GS.TS NGÔ THẮNG LỢI: CÓ CƠ SỞ ĐỂ QUỐC HỘI, CHÍNH PHỦ QUYẾT TÂM KIÊN ĐỊNH CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CỦA NĂM 2023 ĐÃ ĐỀ RA

Với những gì Quốc hội khóa XV đã thực hiện, nhận định, đánh giá và kiểm điểm một cách nghiêm khắc, cương quyết, kỷ luật cao từ đầu nhiệm kỳ đến nay, GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, có cơ sở và tin tưởng về sự quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 sẽ thực hiện được.

Với kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 5, cho đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ (đạt tỷ lệ 81,8%). trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, nhiều vấn đề mới phát sinh, nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do tác động không thuận lợi của bối cảnh, tình hình địa chính trị, kinh tế, tài chính thế giới và các hạn chế, yếu kém đang tích tụ của kinh tế trong nước thì tăng trưởng kinh tế đạt thấp; đời sống của người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn… Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ vẫn quyết tâm kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023 đã đề ra.

Để hiểu rõ hơn về sự quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với các mục tiêu trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc trao đổi với GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tình hình trên thế giới có nhiều biến động khó lường, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã chủ động cùng với Chính phủ ban hành nhiều giải pháp bằng việc thông qua các Nghị quyết, chính sách quyết liệt chưa từng có tiền lệ. Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp đó?

GS.TS Ngô Thắng Lợi: Trước hết, tôi đồng ý với quan điểm của Quốc hội, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Những lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống tinh thần, vật chất của người dân tiếp tục được quan tâm. Tuy vậy, nền kinh tế nước ta vẫn còn tăng trưởng chậm. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, ngành Công nghiệp chỉ tăng trưởng 0,44%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng ngành Công nghiệp chỉ tăng tăng 0,37%. Đáng quan tâm hơn là trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp giải thể tăng 2,8%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu giảm 12,1% và kim ngạch nhập khẩu giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 chậm đúng như nhận định của Quốc hội là do ảnh hưởng tác động không thuận lợi của bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính thế giới, những hậu quả, hệ lũy khá trầm trọng chưa khắc phục được của đại dịch Covid-19 toàn cầu và các hạn chế, yếu kém tích tụ của nền kinh tế trong nước.

GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước như trên, Quốc hội đã chủ động cùng với Chính phủ ban hành nhiều giải pháp bằng việc thông qua các Nghị quyết, chính sách quyết liệt. Tôi đồng tình với những chính sách mà Quốc hội thông qua, rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ngân hàng. Đặc biệt là các chính sách: Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; Cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025; Cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Có thể nói, các quyết sách này thực sự đã đi vào đúng niềm khao khát của doanh nghiệp, ngân hàng, của các địa phương và của người dân với mong muốn tháo gỡ nhiều khó khăn để kích cầu đầu tư tư nhân và đầu tư công, tạo thêm động lực lớn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội.

Phóng viên: Năm 2022 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ở mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thế nhưng, tăng trưởng GDP Quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19. Với tốc độ tăng trưởng này, Quốc hội và Chính phủ vẫn quyết tâm, kiên định với các chỉ tiêu đặt ra của năm 2023. Ông có bình luận như thế nào về sự kiên định này?

GS.TS Ngô Thắng Lợi: Tôi đồng tình với quan điểm trên của Quốc hội vẫn quyết tâm, kiên định với các chỉ tiêu đặt ra của năm 2023 bởi 3 lý do:

Thứ nhất: Năm 2023 chính là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, việc Quốc hội đưa ra quyết tâm phải thực hiện được các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra cho năm 2023 có ý nghĩa quan tọng, thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong việc thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm được Quốc hội phê duyệt. Việc kiên định với các chỉ tiêu đặt ra cũng là để thực hiện được các mục tiêu kinh tế đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng phê duyệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Thứ hai: Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 được Quốc hội phê duyệt, trong đó bao gồm một số chỉ tiêu chính như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, tỷ lệ ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 24,4- 25,8%, chỉ số giá tiêu dùng 4,5%. Các chỉ tiêu này, nếu so với tình hình thực hiện năm 2022, chúng ta đã đạt với các mức cao hơn nhiều: tốc độ tăng GDP đạt 8,02%, CPI bình quân tăng 3,15%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP cũng đã đạt 24,76%. Điều này cho thấy việc Quốc hội đặt ra quyết tâm thực hiện được các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 là có căn cứ thực tế, dựa trên những dự báo về khả năng thực lực.

Thứ ba: Có thể nói, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật, pháp lệnh; Các chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; Chủ trương và chính sách phân bổ vốn đầu tư công trung hạn hợp lý, nhằm bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đặc biệt, Quốc hội đã nhấn mạnh tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm soát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam đã gặp những khó khăn, nhưng tôi tin rằng, với những gì Quốc hội khóa XV đã thực hiện, nhận định, đánh giá và kiểm điểm một cách nghiêm khắc, cương quyết, kỷ luật cao từ đầu nhiệm kỳ đến nay và giá trị của các quyết sách khoa học, đột phá, độc đáo được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ 5 thì chắc chắn mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 sẽ thực hiện được.

Phóng viên: Để các giải pháp, chính sách, quyết nghị được Quốc hội đưa ra, thông qua trong kỳ họp thứ 5 được thực thi hiệu quả, đúng đối tượng được thụ hưởng, ông có quan điểm và đề xuất như thế nào đối với công tác giám sát quá trình tiến hành triển khai để không còn bị “trục lợi chính sách”, tham nhũng, lãng phí, thậm chí là mất cán bộ?

GS.TS Ngô Thắng Lợi: Đúng là điều quan trọng của việc triển khai thực hiện các quyết sách một cách có hiệu quả, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, thì công tác theo dõi giám sát của Quốc hội đóng vai trò quyết định. Theo tôi, một số điểm cần quan tâm đến công tác này bao gồm:

Một là, cần có quan điểm mục tiêu rõ ràng đối với thực hiện công tác giám sát. Theo đó, tôn chỉ của công tác giám sát phải nhằm vào mục tiêu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước, bảo đảm thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Quốc hội hoàn thành kỳ họp thứ 5 với việc thông qua 8 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật, tiếp tục cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Quốc hội hoàn thành kỳ họp thứ 5 với việc thông qua 8 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật, tiếp tục cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Hai là, cần có kế hoạch công tác theo dõi, giám sát và đánh giá kịp thời. Để khắc phục tình trạng không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào, theo tôi cần lên kế hoạch giám sát. Kế hoạch giám sát ngoài việc xác định định kỳ giám sát, chủ thể giám sát, nguồn số liệu, quan trọng nhất trong khung giám sát, đánh giá là cần xây dựng được bộ chỉ số theo dõi, giám sát hợp lý, trong đó không phải chỉ bao gồm chỉ số theo dõi giám sát các hoạt động kết quả đầu ra mà quan trọng là các chỉ số giám sát đánh giá tác động của những quyết sách mà Quốc hội ban hành. Trong thời gian tới, cần vận dụng xây kế hoạch giám sát đánh giá và kế hoạch tổ chức các Đoàn giám sát của Quốc hội đối với Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đặc biệt đối với 02 nội dung rất quan trọng: Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Ba là, cần có sự tham gia của các bên trong thực hiện giám sát các chương trình Quốc hội. Đây là một nguyên tắc quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội. Các quyết sách của Quốc hội là vì quốc kế dân sinh và nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Việc sử dụng sự tham gia của nhiều bên và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức hiệp hội và các các đại diện cộng đồng là nhằm tranh thủ tiếng nói của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế- xã hội và người dân. Lợi ích của các bên sẽ được bảo vệ một cách tối đa nhất, nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của mỗi bên. Thực hiện giám sát của các bên, nhất là của người dân đối với các quyết sách Quốc hội giúp cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh năng lực trách nhiệm của cá nhân, làm việc đúng thẩm quyền, hoàn thành nhiệm theo đúng quy định của Nhà nước và pháp luật.

Bốn là, áp dụng chuyển đổi số cũng là một hướng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác giám sát Quốc hội. Cụ thể, chuyển đổi số trong công tác giám sát thể hiện trong xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan Nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, tăng cường các cổng thông tin liên kết Quốc hội, Nhà nước với các doanh nghiệp, với các hiệp hội và công đồng dân cư, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc theo dõi giám sát lớn với chất lượng ngày càng cao; tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội, mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội. Thực hiện thành công nhiệm vụ này sẽ góp phần tích cực vào việc đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, giúp chia sẻ thông tin, kiến thức một cách rộng rãi và giải quyết các vấn đề thảo luận, điều hành thảo luận tại Quốc hội một cách thuận tiện hơn; góp phần tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với cử tri.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77744