GS.BS.NGND Hà Văn Quyết: 'Bác sĩ cần đôi tay vững vàng và trái tim giàu y đức'
GS.TS Hà Văn Quyết (sinh năm 1953) là bác sĩ giàu kinh nghiệm trong chuyên khoa Ngoại tiêu hóa. Ngoài ra, thầy được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2017.
Với hơn 40 năm cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã để lại nhiều dấu ấn trong trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, phẫu thuật nội soi nói riêng và ngành Y nói chung. Hiện, Giáo sư Hà Văn Quyết là Trưởng Bộ môn Ngoại, Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa.
Từ nỗi sợ bệnh viện đến bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên đến với ngành Y, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Quyết bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi rất sợ vào bệnh viện. Mỗi lần đi học qua bệnh viện thành phố, tôi đều cố gắng đi thật nhanh, thậm chí chạy qua để tránh cảm giác sợ hãi. Tuy nhiên, một sự kiện đặc biệt đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi.
Đó là vào những năm 1968-1970, khi chứng kiến các y bác sĩ dũng cảm cấp cứu nạn nhân của trận bom Mỹ thả xuống khu vực thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) nơi tôi sống, tôi vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ họ. Cũng từ đó, với sự động viên của bố mẹ, tôi quyết tâm thi vào Trường Đại học Y Hà Nội với mong muốn theo đuổi nghề thầy thuốc cứu người.
Trong những năm tháng học tập ở trường đại học, tôi có cơ hội thực hành tại nhiều bệnh viện lớn, đặc biệt, thời gian học bác sĩ nội trú đã đưa tôi đến gần hơn với chuyên ngành phẫu thuật tiêu hóa.
Những ca phẫu thuật gan của thầy Tôn Thất Tùng, phẫu thuật cắt thần kinh điều trị loét dạ dày của thầy Nguyễn Trinh Cơ hay phẫu thuật sỏi bệnh lý đường mật của thầy Nguyễn Dương Quang và nhiều thầy cô khác đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, đưa tôi đến với chuyên khoa ngoại tiêu hóa rất rộng, khó, đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội cống hiến”.

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Quyết - Trưởng Bộ môn Ngoại, Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa. (Ảnh: NVCC - Thiết kế: Hồng Mai)
Suốt hơn 40 năm trong nghề, thầy Quyết đã thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật, song ca mổ đầu tiên thầy thực hiện là ký ức khiến vị giáo sư nhớ mãi.
“Năm 1979, khi mới vào làm tại bệnh viện, tôi cùng các đồng nghiệp trẻ tràn đầy nhiệt huyết, háo hức học hỏi dưới sự hướng dẫn nghiêm khắc của các thầy cô. Ai cũng hiểu rằng, với một bác sĩ phẫu thuật, ca mổ đầu tiên không chỉ là cột mốc quan trọng mà còn là thử thách lớn.
Ca phẫu thuật đầu tiên của tôi là tạo hậu môn nhân tạo cho một bệnh nhân bị tắc ruột do u đại tràng. Đây là một kỹ thuật có nhiều phương pháp thực hiện, nhưng khi ấy, tôi chưa nắm vững các phương pháp. Ca mổ diễn ra suôn sẻ nhưng sáng hôm sau, trong buổi giao ban, thầy hướng dẫn đã chỉ ra một điểm quan trọng mà tôi chưa kịp lường trước đó là nếu không theo dõi sát sao bệnh nhân, hậu môn nhân tạo có thể tụt vào trong ổ bụng, gây viêm phúc mạc.
Khoảnh khắc ấy khiến tôi nhận ra rằng, phẫu thuật không chỉ là những đường dao chính xác trên bàn mổ mà còn là trách nhiệm theo dõi bệnh nhân, học hỏi và không ngừng trau dồi kiến thức. Từ đó, tôi luôn tâm niệm, người bác sĩ không chỉ cần đôi tay vững vàng mà còn phải có khối óc tỉnh táo và trái tim luôn đặt bệnh nhân lên hàng đầu”, bác sĩ Quyết chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Quyết còn là người tiên phong trong việc sử dụng kỹ thuật nội soi tiêu hóa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Vào cuối thập niên 1980, kỹ thuật nội soi tiêu hóa còn khá mới mẻ ở Việt Nam, chủ yếu sử dụng ống soi cứng, gây khó khăn trong cấp cứu. Tại khoa Cấp cứu Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều bệnh nhân chảy máu tiêu hóa không xác định được nguyên nhân và vị trí tổn thương, chỉ dựa vào lâm sàng hoặc phẫu thuật thăm dò. Khi đó, nam bác sĩ ao ước có và được sử dụng phương tiện ống soi mềm (Fibrocopie Endoscopic) để chẩn đoán.
Năm 1988, bác sĩ Quyết tình cờ phát hiện một bộ nội soi mềm trong thùng quà tặng bệnh viện và đề xuất triển khai phòng nội soi. Sau khi lắp đặt và bổ sung thiết bị, các bác sĩ bắt đầu thực hiện nội soi cho bệnh nhân.
“Ban đầu, chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu trang thiết bị và quan niệm cho rằng nội soi tiêu hóa là công việc của bác sĩ nội khoa. Tuy nhiên, nhờ chẩn đoán chính xác và kịp thời, chúng tôi đã xác định được nguyên nhân chảy máu và lần đầu tiên công bố hình ảnh chảy máu do hội chứng Mallory-Weiss tại Việt Nam.
Những thành công này thúc đẩy tôi hoàn thành luận án tiến sĩ năm 1995 với đề tài nghiên cứu ứng dụng nội soi tiêu hóa chẩn đoán và điều trị cấp cứu chảy máu đường tiêu hóa trên”, bác sĩ Quyết chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Quyết cũng trải lòng về những áp lực vô hình của nghề y: “Nghề y luôn đi kèm với áp lực, đặc biệt đối với bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa. Các ca mổ kéo dài nhiều giờ, đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và bình tĩnh để xử lý những tình huống phức tạp, đồng thời phải chẩn đoán chính xác và tiên lượng đúng. Những ca bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm buộc phẫu thuật viên không chỉ phải có chuyên môn vững vàng mà còn cần bản lĩnh nghề nghiệp.
Bên cạnh áp lực chuyên môn, bác sĩ còn phải đối mặt với những áp lực tinh thần từ dư luận. Điều này càng đòi hỏi người làm nghề y phải trung thực, không ngừng học hỏi, kiên nhẫn và liên tục cập nhật kiến thức”.

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Quyết (bên trái) đang thực hiện phẫu thuật nội soi tiêu hóa. (Ảnh: NVCC)
Sinh viên y khoa cần giỏi chuyên môn, vững y đức
Không chỉ là một bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa giàu kinh nghiệm, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Quyết còn là một nhà giáo tận tâm, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho rất nhiều thế hệ y bác sĩ Việt Nam.
“Vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều học trò, từ sinh viên đến học viên sau đại học. Nhiều người trong số đó đã vượt qua khó khăn, trở thành bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, thậm chí giữ những vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực Y tế.
Tôi đặc biệt ấn tượng với một học viên từng được giao đề tài nghiên cứu tiến sĩ về rò tiêu hóa – một lĩnh vực khó, đòi hỏi sự kiên trì và đam mê. Dù gia đình ở xa, kinh tế eo hẹp, năng lực ban đầu còn hạn chế, nhưng học viên ấy không ngại khó, ngày đêm theo sát bệnh nhân, vừa chăm sóc, vừa thực hiện đề tài.
Nhiều đêm, thầy trò cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm những phương pháp mới để lấp đầy lỗ rò tiêu hóa. Nhờ sự kiên trì, em đã tiếp thu kỹ thuật phẫu thuật, phân tích số liệu, hoàn thành luận án đúng thời hạn với kết quả khả quan. Sau đó, học viên ấy trở về địa phương, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển phương pháp điều trị tại bệnh viện và dần vươn lên trở thành giám đốc một bệnh viện lớn trong tỉnh, rồi đạt chức danh phó giáo sư.
Còn rất nhiều tấm gương như vậy, những người đã tiếp bước các thế hệ đi trước, không ngừng học hỏi, cống hiến cho y học nước nhà. Với sinh viên ngành Y hôm nay, tôi mong các em biết trân quý thời gian, tận dụng cơ hội học tập khi còn trẻ, kết hợp kiến thức được thầy cô truyền đạt với những tiến bộ y học hiện đại. Bên cạnh đó, cần giữ vững đạo đức, đam mê nghiên cứu khoa học chính là con đường vững chắc để phát triển trong nghề y”, thầy Quyết tâm sự.
Với nhiều năm gắn bó với giảng đường, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Quyết luôn tâm niệm rằng công tác đào tạo bác sĩ không chỉ dừng lại ở chuyên môn mà còn phải chú trọng đến y đức.
Người dân, đặc biệt là bệnh nhân, luôn mong muốn được chăm sóc bởi những bác sĩ không chỉ vững tay nghề mà còn tận tâm với người bệnh. Sinh viên y khoa khi trúng tuyển vào trường đều là những người có nền tảng học vấn tốt, nhưng để trở thành bác sĩ thực thụ, các em cần được rèn luyện trong môi trường đào tạo bài bản. Nhà trường và đội ngũ giảng viên giữ vai trò then chốt trong việc hình thành một bác sĩ vừa vững tay nghề, vừa có đạo đức. Đặc biệt, môi trường thực hành tại bệnh viện có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên.
“Điều tôi trăn trở nhất là làm sao sinh viên y khoa có điều kiện thực hành tốt. Các trường y hiện nay đã có hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm hiện đại, nhưng quan trọng nhất vẫn là bệnh viện thực hành. Đây là nơi giúp sinh viên nâng cao tay nghề, hun đúc tinh thần trách nhiệm và lòng tận tâm với người bệnh”, thầy Quyết chia sẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Quyết (áo đen) trong buổi lễ tôn vinh Nhà giáo nhân dân nhân nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: NVCC)
Theo thầy Hà Văn Quyết, ngành Y của Việt Nam đang không ngừng đổi mới, thể hiện rõ qua sự phát triển của bệnh viện và các trường y, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến chất lượng đào tạo. Đặc biệt, hệ thống y tế hiện nay có sự song hành giữa khu vực công lập và tư nhân. Các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực ngành y đều hướng đến mục tiêu chung: đào tạo đội ngũ thầy thuốc vừa giỏi chuyên môn, vừa vững y đức.
Các thầy thuốc trẻ hôm nay cần kế thừa tinh thần học hỏi, ý chí vượt khó của thế hệ đi trước, không ngừng trau dồi kỹ năng, nghiên cứu khoa học và làm chủ công nghệ y tế hiện đại. Cùng với đó, sự thay đổi trong cơ chế, chính sách của Nhà nước đã tạo ra môi trường cạnh tranh giữa y tế công và tư, buộc các cơ sở đào tạo và bệnh viện không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Là nhà giáo, thầy thuốc, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Quyết gửi gắm đến thế hệ trẻ: “Nếu đã chọn nghề y, hãy cống hiến trọn vẹn, giữ vững y đức và theo đuổi nghề đến cùng. Đó không chỉ là trách nhiệm với bệnh nhân mà còn là danh dự của người thầy thuốc – những người mang trên vai sứ mệnh cao cả: chữa bệnh, cứu người, và giữ gìn niềm tin của xã hội".