PGS.TS Trịnh Thị Ngọc: Người gieo mầm sống cho những bệnh nhân truyền nhiễm
Dành trọn thanh xuân cống hiến cho y học, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực truyền nhiễm tại Việt Nam. Trong suốt hơn 40 năm qua, những đóng góp của bà đã cứu sống biết bao bệnh nhân, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ y bác sĩ.
Dành trọn thanh xuân cống hiến cho y học, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực truyền nhiễm tại Việt Nam. Trong suốt hơn 40 năm qua, những đóng góp của bà đã cứu sống biết bao bệnh nhân, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ y bác sĩ.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của xứ Thanh, là chị cả trong gia đình có 8 người con, từ nhỏ, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc phải vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình. Do hoàn cảnh khó khăn, trước ngày thi đại học chị vẫn phải ra đồng cấy lúa.
Chính những năm tháng vất vả đã tôi luyện nên một chuyên gia truyền nhiễm hàng đầu. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, Chuyên gia Truyền nhiễm tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai).

Cô nữ sinh y khoa Trịnh Thị Ngọc (hàng trên, ở giữa) và những người bạn thời sinh viên.
Năm 1971, cô gái trẻ hạnh phúc cầm tờ giấy trúng tuyển Trường Đại học Y Hà Nội trên tay, đánh dấu bước khởi đầu trong sự nghiệp y học.
Trong 2 năm đầu đại học, do chiến tranh, trường phải sơ tán lên vùng núi Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). Cuộc sống sinh viên hồi đó gắn liền với đào hào, cắt tre, nứa làm lán trại. Đến năm 1973, khi Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc, dù được trở lại Hà Nội, nhưng cơ sở vật chất vẫn rất hạn chế, nhiều khi vẫn phải thắp đèn dầu để học.
Vượt qua những gian khó ấy, cô nữ sinh trường y không ngừng phấn đấu, nỗ lực để đạt được thành tích xuất sắc.
Hết năm thứ 5 đại học, Ngọc là 1 trong 16 sinh viên được chọn làm bác sĩ nội trú của toàn khóa. Nhiều người khuyên bà nên chọn các khoa như: Răng - Hàm - Mặt, Mắt, Tai - Mũi - Họng để đỡ vất vả hơn. Đứng trước nhiều “cánh cửa”, bà đã quyết định lựa chọn Khoa Truyền nhiễm.

Bác sĩ Ngọc và những người bạn thời sinh viên.
Chuyên gia kể: “Trong ký ức của tôi, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm ở nước ta như: viêm não, não mô cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván những năm 1975-1976 rất đông, bởi thời điểm đó chưa có vắc-xin. Đặc biệt là đợt dịch viêm não Nhật Bản, Bệnh viện Bạch Mai quá tải đến mức bệnh nhân nằm la liệt, phải chuyển bệnh nhân sang nằm ở hội trường, trong đó có rất nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi. Những hình ảnh ấy khiến tôi luôn đau đáu, trăn trở”.
Chính vì thế, khi đứng trước nhiều “cánh cửa”, bà đã lựa chọn Khoa Truyền nhiễm với quyết tâm "phải cứu người dân khỏi bệnh truyền nhiễm bằng mọi giá".
Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, bà được truyền lửa nghề và sự tận tâm với bệnh nhân từ thầy giáo của mình là cố GS.TS Trịnh Ngọc Phan.
“Giáo sư Phan là người thầy đầu tiên của tôi trong ngành Truyền nhiễm. Thầy đã nuôi dưỡng ước mơ và rèn y đức cho biết bao thế hệ sinh viên, trong đó có tôi. Qua mỗi bài giảng, tôi thấm nhuần tư tưởng về sự mẫu mực trong thăm khám, chẩn đoán bệnh. Những bài giảng của thầy về cách chẩn đoán các hội chứng sốt, phát ban, vàng da… chưa rõ nguyên nhân đã trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp của tôi”, PGS. Ngọc chia sẻ.

26 tuổi, nữ bác sĩ trẻ bước chân vào cánh cửa hôn nhân. Chồng bà là kỹ sư, theo học Năng lượng điện tư khoa ở Liên Xô, sau công tác tại Bộ Năng lượng Việt Nam.
“Có thời điểm, chồng thường xuyên công tác xa nhà, tôi vừa phải làm việc tại bệnh viện, vừa chăm sóc 2 con nhỏ trong căn nhà tập thể vỏn vẹn 6m2. Suốt những năm tháng đó, tôi vừa đóng vai trò làm mẹ, vừa làm bố, mọi việc từ nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp… đều một tay quán xuyến. Chồng vắng nhà, con mới 3 tháng tôi đã phải cho đi nhà trẻ. Nhiều lần con sốt, dù không nỡ nhưng vẫn đành nhờ các cô trông giúp, bởi trách nhiệm cứu người là không thể trì hoãn”, Phó Giáo sư Ngọc xúc động kể.
Hơn 40 năm cống hiến trong ngành y, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng chưa bao giờ người thầy thuốc ấy chùn bước hay cảm thấy hối hận về con đường đã chọn.
PGS. Ngọc cho hay, vất vả của bản thân chưa đáng gì so với rất nhiều thầy cô và các đồng nghiệp, cộng sự - những người luôn thầm lặng đóng góp vì sự phát triển của ngành y, với hy vọng để phục vụ sức khỏe cộng đồng ngày một tốt hơn.

Có lẽ xuất phát từ lòng yêu nghề, khát khao được chữa trị và mang đến sự sống cho nhiều người mà PGS.TS Trịnh Thị Ngọc luôn giữ thói quen nghe điện thoại của bệnh nhân 24/7. Bởi bà hiểu rằng, đôi khi chỉ một lời tư vấn kịp thời cũng có thể cứu được một mạng người. Hơn nữa với bà, chữa bệnh không chỉ dừng lại ở việc điều trị, mà còn phải chữa lành cả tâm hồn.
Suốt nhiều năm qua, bà đã dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu bệnh viêm gan virus. Hiện tại, Phó giáo sư Ngọc là một trong những chuyên gia đầu ngành về điều trị viêm gan tại Việt Nam.
Trong suốt sự nghiệp của mình, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai đã điều trị thành công cho hàng vạn người. Nhiều bệnh nhân được bà cứu sống từ “lưỡi hái tử thần”, nhưng cũng có những người không may mắn như vậy. Trong số đó, có hai ca bệnh đặc biệt khiến bà nhớ mãi.

Năm 1983, khi mới bước chân vào ngành Truyền nhiễm, bác sĩ trẻ Trịnh Thị Ngọc gặp một ca bệnh uốn ván sau sinh rất nặng. Bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, gia đình đã hết hy vọng và xin cho bệnh nhân về nhà lo hậu sự.
Dù còn trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, bác sĩ Ngọc khi ấy không cam lòng buông xuôi. Bà đã hết lời động viên người chồng giữ vợ ở lại, quyết không từ bỏ dù hy vọng rất mong manh. Nhờ sự tận tâm và nỗ lực không ngừng của nữ bác sĩ trẻ cùng tập thể y bác sĩ phòng Cấp cứu, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, điều kỳ diệu được hiện hữu. Sau hơn một tháng chiến đấu với tử thần, bệnh nhân hồi phục và sau này còn sinh thêm 2 người con khỏe mạnh.
Người thầy thuốc ấy luôn khát khao chữa được bệnh cho nhiều người. Tuy nhiên, không phải câu chuyện nào cũng đều kết thúc có hậu như vậy. Trường hợp của nữ giáo viên ở Quảng Ninh khiến PGS. Ngọc day dứt đến tận bây giờ.
Trong một lần khám sức khỏe tổng quát, chị tình cờ phát hiện mình mắc viêm gan B. Do đặc thù về những con đường lây lan viêm gan B, bác sĩ Ngọc đã nhắc bệnh nhân đưa chồng con đi xét nghiệm. Có lẽ vì bận rộn với công việc, rất nhiều tháng sau đó khách hàng này mới đưa con trai lên khám. Cậu bé khi đó tầm 14-15 tuổi, cao lớn, ngoan ngoãn và sáng sủa. Sau khi có kết quả, bác sĩ siêu âm thông báo bệnh nhân mắc ung thư gan.
“Tôi đã rất ngỡ ngàng, ngay lập tức đến trao đổi lại với bác sĩ siêu âm, cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ và làm một vài xét nghiệm khác. Biết kết quả là chính xác, tôi thực sự lo lắng, không biết phải trao đổi như thế nào với người mẹ”, vị chuyên gia xót xa chia sẻ.
Lần thứ hai đến khám, chỉ sau chưa đầy nửa năm, cậu bé đã hoàn toàn khác, gầy sụt, xanh xao...
Ngoài việc theo dõi sát sao sức khỏe bệnh nhân, bác sĩ Ngọc còn nhờ các cộng sự khắp nơi với hy vọng tìm ra phác đồ chữa trị. Nhưng do căn bệnh quái ác đã phát triển nên bệnh nhân không qua khỏi.
“Tôi thực sự rất đau lòng! Nếu như phát hiện sớm, có lẽ người mẹ sẽ có nhiều thời gian ở bên con hơn và cái kết không buồn như thế” - chuyên gia trầm tư kể.


Bác sĩ Ngọc luôn được các đồng nghiệp nhắc đến với sự kính trọng, ngưỡng mộ, một tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự tận tâm với bệnh nhân. Những gì bà đã làm cho ngành y Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực Truyền nhiễm thực sự đáng trân trọng.
Để có được thành công của hiện tại, phía sau người thầy thuốc ấy luôn có hậu phương vững chắc. Chồng và các con dù không làm trong ngành y nhưng luôn thấu hiểu, hết lòng động viên, hỗ trợ để bà hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau 30 năm công tác tại BV Bạch Mai, hiện bà đang đảm nhiệm vai trò là Chuyên gia Truyền nhiễm của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
“Tôi lựa chọn MEDLATEC là nơi tiếp nối hành trình cứu người, bởi ở đây tiêu chí quan trọng hàng đầu là khám, chữa bệnh, giúp người dân ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh đều được trải nghiệm ‘Dịch vụ tốt - Công nghệ cao’ với mức chi phí phù hợp”, PGS Ngọc chia sẻ.
Người thầy thuốc ấy luôn dành nhiều tình cảm cho bệnh nhân.
Bà hy vọng, sự kết hợp giữa chuyên môn, công nghệ và dịch vụ sẽ giúp tỷ lệ ca mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là viêm gan B, viêm gan C và ung thư gan giảm mạnh.
Đi qua những năm tháng vất vả, thiếu thốn, nhưng chưa khi nào ngọn lửa với nghề trong PGS.TS Trịnh Thị Ngọc giảm nhiệt. Trái lại, bà càng quyết tâm rèn giũa chuyên môn và truyền cảm hứng đến các cộng sự trẻ để phục vụ người bệnh.
Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cảm thấy hạnh phúc khi đã nuôi dưỡng tri thức, lan tỏa sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng đến các thế hệ học sinh, để họ luôn hiểu sự cao quý và hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin gửi lời tri ân sâu sắc đến PGS.TS Trịnh Thị Ngọc và tất cả các bác sĩ, những người đã và đang tận tâm cống hiến vì sức khỏe cộng đồng. Chúc các thầy thuốc luôn dồi dào sức khỏe, vững tâm với nghề, tiếp tục lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết, mang lại niềm hy vọng và sự sống cho hàng triệu bệnh nhân.
