GS. Nguyễn Minh Thuyết: 'Xây dựng trường học hạnh phúc không phải việc một sớm một chiều'
Xây dựng trường học hạnh phúc là việc hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Đây là quá trình tác động lâu dài và cần có lộ trình, phương pháp giáo dục cụ thể. Việc tạo ra một ngôi trường hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn cần có sự hưởng ứng của học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội.
Cần xây dựng trường học hạnh phúc từ cấp mầm non
Trường học hạnh phúc được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ năm 2019, lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (2014) nhằm mục đích thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học, coi trọng và nuôi dưỡng các tài năng và thế mạnh đa dạng hơn là kết quả học tập.
Trong năm học 2023 - 2024 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo của một số thành phố lớn đã đặt mục tiêu xây dựng những ngôi trường hạnh phúc để học sinh và thầy cô vui vẻ khi đến trường, từ khóa “Trường học hạnh phúc” đã dần trở nên quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục.
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, trước đây, khi ông Nguyễn Thiện Nhân giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề ra mô hình “trường học thân thiện” tương tự với mô hình “trường học hạnh phúc”. Có thể thấy, mục tiêu để trẻ em đi học mỗi ngày không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn cảm thấy vui vẻ, phát triển trong môi trường an toàn luôn được ngành Giáo dục hết sức chú trọng.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, mấu chốt của việc giáo dục thành công là đào tạo được những công dân hạnh phúc. Đó cũng là mục đích mà các ngôi trường hạnh phúc bắt đầu ra đời. Trường học hạnh phúc là một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Ngôi trường hạnh phúc cần đủ 3 tiêu chí: An toàn - Yêu thương - Tôn trọng.
Tại đây, giáo viên, học sinh luôn được yêu thương, thấu hiểu, cùng nhau phát triển. Cùng với đó là cách dạy, cách học sôi nổi và không đi theo lối mòn, không tạo áp lực, đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần, tôn trọng sự khác biệt của mỗi trẻ em. Ngoài ra, trường học phải có cơ sở vật chất, không gian xanh sạch đẹp, an toàn. Đây là kim chỉ nam xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.
“Việc trẻ hạnh phúc và thoải mái khi đến trường sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Do vậy, xây dựng một môi trường mà cả giáo viên và học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, thúc đẩy một tương lai trường học thân thiện là việc cần làm”, GS. Thuyết nhấn mạnh.
Vẫn tồn tại những thách thức, rào cản
GS. Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra những điểm tích cực trong Chương trình giáo dục phổ thông mới như lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục, áp dụng phương pháp giảng dạy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, trẻ em được tạo điều kiện học tập tốt nhất, rèn luyện chú trọng vào kỹ năng sống,..
Ngoài ra, chương trình giáo dục mới đã chủ trương giảm tải, tăng cường các nội dung tự chọn. Ví dụ, môn giáo dục thể chất ở tiểu học và trung học cơ sở có nhiều nội dung cho học sinh lựa chọn theo thể lực và nguyện vọng cá nhân; ở trung học phổ thông tổ chức theo các câu lạc bộ thể thao để các em lựa chọn, tự nguyện tham gia các bộ môn thể thao phù hợp với bản thân, không còn nặng về lý thuyết như trước,..
“Trong sách Tiếng Việt lớp 5 mà tôi làm chủ biên, học sinh đã được dạy về quyền trẻ em, trong đó có quyền bí mật riêng tư, quyền được học tập, được bảo vệ và được phát biểu ý kiến của mình. Xuyên suốt quá trình học, các em được học cách bảo vệ bản thân, cách giải quyết bất đồng trong đời sống, tạo nên bầu không khí tích cực, vui vẻ trong mọi hoạt động học tập”, GS. Thuyết nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục chưa thật sự hiểu về chương trình giáo dục mới nên quá trình học tập của các em vẫn chưa được giảm nhẹ ở tất cả các khâu. Bên cạnh đó, xã hội vẫn còn quá nhiều áp lực phải cạnh tranh nên tình trạng học thêm khó có thể giảm bớt được.
Việc xây dựng trường học hạnh phúc vẫn còn những bất cập, những vấn nạn như bạo lực học đường, người lạ vào trường hành hung thầy cô,… vẫn thường xuyên xảy ra. “Trường học hạnh phúc phải là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh”, GS. Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.
Xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa nhà trường và phụ huynh
Việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Đây cũng chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục đang đặt ra, đòi hỏi từ lãnh đạo, giáo viên đến học sinh đều phải phấn đấu chuyển biến.
“Để xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên giữ vai trò vô cùng quan trọng bởi thầy cô là người tạo ra nguồn cảm hứng mỗi khi trẻ đến trường và tạo ra không gian thoải mái, khiến trẻ thích thú và hứng thú với chuyện đi học”, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay.
Vì vậy, về phía nhà trường cũng như những người làm giáo dục, khi tuyển chọn giáo viên, nhà trường cần lựa chọn không chỉ người có chuyên môn giỏi mà còn phải có lý tưởng và phẩm chất của nhà giáo dục. Các trường cũng cần thường xuyên sàng lọc đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng cho các thầy cô không ngừng nâng cao phẩm chất giáo viên, nâng cao hiểu biết, có kỹ năng tự bảo vệ con trẻ trong quá trình công tác.
Ngoài ra, điều cần thiết chính là kiến tạo môi trường học đường xanh, sạch, trong lành, tốt cho sức khỏe, tạo ra các bữa ăn học đường bổ dưỡng và an toàn, ngăn chặn triệt để những gánh hàng rong thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được tuồn vào từ bên ngoài.
GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: “Xây dựng mô hình trường học hạnh phúc không phải việc một sớm một chiều mà là quá trình tác động lâu dài và cần có lộ trình như xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc,.. Việc tạo ra một ngôi trường hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn cần có sự hưởng ứng của học sinh, phụ huynh và xã hội”.