Chàng trai từ bỏ công việc có thu nhập 35 triệu/tháng, đưa ra quyết định 'không giống ai'
Quyết định của chàng trai khiến không ít người hoài nghi.
Khoảng cách từ Hàng Châu, Chiết Giang đến Thiên Tây, Quý Châu hơn 2.000 km, ngay cả tàu cao tốc nhanh nhất cũng mất hơn 8 giờ di chuyển. Thế nhưng, hơn một thập kỷ qua, Dương Minh - một người từng từ bỏ công việc thu nhập cao ở Hàng Châu đã chọn gắn bó với vùng núi nghèo khó, mang theo lý tưởng giáo dục và chưa từng có ý định rời đi.
Khát khao dạy học tại vùng khó khăn đã nhen nhóm trong Dương Minh từ năm 2004. Khi đó, trên đường đi qua Kỳ Môn, An Huy, chàng trai bị thu hút bởi một tấm biển quảng cáo về dịch vụ giáo dục cộng đồng. Hai năm sau, vào kỳ nghỉ hè, anh trở lại Kỳ Môn để hiện thực hóa mong muốn của mình.

Sau thời gian chông chênh sau tốt nghiệp, năm 2009, Dương Minh cùng một nhóm giáo viên thiện nguyện đặt chân đến Trường Tiểu học Wachang ở thị trấn Jinbi, huyện Qianxi, tỉnh Quý Châu. Khi ấy, anh đã tốt nghiệp ngành Giảng dạy tiếng Trung tại Cao đẳng Yucai thuộc Đại học Tây Nam và có công việc ổn định tại Dubai, Hàng Châu với thu nhập hơn 10.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 35 triệu đồng) - một mức lương đáng mơ ước. Thế nhưng, anh không do dự từ bỏ để đến với những đứa trẻ nghèo vùng cao.
Ngôi trường Dương Minh đến dạy vẫn còn đơn sơ, học sinh chỉ có trò chơi ném bao cát và lăn vòng sắt trong giờ giải lao. Không gian ấy gợi lại ký ức tuổi thơ của anh ở vùng quê Tiêu Sơn, Hàng Châu. Nhưng thay vì chỉ coi giảng dạy là một trải nghiệm, anh quyết định gắn bó lâu dài.

Lớp học của Dương Minh
Năm 2010, khi các đồng nghiệp rời đi, anh thi tuyển vào đội ngũ giáo viên chuyên trách tại huyện Thiên Tây. Hai năm sau, anh đối diện lựa chọn lớn: ở lại hay ra đi khi nhận được giấy báo trúng tuyển cao học. Trong ngày Quốc tế Thiếu nhi năm ấy, anh dạy học sinh bài "Bạn bè" của Chu Hoa Kiếm, không ngờ lại khiến nhiều em bật khóc. Dù không nói lời tạm biệt, lũ trẻ dường như cảm nhận được. Trên đường đưa học sinh đi thi vào trung học, một em nhỏ hát tặng anh: "Nói tóm lại, cả đời đừng đi, hãy ở lại...". Tiếng hát ngây thơ ấy khiến anh nghẹn lòng, và anh quyết định ở lại.

Dương Minh không chỉ dạy học mà còn đến tận nhà thăm học sinh. Một cậu bé ngày nào cũng đi ủng, chống gậy đến lớp khiến anh tò mò. Khi theo chân trò về nhà, anh mới biết đường đi đầy vũng bùn, rắn rết, còn cây gậy không chỉ để chống mà còn là vũ khí tự vệ. Khi gặp bố mẹ trò, họ ngạc nhiên nói: "Anh là giáo viên đầu tiên đến nhà chúng tôi".
Từ đó, anh bắt đầu những chuyến hành trình dài đến các bản làng hẻo lánh. Đến nay, anh đã ghé thăm hơn 30 làng, nhiều lần ngủ lại nhà dân, ăn hàng trăm bữa cơm quê. Những chuyến đi ấy khiến anh sụt cân, mái tóc điểm bạc, sức khỏe suy giảm với nhiều bệnh về cột sống và huyết áp.
Nhà ở cách xa hơn 2.000 km, bố mẹ Dương Minh ở Hàng Châu ngày đêm mong con về. Khi biết anh đỗ kỳ thi giáo viên đặc biệt tại Quý Châu, họ liên tục gọi điện thúc giục anh trở lại. Nhưng Dương Minh chỉ báo tin vui, không kể khổ. Ngay cả khi cha anh phải phẫu thuật, mẹ nhập viện vì viêm phổi, anh cũng không thể ở bên cạnh.
Năm năm trước, gia đình anh bắt đầu biết về những khó khăn qua các bài báo. Những bức ảnh về đôi chân trầy xước, mái trường nghèo khiến họ xót xa. Tuy nhiên, chính điều đó cũng kéo theo những lời hoài nghi từ dư luận: "Anh ta đang diễn sao?", "Mục đích là gì?". Dương Minh không để tâm: "Chỉ cần trẻ em vẫn học tốt, mọi thứ khác không quan trọng".

Hơn một thập kỷ, anh kiên trì dạy học với một niềm tin: "Bước ra khỏi núi, thế giới rộng lớn và xa xôi. Nhưng tôi ở lại, để các em có cơ hội nhìn thấy thế giới ấy". Và thế, anh như một ngọn đuốc nhỏ, tự thiêu mình để soi sáng con đường của những đứa trẻ vùng cao.