏi sắp xếp nhân sự, có thêm một cầu thủ tài năng chưa bao giờ là cơn đau đầu với ông. Quan trọng là Grealish có hòa hợp được với môi trường mới hay không, chuyện còn lại cứ để cho người quản lý lo.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/quoc-te/grealish-va-bai-toan-thich-nghi-o-man-city-175612