GS Ngô Bảo Châu: Nhiều hiện tượng thú vị có thể giải thích bằng toán học
Đó là chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu trong buổi nói chuyện với 200 học sinh, sinh viên (HS-SV) tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) chiều 1-4.
Trong buổi giao lưu, GS Ngô Bảo Châu đã trình bày khái quát về những điểm thú vị trong toán học, trong đó bao gồm một số định lý cơ bản như "Những cây cầu ở Königsberg", tổng 3 góc trong 1 tam giác hay bài toán Basel. Ông cho biết muốn nghiên cứu toán học phải biết cách suy nghĩ, khái niệm hóa và đặt vấn đề trong khung cảnh của môn khoa học này.
GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: "Trong cuộc sống có nhiều hiện tượng thú vị có thể giải thích bằng khoa học và toán học cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, chúng ta phải biết cách đầu tư thời gian và tư duy để nghiên cứu sâu về môn khoa học này".
Buổi giao lưu đã thu hút sự tham gia của hơn 200 HS-SV ĐH Quốc gia TP HCM. Trả lời cho câu hỏi "Khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu toán học", GS Ngô Bảo Châu cho rằng môn khoa học nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng, quan trọng là bản thân phải biết tự bổ sung kiến thức, trang bị "vũ khí" tư duy, tìm tòi nghiên cứu những bài toán mới.
Ngoài ra, ông phân tích giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường là quãng thời gian thuận lợi nhất, vì vậy học sinh, sinh viên phải biết tận dụng tốt cơ hội này. Bên cạnh đó, muốn nghiên cứu khoa học nghiêm túc thì phải biết chọn đề tài thích hợp, thay đổi tư duy, đào sâu kiến thức chuyên ngành và cả các môn khoa học khác, tự trang bị chuyên môn cho bản thân, phải tự đề ra trách nhiệm nghiên cứu và hoàn thành nhiệm vụ một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.
Giải đáp cho câu hỏi làm sao để vượt qua khủng hoảng do bế tắc trong quá trình nghiên cứu, GS Ngô Bảo Châu định hướng: "Các bạn sinh viên nên dành thời gian suy nghĩ về vấn đề đó mỗi ngày để tích lũy kiến thức, phải thật siêng năng và nghiêm túc với chính mình, luyện tập tư duy bằng cách tìm hiểu và chứng minh các định lý, khái niệm. Nếu thật sự bế tắc, phải biết chuyển hướng nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề ở một khía cạnh khác và rút ra cách giải thích, chứng minh chính xác, ngắn gọn. Quan trọng là phải biết tìm ra "vũ khí" tư duy khác biệt với số đông và tìm kiếm điểm tương đồng ở những ngành khoa học khác trong cùng 1 vấn đề".
Song song đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời đại hiện nay, việc tìm kiếm tài liệu chuyên ngành trở nên dễ dàng hơn; vì vậy, HS-SV phải ý thức bổ sung kiến thức, nâng cao nhận thức của bản thân.
Một điểm quan trọng khác chính là người hướng dẫn, định hướng cho bản thân. Ông tiết lộ người thầy lớn nhất của ông là GS Gérard Laumon, nhà toán học người Pháp làm việc ở Trường ĐH Paris XI, Orsay. GS Laumon cũng là thành viên Hội Hàn lâm Khoa học (chuyên ngành Toán học) của nước Pháp từ năm 2004. Ông Laumon đã từng hướng dẫn luận án tiến sĩ của GS Ngô Bảo Châu, và cả hai đều đã nhận Huy chương Fields về Toán học vào những năm 2002 và 2010. Theo GS Ngô Bảo Châu, cần học hỏi từ những người thầy lớn, hiểu trình độ và năng lực của học trò, có khả năng lựa chọn và hướng dẫn đề tài có khả năng ứng dụng 5-10 năm nữa.
Cùng trò chuyện với HSSV trong buổi giao lưu này, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, khẳng định buổi nói chuyện này là dịp quý báu dành cho HSSV ĐH Quốc gia TP HCM có đam mê với toán học. Ông hy vọng các em sẽ tận dụng tốt cơ hội để định hướng bản thân trong quá trình nghiên cứu về môn khoa học này.