Great Wall Motors 'vỡ mộng' trời Âu, đặt hi vọng vào Đông Nam Á

Tập đoàn Great Wall Motors từng đặt chân vào châu Âu với nhiều tham vọng, nhưng thành tích bán hàng tại lục địa già đã nhanh chóng khiến GWM phải tỉnh giấc.

Từng khởi đầu trong ngành công nghiệp ôtô nhờ “sao chép” các đối thủ Nhật Bản như Mazda hay Toyota, Great Wall Motors (GWM) đã từng bước phát triển nhanh chóng và sớm trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của thị trường ôtô Trung Quốc.

Tương tự các hãng xe đồng hương, tham vọng của GWM là mở rộng thị phần ra toàn cầu, trong đó lục địa già được nhắm đến như là một trong những ưu tiên lớn nhất.

Tuy nhiên sau gần 3 năm chinh chiến tại thị trường châu Âu, GWM dường như đã “vỡ mộng” và sẽ chọn một hướng đi khác để tiếp tục bành trướng thị phần.

“Vỡ mộng” tại trời Âu

Cuối tháng 11/2021, Great Wall Motors tuyên bố mở chi nhánh hoạt động tại Đức, đồng thời thiết lập một trụ sở chính đặt tại Munich (Đức) và lấy nơi đây làm trung tâm phát triển cho toàn thị trường châu Âu.

Đến năm 2022, Great Wall Motors bắt tay với Emil Frey - nhà phân phối ôtô lớn nhất châu Âu - để phân phối các mẫu xe điện thương hiệu Ora và Wey thuộc sở hữu của tập đoàn ôtô Trung Quốc đến với khách hàng lục địa già. Từ đó đến nay, GWM đã cùng với Emil Frey và các đối tác châu Âu tiến hành cung cấp xe thuần điện cùng với các mẫu hybrid cắm sạc cho khách hàng ở Đức, Anh, Ireland, Thụy Điển và cả Israel.

 Great Wall Motors không có kết quả kinh doanh khả quan tại châu Âu. Ảnh: GWM.

Great Wall Motors không có kết quả kinh doanh khả quan tại châu Âu. Ảnh: GWM.

Great Wall Motors được cho là từng khá lạc quan về cơ hội của mình tại thị trường châu Âu. Vào năm 2019, Chủ tịch Wei Jianjun của tập đoàn này từng bày tỏ ý định thiết lập cơ sở sản xuất ôtô ngay tại châu Âu nếu đạt được mục tiêu doanh số 50.000 xe ở thị trường lục địa già.

Mục tiêu của Great Wall Motors dành cho thị trường châu Âu không hoàn toàn viển vông, bởi năm 2023 đã đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp tập đoàn này bán được hơn một triệu xe trên toàn cầu. Tính riêng trong năm 2023, GWM báo cáo lượng ôtô bán ra cho khách hàng toàn cầu là 1,23 triệu xe, trong đó có 316.018 xe bán ra tại các thị trường bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, tương đương tỷ trọng gần 25,7%.

Dù vậy, sức bán khá ấn tượng của Great Wall Motors tại các thị trường nước ngoài lại ghi nhận sự đóng góp ít ỏi từ các quốc gia thuộc khu vực châu Âu. Các báo cáo cho thấy trong năm 2023, chỉ có khoảng 6.300 xe mới thuộc tập đoàn Great Wall Motors hoàn tất đăng ký và lăn bánh trên đường phố tại lục địa già.

Nhiều khả năng đây là một phần nguyên nhân khiến Great Wall Motors có những động thái cắt giảm nguồn lực hiện tại của hãng ở châu Âu.

Theo đó, trang tin Manager Magazin của Đức cho hay Great Wall Motors đã gửi thông báo đến nhân viên và đối tác kinh doanh về việc sẽ sớm đóng cửa trụ sở của tập đoàn này ở Munich (Đức) từ cuối tháng 8. Động thái này của tập đoàn ôtô Trung Quốc sẽ kéo theo việc toàn bộ đội ngũ 100 nhân sự đang làm việc tại trụ sở ở Munich, bao gồm Giám đốc Thương mại Steffen Cost, rơi vào cảnh thất nghiệp.

 Great Wall Motors sẽ đóng cửa trụ sở tại Munich (Đức) từ tháng 8. Ảnh: GWM.

Great Wall Motors sẽ đóng cửa trụ sở tại Munich (Đức) từ tháng 8. Ảnh: GWM.

Tuy nhiên, việc đóng cửa trụ sở của Great Wall Motors ở Munich không đồng nghĩa với kế hoạch tập đoàn này rút hoàn toàn hoạt động kinh doanh khỏi châu Âu. Khách hàng tại lục địa già vẫn tiếp tục được tiếp cận sản phẩm và các dịch vụ hậu mãi do Great Wall Motors cung cấp, nhưng hoạt động kinh doanh ở châu Âu sẽ chịu sự quản lý trực tiếp từ trụ sở chính đặt tại Bảo Định (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc).

Chi tiết hơn, bà Xu Lin - CEO của Great Wall Motors Hà Lan - khẳng định việc đóng cửa trụ sở chính ở Munich nằm trong kế hoạch điều chỉnh chiến lược của GWM tại thị trường châu Âu và chuẩn bị xâm nhập thị trường mới. Dù bất kỳ lý do gì, việc đóng cửa trụ sở ở Munich cho thấy Great Wall Motors đã không còn kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường châu Âu, ít nhất vào thời điểm hiện tại.

“Nhòm ngó” Đông Nam Á

Gần như đồng thời với động thái xâm nhập thị trường châu Âu, vào tháng 2/2020, Great Wall Motors đã mua lại nhà máy sản xuất của General Motors ở Thái Lan sau khi tập đoàn ôtô của Mỹ rút khỏi thị trường Đông Nam Á.

Với cơ sở sản xuất này, GWM đặt kỳ vọng sản lượng thường niên ở mức 80.000 xe để phục vụ nhu cầu tại thị trường xứ sở chùa vàng, bên cạnh xuất khẩu ôtô đi Australia, Nam Phi và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Thông tin từ Great Wall Motors cho hay nhà máy tại Rayong (Thái Lan) là cơ sở sản xuất lớn thứ hai của tập đoàn này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, chỉ sau nhà máy ở Brazil. Great Wall Motors cũng cho biết khoảng 60% xuất xưởng từ nhà máy ở Rayong được dành cho khách hàng Thái Lan, trong khi 40% còn lại xuất khẩu ra nước ngoài.

 Nhà máy Great Wall Motors ở Thái Lan là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu của tập đoàn ôtô Trung Quốc. Ảnh: GWM.

Nhà máy Great Wall Motors ở Thái Lan là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu của tập đoàn ôtô Trung Quốc. Ảnh: GWM.

Năm ngoái, Great Wall Motors cũng chính thức xâm nhập thị trường Việt Nam bằng thương hiệu Haval cùng mẫu xe “chào sân” là Haval H6. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành thị trường thứ 7 của tập đoàn ôtô Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Philippines và Brunei.

Năm ngoái, doanh số của Great Wall Motors tại thị trường Thái Lan đạt 13.039 xe, giúp tập đoàn này xếp thứ tư trong nhóm các thương hiệu Trung Quốc đang kinh doanh tại thị trường ôtô của xứ sở chùa vàng. Nhiều khả năng đây là lý do chủ yếu khiến Great Wall Motors cam kết tiếp tục các khoản đầu tư của mình tại thị trường Thái Lan, bất chấp những động thái gần nhất của tập đoàn này ở Đức và thị trường châu Âu.

Trong khi đó tại Việt Nam, mức độ thành công của Great Wall Motors với thương hiệu Haval vẫn còn là một ẩn số. Hồi năm 2022, GWM từng mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và dường như đã sẵn sàng ra mắt xe, nhưng sau đó rút về nước chỉ sau khoảng 6 tháng hoạt động.

Trong lần trở lại này, hãng xe Trung Quốc đã chọn cách không công bố doanh số của Haval H6 tại thị trường Việt, nhưng từng tiến hành điều chỉnh giá niêm yết của mẫu xe này, từ 1,096 tỷ đồng giảm xuống còn 986 triệu đồng hồi đầu năm nay.

Trong tháng 6 này, một showroom mới của Haval sẽ được mở tại TP.HCM để tăng độ phủ sóng của hãng xe Trung Quốc. Dù vậy số lượng showroom vẫn là tương đối ít ỏi so với các thương hiệu Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Trong tương lai, thương hiệu Haval của GWM dự kiến tiếp tục ra mắt Haval Jolion và định vị trong phân khúc SUV cỡ B, một trong những điểm nóng của thị trường xe Việt vào thời điểm hiện tại.

Với kích thước dài x rộng x cao lần lượt 4.472 mm x 1.841 mm x 1.574 mm cùng chiều dài cơ sở 2.700 mm, Haval Jolion sẽ trở thành mẫu SUV cỡ B rộng rãi hàng đầu phân khúc. Giá bán của Haval Jolion vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên các tư vấn bán hàng dự kiến mẫu SUV cỡ B sẽ có giá niêm yết trong khoảng 650-700 triệu đồng.

 Haval Jolion là mẫu xe tiếp theo của thương hiệu Haval thuộc tập đoàn Great Wall Motors tại thị trường Việt Nam. Ảnh: GWM.

Haval Jolion là mẫu xe tiếp theo của thương hiệu Haval thuộc tập đoàn Great Wall Motors tại thị trường Việt Nam. Ảnh: GWM.

Nhiều khả năng sau động thái mới nhất của Great Wall Motors tại châu Âu, Việt Nam nói riêng và và khu vực Đông Nam Á nói chung sẽ trở thành trọng điểm đầu tư mới của tập đoàn ôtô Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ đầu tư và quyết tâm của GWM tại khu vực này vẫn còn là một ẩn số và cần được kiểm chứng trong tương lai.

Nhìn chung, dù chất lượng xe Trung Quốc đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, các lý do cả khách quan lẫn chủ quan đang khiến khả năng thành công của nhóm ôtô này nói chung và Great Wall Motors với thương hiệu Haval nói riêng tại thị trường Việt Nam bị đặt một dấu hỏi lớn.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/great-wall-motors-vo-mong-troi-au-dat-hi-vong-vao-dong-nam-a-post1480524.html