GS Đặng Lương Mô: Người thầy đáng kính, cả một đời tận hiến cho KHCN và ngành vi mạch
Khi là giảng viên, GS Đặng Lương Mô không chỉ dạy lý thuyết mà còn hướng sinh viên thực hành với những dự án nhỏ. Với doanh nghiệp, ông cũng rất cặn kẽ chỉ dẫn thực hiện các dự án vi mạch, với tất cả những kiến thức mình có được.
Người thầy tận tụy
Sáng 8/5, nhóm bốn cựu sinh viên khóa 1970 - 1974, trường Kỹ thuật Phú Thọ (nay là trường ĐH Bách khoa TP.HCM) hẹn nhau đến Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp) thắp nén hương tưởng nhớ cố GS Đặng Lương Mô, nguyên cố vấn cấp cao Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ông Nguyễn Điền Ngọc (ngoài cùng bên trái) từng là học trò của GS Đặng Lương Mô khi là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Hà An.
Những cựu sinh viên với mái đầu bạc không khỏi ngậm ngùi, xúc động khi nhắc đến vị giáo sư đáng kính. Ông Nguyễn Điền Ngọc, 74 tuổi, nguyên là cựu sinh viên chuyên ngành Điện tử từng là học trò GS Đặng Lương Mô khi học tập tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Do tuổi cao, ông Ngọc không nhớ cụ thể thầy dạy môn gì, chỉ nhớ nó liên quan đến khoa học điện tử ứng dụng, học vào năm 1973. Sau khi học xong phần lý thuyết, đám sinh viên được GS Mô chia thành nhóm, mỗi nhóm 2 người tập thực hành làm một dự án nhỏ là dùng mạch điện tử thắp sáng đèn huỳnh quang. Nhóm sinh viên của ông Ngọc tự ra các chợ điện tử cũ, tìm mua linh kiện về thực hành. Sau đó về thiết kế mạch theo hướng dẫn của thầy và làm thành công mới được chấp nhận.
“Tôi nhớ là môn học đó đạt điểm A. Đám sinh viên rất thích cách dạy học đi đôi với hành mà thầy Mô cho truyền cho chúng tôi”, ông Ngọc xúc động nói về người thầy của mình.
Ra trường năm 1974, ông Ngọc làm việc tại công ty hóa chất miền Nam, phụ trách kỹ thuật nhà máy chế biến hạt điều dưới chân cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh). Dù không có điều kiện gặp lại thầy cũ lần nào sau đó, nhưng ông Ngọc vẫn khắc ghi cách dạy rất thực tế của GS Mô, làm hành trang vào đời cho ông khi làm việc tại các nhà máy tự động hóa.
“Dù sau này không gặp, nhưng tôi luôn dõi theo những công việc thầy làm, những đóng góp cho ngành vi mạch được thành phố và quốc gia ghi nhận khiến tôi rất trân quý và nể trọng tài năng của thầy”, ông Ngọc nói.
Nhà khoa học luôn đau đáu với sự phát triển lĩnh vực vi mạch nước nhà
Không chỉ giúp sinh viên, với doanh nghiệp Việt, GS Mô cũng không ngần ngại giúp đỡ, hướng dẫn họ trong lĩnh vực vi mạch. Ông Hà Thân, Giám đốc Công ty cổ phần tin học Lạc Việt kể, trong khoảng 20 năm có may mắn quen biết và nhiều lần gặp gỡ GS Đặng Lương Mô khi sinh hoạt tại Hội Vi mạch bán dẫn TP.HCM. Ông nhận thấy GS Mô là người dễ gần, nói chuyện khúc chiết, thận trọng và luôn bày tỏ tâm huyết với ngành điện tử vi mạch.

GS Đặng Lương Mô (phải) và ông Hà Thân (giữa) trong một buổi trò chuyện. Ảnh: HSIA.
Cách đây gần 3 năm, GS Mô có hướng dẫn doanh nghiệp ông Hà Thân làm một đề án nghiên cứu kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và vi mạch. Trong hơn 2 tháng hướng dẫn, GS Mô đã tư vấn Công ty Lạc Việt thiết kế mạch để đưa vào hệ thống IoT dùng đo lượng điện tiêu thụ. “Với dự án này, GS Mô chỉ cách viết bài báo khoa học, điều mà doanh nghiệp chúng tôi chưa biết cách làm thời điểm đó”, ông Thân nói.
Giám đốc Công ty Lạc Việt đánh giá, dù cao tuổi nhưng GS Mô vẫn giữ được trí tuệ sắc bén và ngọn lửa đam mê cho ngành vi mạch. Ông luôn đau đáu làm điều gì đó cho Việt Nam và bước đầu thành công trong việc góp phần quan trọng cho việc sản xuất chip thương mại đầu tiên SG8V1 cùng với Đại học Quốc gia TP.HCM. “Khi còn sống, GS Mô luôn trăn trở và mong muốn có thể góp sức sản xuất nhiều dòng chip hơn nữa để phục vụ phát triển kinh tế đất nước”, ông Hà Thân nói.
Với PGS.TS Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cách đây 20 năm, ông ấn tượng với GS Đặng Lương Mô khi thầy về Việt Nam kết nối chương trình học bổng cho giảng viên trường ĐH Bách Khoa hoa TP.HCM từ quỹ của Đại học Hosei (Nhật Bản). GS Mô tổ chức quỹ học bổng cho giảng viên đi thực tập tại Nhật Bản nâng cao trình độ. “Đó là một nghĩa cử rất đáng trân quý của thầy”, PGS Quốc nhớ lại.
Giai đoạn năm 2011 - 2012, PGS Quốc cho biết thời điểm này thành phố đang chuẩn bị thai nghén chương trình phát triển vi mạch và công bố sau đó một năm. Với vai trò là cố vấn cao cấp trong chương trình vi mạch của thành phố, GS Mô đã có nhiều tư vấn khi nằm trong hội đồng khoa học của chương trình.
Sau đó, các đồng nghiệp, học trò của GS Mô tại Nhật Bản đã giới thiệu mô hình phòng thí nghiệm vi mạch cực tiểu (Minimal Fab) - sản xuất vi mạch quy mô nhỏ. “Tôi và GS Mô từng qua Nhật Bản tìm hiểu với ý định đưa mô hình này về Việt Nam. Nhưng vì nhiều điều kiện, chưa thực hiện được”, PGS Quốc nhớ lại. Nói về kỷ niệm cùng GS Mô khi sang Nhật Bản, PGS Lê Hoài Quốc cảm nhận thầy luôn đau đáu với sự phát triển lĩnh vực vi mạch nước nhà.
Trong ngày 8/5, đã có hàng trăm đoàn viếng đại diện cho các tổ chức chính trị, xã hội, bạn học, đồng nghiệp, gia đình… đến Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, thắp nén hương tưởng nhớ GS Đặng Lương Mô.
Trong sổ tang, Phó Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt viết: “Vô cùng thương tiếc GS.TSKH Đặng Lương Mô, nhà giáo, nhà khoa học lớn, suốt đời tận tụy đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ nước nhà, cho kho tàng tri thức nhân loại. Xin nghiêng mình kính vĩnh biệt thầy, cầu chúc hương hồn thầy sớm bình an nơi cõi vĩnh hằng. Xin chia buồn sâu sắc với phu nhân của thầy cùng gia quyến”.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Phó ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương (áo trắng ngoài cùng bên phải) thăm hỏi, động viên gia đình cố GS Đặng Lương Mô. Ảnh: Hà An.
Theo chương trình lễ tang, lễ truy điệu GS Đặng Lương Mô diễn ra lúc 14h ngày 9/5, lễ động quan lúc 14h30 cùng ngày. Linh cữu an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. Trưởng ban lễ tang là PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM.
GS Đặng Lương Mô qua đời lúc 13h40 ngày 6/5 tại TP.HCM sau thời gian lâm bệnh. 20 ngày trước khi qua đời, ông còn chia sẻ trên trang cá nhân kỷ niệm 8 năm trước, khi gặp mặt bạn học cùng khóa ĐH Tokyo với chuyến thăm vùng Đông Bắc Nhật Bản với hoa Anh đào nở rộ, thời tiết ấm áp.
Cố GS Đặng Lương Mô được coi là người đi tiên phong trong phát triển công nghệ vi mạch tại Việt Nam khi cùng với Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và thiết kế vi mạch, ĐH Quốc gia TP.HCM tạo ra chip thương mại đầu tiên Việt Nam với tên gọi SG8V1. Ông được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, huy chương Vì sự nghiệp khoa học kỹ thuật, huy hiệu TP HCM, giải thưởng Vinh danh nước Việt… Mới đây nhất, ông là một trong 60 nhân vật được Thành ủy, UBND TP.HCM tôn vinh với những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng.