GS.TS Võ Tòng Xuân: Nhà khoa học có tầm nhìn xa

GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống Cây trồng Việt Nam đánh giá, GS.TS Võ Tòng Xuân là nhà khoa học có tầm nhìn xa. Những định hướng của GS Xuân trong chọn giống cây trồng vẫn nguyên giá trị thời sự.

Sáng 22/8, đông đảo người dân, bà con nông dân, đồng nghiệp, học trò... đã đưa tiễn GS.TS Võ Tòng Xuân về nơi an nghỉ tại quê nhà.

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của GS.TS Võ Tòng Xuân.

“Tôi rất buồn. Cách đây hơn 1 tháng, trong một hội nghị về giáo dục đại học tại Phú Yên, tôi còn gặp GS Võ Tòng Xuân. Lúc đó, GS đã ngồi xe lăn, sức khỏe yếu nhiều, nhưng GS vẫn tham gia hội thảo, đó là điều khiến tôi rất xúc động về một nhà khoa học đã cống hiến tới tận những ngày tháng cuối của cuộc đời”, GS Trần Đình Long chia sẻ.

GS Long cho biết, GS.TS Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học đã có nhiều đóng góp lớn đối với nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, công lao lớn nhất là đã đưa một số giống lúa mới về Việt Nam, đặc biệt là giống lúa IR36.

 GS Võ Tòng Xuân (bìa trái) trong một chuyến xuống đồng ruộng ở Đồng Tháp Mười năm 1985. Ảnh tư liệu (SGGP).

GS Võ Tòng Xuân (bìa trái) trong một chuyến xuống đồng ruộng ở Đồng Tháp Mười năm 1985. Ảnh tư liệu (SGGP).

Năm 1976, nông dân đồng bằng sông Cửu Long khốn đốn bởi nạn rầy nâu. Nhiều nơi, người dân thậm chí phải bán cả đồ đạc, dụng cụ trong nhà để "cứu lúa". Trong tình thế nguy cấp đó, GS Võ Tòng Xuân liên hệ với Viện IRRI để tìm sự trợ giúp. Và rồi, từ 5g hạt giống lúa IR36 được gửi trong bao thư qua đường bưu điện, GS Võ Tòng Xuân cùng các cộng sự đã nhân giống thành công giống lúa vừa có khả năng kháng rầy nâu, vừa năng suất cao, cứu hàng ngàn hộ nông dân với cuộc “cách mạng” này.

GS Võ Tòng Xuân cũng có công trong đưa canh tác thông minh về Việt Nam. Theo canh tác truyền thống, ruộng lúc nào cũng cần có nước, nhưng theo canh tác thông minh, có những lúc có thể rút nước đi. Cho đến nay, đây vẫn là phương thức canh tác tốt, vừa tiết kiệm nước, vừa là một trong những hướng để giảm phát thải khí nhà kính.

Năm 1976, GS Trần Đình Long vào dự hội nghị tại Trường ĐH Cần Thơ về đột biến, dùng tia phóng xạ xử lý giống mới. Tại đây, GS Trần Đình Long đã gặp GS Võ Tòng Xuân ở hội nghị. Thời điểm đó, những giống lúa của ta có năng suất thấp, GS Võ Tòng Xuân đã đề nghị sử dụng phương pháp hiện đại, lai đột biến cải tạo những giống hiện có. Đó cũng là đóng góp lớn của GS Võ Tòng Xuân.

 GS-TS Võ Tòng Xuân trong một chuyến khảo sát thực tiễn. Ảnh: Ca Linh (Báo Người Lao Động).

GS-TS Võ Tòng Xuân trong một chuyến khảo sát thực tiễn. Ảnh: Ca Linh (Báo Người Lao Động).

Và một trong những kỷ niệm sâu sắc của GS Trần Đình Long với GS Võ Tòng Xuân, đó là năm 1985, khi đó, GS Long đang là Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Việt – Xô, làm đề án về quỹ gen cây trồng của thế giới và trong nước. GS Võ Tòng Xuân đã đến Viện, cùng GS Trần Đình Long trao đổi về ý tưởng về ngành giống cây trồng Việt Nam. Khi đó, ngành này còn rất lạc hậu, hai người đã cùng bàn bạc theo hướng làm sao để tận dụng nguồn gen bản địa của mình, nhập nguồn gen của quốc tế, cải tạo những giống phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

“Ý tưởng của GS Võ Tòng Xuân khiến tôi rất tâm đắc. Đến giờ, các nhà khoa học của Việt Nam cũng vẫn đi theo hướng đó. Chúng ta cũng vẫn đang dùng những phương pháp hiện đại nhất để cải tiến những giống nhập nội, cũng như những giống bản địa của mình, để xây dựng thương hiệu của mình. Đặc biệt, trong giống lúa thuần chúng ta đã hầu như có thể tự túc đến 98%. Từ lúc năng suất thấp, trung bình chỉ có 2,5-3 tấn/ha (những năm 60), thì giờ, năng suất bình quân của lúa Việt Nam đã lên tới hơn 6 tấn/ha. Đó là bước ngoặt, nhất là khi không chỉ cho năng suất cao, các giống lúa này còn có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”, GS Trần Đình Long cho hay.

 GS.VS Trần Đình Long kiểm tra giống cỏ ngọt ST77 tại Nam Định. Ảnh: NVCC.

GS.VS Trần Đình Long kiểm tra giống cỏ ngọt ST77 tại Nam Định. Ảnh: NVCC.

GS Trần Đình Long cho biết, các nhà khoa học của Việt Nam hiện cũng tạo giống theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là giống chịu hạn, giống chịu úng, giống chịu rét, chịu phèn mặn, kháng sâu bệnh… Đó là những hướng đi rất tốt, và hiện chúng ta đã khai thác những công nghệ hiện đại nhất của thế giới để tạo nên giống lúa của Việt Nam.

Chính vì thế, những năm gần đây, Việt Nam đã có những giống lúa có chất lượng cao, như ST20, ST 14, ST 25, trong đó, ST 25 đạt chất lượng ngon nhất thế giới. Thành quả này, có sự đóng góp của GS Võ Tòng Xuân.

“GS Võ Tòng Xuân là nhà khoa học có tầm nhìn xa, nên đã giúp cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam có được những định hướng rất tốt. Ở cương vị Chủ tịch Hội giống Cây trồng Việt Nam, tôi đánh giá rất cao những cống hiến của GS Võ Tòng Xuân trong việc chọn giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa cho Đồng bằng Sông Cửu Long. Hướng đi và tầm nhìn của GS Võ Tòng Xuân vẫn còn có ý nghĩa thời sự. Trong đời thường, GS Võ Tòng Xuân là người rất gần gũi, luôn sâu sát, gắn bó với bà con nông dân. Có thể nói, đó là một tấm gương, “người thật việc thật” về một nhà khoa học lăn lộn với đồng ruộng. GS Võ Tòng Xuân thực sự là nhà khoa học có tâm, có tầm, rất đáng trân trọng”, GS.VS Trần Đình Long chia sẻ.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/gsts-vo-tong-xuan-nha-khoa-hoc-co-tam-nhin-xa-2024135.html