GS Đặng Lương Mô qua đời

GS Đặng Lương Mô - người được coi đi tiên phong trong việc phát triển công nghệ vi mạch tại Việt Nam, qua đời chiều 6/5 tại TP.HCM.

Theo thông tin từ đại diện gia đình, GS Đặng Lương Mô qua đời lúc 13h40, ngày 6/5, tại TP.HCM, hưởng thọ 89 tuổi.

GS Đặng Lương Mô được coi là người đặt nền móng cho sự ra đời của Phòng Nghiên cứu thiết kế và mô phỏng vi mạch tại Đại học Bách khoa TP.HCM năm 2000.

Đây là phòng thí nghiệm đầu tiên tại Việt Nam về ứng dụng và mô phỏng dùng vi mạch chế sẵn FPGA.

Năm 2005, GS Mô cũng là người đóng góp lớn cho sự ra đời Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (Đại học Quốc gia TP.HCM) - nơi nghiên cứu chế tạo chip thương mại đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi SG8V1.

 GS Đặng Lương Mô chuyên gia hàng đầu về vi mạch tại Việt Nam. Ảnh: ĐH Quốc gia TP.HCM.

GS Đặng Lương Mô chuyên gia hàng đầu về vi mạch tại Việt Nam. Ảnh: ĐH Quốc gia TP.HCM.

GS Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Kiến An, Hải Phòng. Học hết trung học tại miền Bắc, ông theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp sau đó thi đậu thủ khoa trường Kỹ sư Công nghệ (tiền thân của Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa TP.HCM). Năm 1957, ở tuổi 21, ông được tuyển chọn và nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản sang học ngành điện tử và bắt đầu hơn 40 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Tốt nghiệp Đại học Tokyo vào năm 1962, hai năm sau, ông lấy bằng thạc sĩ và 6 năm sau ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại đây.

GS Mô có hai giai đoạn làm tại Viện nghiên cứu Trung ương Toshiba từ 1969 - 1971 và 1976 - 1983 và có gần 20 năm từ 1983 - 2002 làm giảng viên với cương vị giáo sư tại trường Đại học Hosei, Tokyo, Nhật Bản. Xen kẽ đó, ông nhiều lần về Việt Nam tham gia giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM) và Viện trưởng Học viện quốc gia kỹ thuật (tương đương hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP HCM).

Năm 2002, ông trở về Việt Nam sống tại quận Gò Vấp, TP HCM tham gia vai trò cố vấn Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong sự nghiệp của mình, ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng phát minh sáng chế được công nhận tại các nước có nền khoa học công nghệ phát triển.

Đặc biệt, công trình khoa học mang tên ông "Mô hình Transistor Mosfet" (còn gọi là "Dang Model") đăng trên tạp chí của Hội IEEE (Hội kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học Hoa Kỳ) năm 1979 đã được đưa vào giáo trình giảng dạy của hầu hết các trường đại học công nghệ ở Mỹ, trong đó có cuốn sách Transistors: Fundamentals for the Integrated-Circuit Engineer xuất bản năm 1990. Mô hình này của GS.TS Đặng Lương Mô được ứng dụng rộng rãi trong các thập niên 1980-1990 và được thế giới công nhận là người đầu tiên đưa ra mô hình SPICE ổn định nhất trong việc mô phỏng linh kiện bán dẫn.

Ghi nhận những cống hiến cho khoa học công nghệ, GS Đặng Lương Mô Huân Chương Lao Động hạng 3 cho những đóng góp về giáo dục đại học và nhất là về xây dựng nền công nghiệp vi mạch Việt Nam. Cùng với đó, GS Mô còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế như huy chương Vì sự nghiệp khoa học kỹ thuật, huy hiệu TP HCM, giải thưởng Vinh danh nước Việt… Năm 1995, ông có tên trong danh sách những người nổi tiếng trên thế giới trong danh bạ Marquis Who’s Who In The World.

Hà An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gs-dang-luong-mo-qua-doi-post185282.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat