Sở GD&ĐT nêu lý do ba trường THPT chuyên ở TP.HCM được tuyển sinh toàn quốc

Theo đại diện Sở GD&ĐT, việc cho phép ba trường THPT chuyên ở TP.HCM tuyển sinh toàn quốc sẽ góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.

Chiều 8-5, tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM, bà Nguyễn Minh Bạch Lan, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, thông tin thêm về việc ba trường THPT chuyên là Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa và THPT Năng khiếu được phép tuyển sinh trên phạm vi cả nước.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM

Bà Lan đánh giá, thời gian qua chất lượng đào tạo của ba trường THPT chuyên này đã đạt kết quả đáng kể, là mũi nhọn đào tạo học sinh giỏi của TP và đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và khu vực.

“Chính vì vậy, việc cho phép ba trường THPT chuyên tuyển sinh phạm vi toàn quốc sẽ tạo cơ hội cho học sinh xuất sắc cả nước tiếp cận được môi trường giáo dục cao ở TP.HCM mà không giới hạn về địa lý, nơi cư trú. Nguồn học sinh sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP”- bà Lan khẳng định.

 Bà Nguyễn Minh Bạch Lan, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin tại họp báo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Nguyễn Minh Bạch Lan, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin tại họp báo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Lan cũng đánh giá việc này giúp nâng cao chất lượng đầu vào, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, giúp ba trường THPT chuyên chọn được những học sinh thực sự xuất sắc. Qua đó khẳng định uy tín các trường trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Đại diện Sở GD&ĐT cũng đưa ra lời khuyên cho thí sinh và phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng trước tỉ lệ chọi vì đó chỉ là thông tin mang tính tham khảo, không phải yếu tố quyết định. Thay vào đó, cần xác định rõ năng lực và sở trường bản thân khi lựa chọn môn chuyên.

Ngoài ra, để đạt được kết quả tốt, thí sinh cần ôn tập kiến thức, giữ tinh thần ổn định, đảm bảo sức khỏe, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý.

“Trường chuyên là một trong nhiều lựa chọn, nếu không trúng tuyển, các em vẫn có cơ hội phát triển ở các trường phổ thông khác theo nguyện vọng đã đăng ký”- bà Lan nói.

Rút kinh nghiệm việc tuyển sinh đầu cấp

Cũng tại họp báo, bà Lan đã thông tin về kết quả sau hai năm triển khai mô hình tuyển sinh đầu cấp.

Theo bà Lan, việc tuyển sinh đầu cấp theo nơi ở hiện tại đã mang lại nhiều thuận lợi cho phụ huynh, học sinh TP.HCM, tạo điều kiện cho học sinh được học trường gần nhà, phụ huynh tiện đưa đón, chăm sóc con.

Trong hai năm, ngành giáo dục cũng thường xuyên rút kinh nghiệm để mô hình này đạt hiệu quả. Ngoài ra, TP.HCM cũng áp dụng hệ thống tuyển sinh trực tuyến đồng bộ trên toàn TP, sử dụng mã định danh và dữ liệu ngành để đảm bảo thông tin chính xác, minh bạch.

“Việc xây dựng khu vực tuyển sinh không chỉ dựa trên địa giới hành chính mà còn xét đến ba yếu tố phân bố trường lớp, số lượng học sinh trong độ tuổi và nơi ở hiện tại của học sinh”- bà Lan thông tin.

Ngành giáo dục TP.HCM cũng áp dụng bản đồ số như công cụ hỗ trợ, giúp phân tuyến phù hợp để học sinh được học gần nhà, giải quyết linh hoạt các trường hợp đặc biệt như học sinh ở khu vực ranh giới hoặc không cư trú cố định.

Sở GD&ĐT cũng chia hai nhóm đối tượng tuyển sinh: học sinh có nơi ở trên địa bàn và học sinh có nguyện vọng học ngoài khu vực cư trú. Từ đó, áp dụng quy trình xét tuyển công khai, minh bạch, tăng cường xác minh địa chỉ với phường, quận để hạn chế sai sót về khai báo thông tin nơi ở.

Đồng thời, giúp cân đối sĩ số giữa các trường, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho học sinh, đảm bảo công bằng trong giáo dục và phát triển giáo dục bền vững tại các địa phương.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm hơn để đáp ứng nhu cầu thực tế và đảm bảo công bằng trong phân bố chỗ học cho học sinh trên địa bàn”- bà Lan nói.

BẢO PHƯƠNG

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-gddt-neu-ly-do-ba-truong-thpt-chuyen-o-tphcm-duoc-tuyen-sinh-toan-quoc-post848711.html