GS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Tiến tới nền khoa học mới

Từ khi thành lập Hàn lâm Trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy - VYA) cho đến nay, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh (Đại học College London, Anh) luôn nỗ lực không mệt mỏi cho sự thành công của tổ chức với hy vọng giúp đỡ quê hương trên con đường tiến tới một nền khoa học mới và tốt hơn.

GS. Nguyễn Thị Kim Thanh tại Hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Thành lập từ năm 2014, VYA đã tổ chức 5 hội thảo quốc tế tại Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội và Đồng Hới (Quảng Bình) với các chủ đề đa dạng, bao gồm: Nghiên cứu máy tính và Phát triển, Hóa học, Tin sinh học và Công nghệ máy tính, Thông tin thông minh và hệ thống dữ liệu. Các hội thảo này đều được đánh giá cao về chuyên môn và đã đưa ra nhiều định hướng nghiên cứu, khuyến nghị chính sách có ích đối với đất nước.

Tuy nhiên, điều khiến GS. Nguyễn Thị Kim Thanh mừng nhất là lần đầu tiên Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ thế giới đã được tổ chức tại Việt Nam. Có thể nói, sự kiện đang được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 31/7-2/8 là kết quả từ sự nỗ lực của VYA trong việc vận động Viện Hàn lâm trẻ toàn cầu (Global Young Academy - GYA). Hội thảo lần này góp phần quảng bá hình ảnh và môi trường học thuật của Việt Nam và góp phần làm cầu nối đưa nền khoa học của Việt Nam đến gần hơn với thế giới...

Tận dụng vai trò các tổ chức quốc tế

Nguyễn Thi Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học năm 1992 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian sau, bà đi du học và bắt đầu một sự nghiệp nghiên cứu quốc tế có uy tín tại Hà Lan, Mỹ và Anh quốc. Từ năm 2013, bà đảm nhận vị trí giáo sư tại Đại học College London (UCL) và dẫn đầu một nhóm thực hiện nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh.

Là một trong những thành viên sáng lập của GYA, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh luôn trăn trở với việc phải ra đời VYA. Nơi đây sẽ giúp kết nối các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam và các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực chuyên môn để cùng thảo luận mang tính định hướng và xây dựng về những chủ đề quan trọng của đất nước và toàn cầu.

GS. Nguyễn Thị Kim Thanh luôn nghĩ rằng cần tận dụng các tổ chức khoa học quốc tế để nền khoa học Việt Nam có thể tiếp cận với những điều kiện phát triển. Bà tin rằng khuyến khích giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước cho phép các nhà khoa học trẻ trong nước cơ hội học hỏi từ những kỹ năng của những nhà khoa học ở nước ngoài, đồng thời cũng giúp những nhà khoa học ở nước ngoài hiểu rõ hơn về những điều kiện ở trong nước hiện nay.

Khơi đường mới cho khoa học Việt Nam

Với trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của VYA, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh đang nỗ lực giúp tổ chức cân bằng số thành viên trong nước và nước ngoài, giữa các ngành khác nhau và lựa chọn thành viên kỹ càng hơn dựa trên thành tích khoa học. VYA không chỉ hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ tăng cường năng lực, phát triển cá nhân và chuyên môn thông qua các mạng lưới quốc gia và toàn cầu, tạo điều kiện cho họ có nhiều đóng góp có giá trị hơn cho xã hội, mà còn nâng cao truyền thông học thuật, giáo dục và tạo nên tác động đến đổi mới và phát triển chính sách ở Việt Nam.

Hiện nay, VYA có số thành viên là người Việt ở nước ngoài chiếm ưu thế, tập trung đặc biệt vào vai trò là cầu nối giữa học giả Việt ở trong nước và nước ngoài. Đây chính là cây cầu thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức và thực tiễn làm việc giữa các nhà khoa học.

GS. Nguyễn Thị Kim Thanh cũng cho biết, các thành viên của VYA được lựa chọn dựa trên sự phù hợp của họ trong việc đảm nhận vai trò tích cực thực hiện các mục tiêu của Viện. Trong hoạt động của mình, VYA cũng phát hành Bản tin hằng tháng do TS. Lâm Hạnh, Chủ tịch VYA đến từ Cornell, TS. Bùi Thanh Duyên từ San Francisco và TS. Lê Hoàng Sinh từ Đà Nẵng cùng bà biên tập. Đặc biệt, Viện luôn nhận lợi ích từ kinh nghiệm bổ sung của các thành viên ở Việt Nam, những người biết rõ về nhu cầu và những vấn đề trong nước và những thành viên ở nước ngoài được tiếp cận với môi trường nghiên cứu thuận lợi.

Với Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ thế giới đang diễn ra tại Việt Nam, các nhà khoa học sẽ cùng nhau trao đổi các ý tưởng về khoa học, xây dựng mạng lưới và hợp tác giữa các Viện Hàn lâm trẻ của các nước. Đặc biệt, VYA tập trung vào nội dung tác động của khoa học và kỹ thuật đối với sự phát triển kinh tế và xã hội - điều mà GS. Nguyễn Thị Kim Thanh luôn hy vọng mang lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam.

Với những thành tựu nghiên cứu và dự án có tầm ảnh hưởng lớn về ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y-sinh và chăm sóc sức khỏe, GS. Thanh đã được công bố nhận Giải thưởng Rosalind Franklin năm 2019. Rosalind Franklin là giải thưởng của Viện Hàn Lâm Vương Quốc Anh và các nước liên bang hàng năm trao cho một cá nhân có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ trong lĩnh vực STEM.

QUỲNH ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gs-nguyen-thi-kim-thanh-tien-toi-nen-khoa-hoc-moi-98601.html