GS Nguyễn Đức Chính hiến kế để chấm dứt tình trạng 'học đại' ở trường đại học
Lý do của tình trạng 'học đại' hiện nay trong các trường đại học Việt Nam không phải do học phí thấp mà do cơ chế quản lý đào tạo.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, còn rất nhiều vấn đề bất cập trong đào tạo và quản lí đào tạo bậc đại học ở Việt Nam nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng như hiện nay. Những vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi nhân loại bước vào kỷ nguyên công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0, khi nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao, có sức cạnh tranh đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết đối với mọi quốc gia, dân tộc.
Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) để hiểu hơn về đào tạo đại học hiện nay.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, lấy học phí để làm rào cản đối với việc học đại học. Thầy nghĩ sao về quan điểm này?
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính: Trước hết cần nhấn mạnh rằng được học đại học là quyền của mỗi công dân Việt Nam, một khi đã có bằng (chứng nhận) tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển đại học.
Đây cũng là nguyện vọng cháy bỏng của Bác Hồ với mong muốn cả đời là “dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay tại các nước phát triển khi giáo dục đại học được xem là một loại hình dịch vụ, vận hành theo cơ chế thị trường, thì học phí, học bổng, tín dụng sinh viên …còn được dùng làm đòn bẩy khuyến khích thanh niên học đại học.
Vậy thì không có lí do gì để tại Việt Nam một nước đang phát triển, khi nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đang thiếu hụt trầm trọng trong tất cả các lĩnh vực lại cần những biện pháp làm “rào cản” thanh niên học đại học. Còn nhớ lời của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ: “Nước nào không phát triển giáo dục đại học, thì nước đó đã tự đóng cửa vào tương lai của dân tộc mình”.
Chưa kể, lý do của đề xuất dùng học phí làm rào cản thanh niên vào đại học là để ngăn ngừa tình trạng “học đại” là không thuyết phục và còn có thể dẫn tới việc vi phạm hiến pháp (xem điều 39 Hiến pháp 2013: “Mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập”) .
Lý do của tình trạng “học đại” hiện nay trong các trường đại học Việt Nam không phải do học phí thấp nên nhiều sinh viên kể cả những người không đủ năng lực học đại học cũng được vào học, mà do cơ chế quản lý đào tạo.
Thầy có thể nói rõ hơn về thực trạng cơ chế quản lý đào tạo (gồm chương trình đào tạo và hệ thống quản lý đào tạo) dẫn tới tình trạng "học đại" trong trường đại học tại Việt Nam?
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính: Trước hết cần nhắc lại một chân lý đúng trong mọi trường hợp: “Chất lượng, hiệu quả của một hệ thống giáo dục hay một cơ sở giáo dục là do hệ thống quản lý nó quyết định”. Hệ thống quản lí bao gồm 2 thành tố: Hệ thống văn bản pháp quy bao gồm: luật, nghị định, thông tư và các văn bản pháp quy khác của cấp vĩ mô và vi mô; Và đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.
Mọi thành công cũng như mọi thất bại đều có nguyên nhân từ hệ thống quản lý.
Đối với một hệ thống giáo dục đại học hay một cơ sở giáo dục đại học thì chương trình đào tạo là thành tố quan trọng nhất. Chương trình đào tạo không chỉ quy định toàn bộ hoạt động đào tạo trong một cơ sở giáo dục đại học, mà còn phản ánh trình độ phát triển của khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội … của quốc gia nói chung, của khoa học giáo dục và quản lí giáo dục nói riêng. Chương trình đào tạo còn là thương hiệu của một cơ sở giáo dục đại học, là văn bản giải trình xã hội về nghĩa vụ của một cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng.
Để thực hiện được chức năng của mình là công cụ đào tạo nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu của xã hội đương đại, chương trình đào tạo phải mang dấu ấn của thời đại, là sản phẩm của thời đại. Và điều kiện quyết định để thực hiện nhiệm vụ này thành công là có một hệ thống quản lý phù hợp
Qua nghiên cứu chương trình giáo dục đang được thực thi tại một số cơ sở giáo dục đại học lớn tại Việt Nam cho thấy, chương trình giáo dục bậc đại học đang thực thi tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đều đã và đang được xây dựng trên cơ sở Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, Thông tư quy định số tín chỉ tối đa và tối thiểu cho mỗi ngành học (120-150 tín chỉ) và nêu rõ mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, khối lượng học tập, cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ, học liệu và một số vấn đề khác.
Điều này sẽ giúp đảm bảo chương trình giáo dục bậc đại học đáp ứng yêu cầu của bậc học đại học, phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử, giáo dục của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp tương lai. Đặc biệt, bước đầu đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học (đối với các môn tự chọn)…
Tuy nhiên, thực tế, chương trình giáo dục bậc đại học còn bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập bởi về căn bản vẫn được thiết kế theo cách tiếp cận nội dung tuy nhiên hiện nay, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, sự tăng trưởng theo cấp số nhân của kho tàng kiến thức nhân loại, các nhà chương trình học đã chuyển sang cách tiếp cận mục tiêu, và gần đây là theo cách tiếp cận năng lực.
Dù trong chương trình giáo dục, các trường đều xác định mục tiêu đào tạo (và gần đây gọi là chuẩn đầu ra) cho mỗi ngành. Mục tiêu đào tạo được xác định theo các lĩnh vực: kiến thức, kĩ năng, thái độ và cả năng lực, tức là những kiến thức, kĩ năng, thái độ mà người học phải có sau khi tốt nghiệp, thậm chí nhiều trường đã xây dựng được bộ chuẩn đầu ra các ngành đào tạo (ví như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ…).
Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi, chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục mà các trường công bố chưa phải là kết quả của quá trình điều tra, phân tích nhu cầu xã hội một cách bài bản.
Thông thường, chuẩn đầu ra của một ngành đào tạo được tiến hành theo quy trình sau:
1. Nghiên cứu chương trình hiện hành, tham khảo ý kiến chuyên gia đề xuất các khối kiến thức, kĩ năng, năng lực ứng với các khối kiến thức được quy định trong chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó bao gồm kiến thức, kĩ năng ứng với chuyên ngành đào tạo, các kĩ năng nghề nghiệp, phẩm chất cá nhân và các kĩ năng mềm.
2. Xác định các đối tượng khảo sát, bao gồm sinh viên năm cuối, sinh viên tốt nghiệp sau 5 năm, 10 năm, người sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp, các cơ sở đào tạo sau đại học.
3. Căn cứ đối tượng khảo sát thiết kế bộ phiếu hỏi khảo sát mức độ cần đạt của các kiến thức, kĩ năng có trong bảng hỏi và các kiến thức, kĩ năng khác cần bổ sung.
4. Thu thập thông tin, xử lí và hoàn chỉnh bảng chuẩn đầu ra cho chuyên ngành đào tạo.
5. Căn cứ chuẩn đầu ra lựa chọn, sắp xếp nội dung đào tạo (các môn học), thiết kế kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá toàn khóa học.
6. Căn cứ chuẩn đầu ra thiết kế môn học với kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá đáp ứng chuẩn đầu ra tương ứng của môn học và toàn khóa học.
Do chuẩn đầu ra của các chương trình giáo dục hiện hành chưa hoàn thiện nên chuẩn đầu ra không thể thực hiện được các chức năng quan trọng của nó là định hướng để lựa chọn và sắp xếp nội dung (môn học) đào tạo, quy định phương thức đào tạo, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học và càng chưa thể là chuẩn để kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo do đó việc thiết kế chương trình chủ yếu vẫn theo cách tiếp cận nội dung, tức là càng nhiều môn học càng tốt.
Đơn cử, ngành Công tác xã hội (Đại học Quốc gia Hà Nội) có 137 tín chỉ được chia thành 64 môn học, trong đó có 13 môn có 2 tín chỉ; ngành Công nghệ kĩ thuật vật liệu xây dựng trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng gần 70 môn học, trong đó có nhiều môn 2 tín chỉ. Đây là cấu trúc không hợp lí trong chương trình giáo dục bậc đại học vì quá nhiều môn học nên mỗi học kì, sinh viên phải học ít nhất 8 – 9 môn.
Chưa kể, các môn học 2 tín chỉ chỉ có thể cung cấp các kiến thức đơn lẻ, và được giảng dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức nên không tạo cơ sở rèn luyện năng lực tự nghiên cứu, giải quyết vấn đề trong một cuộc sống lao động sau này.
Đặc biệt, do quá nhiều môn học trong một học kì nên sinh viên không còn thời gian vật chất để tự học, tự nghiên cứu và càng không thể có thời gian để làm các bài tập như trong học chế tín chỉ quy định (bài tập cá nhân/tuần/môn học).
Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học đã chuyển dần sang đào tạo theo phương thức tín chỉ. Tuy nhiên các hình thức kiểm tra đánh giá còn đơn điệu và không khác so với đào tạo theo niên chế, nghĩa là chủ yếu vẫn chỉ kiểm tra giữa kì và thi cuối kì, có thêm phần điểm danh, kiểm tra chuẩn bị bài, làm bài tập tại lớp (những hình thức đánh giá của giáo dục phổ thông) và xê-mi-na.
Do đó, kiểm tra đánh giá không thực hiện được chức năng sàng lọc, chức năng quan trọng nhất của đánh giá trong giáo dục đại học dẫn tới “học đại” mà vẫn tốt nghiệp, ra trường. Hơn nữa, do mục tiêu môn học còn quá chung chung nên không xác định được cần kiểm tra đánh giá như thế nào để biết có đạt mục tiêu môn học hay không. Đây là nhược điểm lớn nhất của quá trình tổ chức dạy học hiện nay, không phát huy được ưu điểm của học chế tín chỉ, và làm mất đi giá trị của các giờ tự học trong một giờ tín chỉ.
Trong học chế tín chỉ 1 giờ tín chỉ có thể có các hình thức tổ chức dạy học sau:
Lí thuyết = 1 tiết trên lớp (50 phút) + 2 giờ sinh viên chuẩn bị = 3 giờ.
Thực hành = 2 tiết trên lớp + 1 giờ sinh viên chuẩn bị = 3 giờ
Tự nghiên cứu = 0 tiết trên lớp + 3 giờ sinh viên tự học = 3 giờ
Theo lí luận dạy học mỗi hình thức tổ chức dạy học phải có một hình thức đánh giá tương ứng (không có đánh giá tức là không có dạy học).
Như vậy cần có 5 bài đánh giá cho một môn học:
Bài tập cá nhân/môn học/tuần – kiểm tra đánh giá các giờ chuẩn bị cho các giờ lí thuyết (10%).
Bài tập nhóm/môn học/tháng – kiểm tra đánh giá các giờ chuẩn bị cho các giờ thực hành (10%).
Bài tập lớn học kì /môn học (15%) cho các giờ tự nghiên cứu (không lên lớp)
Thi giữa kì (15%)
Thi cuối kì (50%)
Sinh viên phải hoàn thành toàn bộ các bài kiểm tra thành phần mới có đủ điều kiện dự thi cuối kì. Đây là cơ chế sàng lọc đã được các trường đại học trên thế giới sử dụng hiệu quả. Với cơ chế này ai cũng có thể vào học đại học, nhưng không thể “học đại”, và chỉ những sinh viên vượt qua được cơ chế này mới có thể tốt nghiệp. Mà đã tốt nghiệp thì chắc chắn là những người đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Còn về hệ thống văn bản pháp quy trong quản lý chương trình đào tạo đại học hiện nay có Luật Giáo dục đại học 2018, Quyết định 43/2007/QĐ- BGDĐT, Thông tư 08/2021/TT- BGDĐT, Thông tư 17/2021/TT- BGDĐT và một số văn bản khác.
Tuy nhiên, còn nhiều điều cần điều chỉnh nhưng chưa được nêu trong các văn bản nêu trên. Ví như: Quy trình nghiên cứu, khảo sát để xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Quy trình sử dụng mục tiêu, chuẩn đầu ra để lựa chọn, sắp xếp các khối kiến thức trong chương trình; Tỷ lệ giờ lí thuyết và thực hành, tự nghiên cứu trong 1 học phần; Bắt buộc có giờ xê-mi-na do các trợ giảng hướng dẫn; Bắt buộc có đội ngũ trợ giảng với nhiệm vụ hướng dẫn xê-mi-na, chấm các bài tập cá nhân/tuần và nhóm/tháng….
Chưa kể, đội ngũ cán bộ quản lý còn bộc lộ nhiều bất cập như: Chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức mới nhất về lí luận dạy học, nhất là về học chế tín chỉ; Chưa kịp đổi mới tư duy về quản lí quá trình dạy học trong bối cảnh mới, hơn nữa do các văn bản pháp quy chưa thật chính xác về khoa học giáo dục, nên khi vận dụng để hướng dẫn các cơ sở giáo dục còn bộc lộ nhiều lúng túng.
Cuối cùng, theo quan sát của tôi sau hơn 50 năm dạy đại học và sau đại học cho thấy, giảng viên đại học đang thiếu 1 kĩ năng nghề nghiệp quan trọng đó là kĩ năng phát triển chương trình môn học. Đây là kĩ năng nghề nghiệp quan trọng, phân biệt giảng viên chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Giảng viên đại học khác với giáo viên phổ thông là có khả năng phát triển chương trình môn học mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động luôn thay đổi và đề xuất thay hoặc bổ sung vào chương trình đào tạo.
Để làm việc này giảng viên phải nghiên cứu chương trình đào tạo khóa học, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình, nghiên cứu yêu cầu mới của thị trường lao động để ít nhất bổ sung, cập nhật các môn học đang có trong chương trình đào tạo. Và cao hơn thiết kế môn học mới để thay thế hoặc bổ sung vào chương trình đào tạo.
Ngoài ra giảng viên phải thiết kế được kế hoạch dạy học môn học một cách cập nhật nhất, phù hợp nhất với sinh viên của từng năm học, lớp học cụ thể (chứ không phải thiết kế 1 lần và dùng cho mãi mãi).