GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Chuyện thú vị về nhà khoa học có thẻ nhà báo

Thật thú vị khi GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ (top 5% thế giới) và một số tạp chí khoa học quốc tế uy tín khác cũng là một nhà báo.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho hay, bên cạnh làm khoa học, ông đồng thời là nhà báo, đã có thẻ nhà báo hơn 20 năm. Đối với ông, một nhà báo cần có cả tâm và tầm, trong đó, tâm rất quan trọng. Một bài viết có tâm sẽ giúp động viên, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp.

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Vinh dự đi cùng với áp lực

Đầu tháng 3/2024, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chính thức trở thành thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ: Journal of Aerospace Science and Technology, Nhà xuất bản Elsevier.

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, đây là một trong những tạp chí quốc tế có trong danh mục SCI index (top 5%), rất có uy tín và chất lượng cao hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Hàng không - Vũ trụ.

Hội đồng biên tập của tạp chí này gồm 10 nhà khoa học đến từ nhiều nước, trong đó, có các nước lớn như Mỹ, Anh, Nhật Bản... GS Nguyễn Đình Đức là người Việt Nam duy nhất tham gia Hội đồng.

“Điều đó thể hiện uy tín, vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đồng thời, cũng là niềm vinh dự của cá nhân, là sự động viên, cổ vũ dấn thân không chỉ đối với tôi, mà còn với các nhà khoa học trẻ, với các thế hệ học trò. Bởi tôi cũng đâu có nghĩ, đến một ngày mình sẽ có được vinh dự này”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm việc với sinh viên trong Nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm việc với sinh viên trong Nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, đi cùng với niềm vinh dự là những áp lực, thử thách. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, những công trình gửi tới tạp chí đều là những kết quả nghiên cứu mới nhất của một lĩnh vực rất khó, của các chuyên gia trên khắp thế giới về kỹ thuật hàng không, vũ trụ. Do đó, là thành viên của Hội đồng biên tập, có vai trò quyết định đối với việc xuất bản, vị trí của ông đòi hỏi phải có kiến thức hiểu biết sâu rộng và chuyên ngành chuyên sâu.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được mạng lưới kết nối với các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này của quốc tế. Bởi với yêu cầu tri thức hiểu biết sâu rộng như vậy, chỉ cá nhân nhà khoa học sẽ không thể đảm đương được mà cần sự phối hợp của các nhà khoa học khác.

Ngoài ra, là người “cầm cân nảy mực” nên phải luôn đảm bảo sự khách quan, công bằng, minh bạch trong công tác xét duyệt, đánh giá.

"Vì vậy, đây là một công việc vừa tự hào, vinh dự, nhưng cũng đầy khó khăn và áp lực”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Nhà khoa học có thẻ nhà báo

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho hay, công việc của một thành viên hội đồng biên tập tạp chí khoa học top 5% thế giới cũng có những điểm giống một nhà báo.

Trong đó, điểm chung quan trọng đầu tiên là yêu cầu về kiến thức tổng quan để xử lý thông tin, dữ liệu ban đầu - với các nhà báo là thông tin, còn với nhà khoa học là những đóng góp mới của công trình nghiên cứu. Để có được kiến thức này, GS Đức đã phải đọc rất nhiều, cả kinh nghiệm, kiến thức và trao đổi với các chuyên gia (giống với các nhà báo cũng phải tiếp nhận, xác thực thông tin từ nhiều nguồn, nhiều chiều).

 GS Nguyễn Đình Đức báo cáo tại Phiên toàn thể Hội nghị quốc tế tại ĐH Yonsei, Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.

GS Nguyễn Đình Đức báo cáo tại Phiên toàn thể Hội nghị quốc tế tại ĐH Yonsei, Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.

Điểm thứ 2, là yêu cầu về tính chính xác, khách quan. Tạp chí khoa học, cũng là một hình thức báo chí trong việc công bố thông tin tới toàn xã hội. Hơn thế, là thông tin khoa học nên đòi hỏi về tính chính xác, trung thực, khách quan lại càng cao.

“Hiểu được những điều đó bởi bản thân tôi cũng là một nhà báo. Năm 2004, tôi được phân công làm Trưởng ban Biên tập Tạp chí Toán Lý của ĐH Quốc gia Hà Nội, đến 2005, tôi đã được cấp thẻ nhà báo. Bên cạnh công tác biên tập, tôi cũng viết nhiều bài về quản lý giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, bảo đảm chất lượng, hoạt động khoa học công nghệ, xây dựng chính sách như một nhà báo.

Đến nay tôi đã có thâm niên 20 năm trong nghề báo. Điều này cũng giúp tôi không bỡ ngỡ khi tiếp nhận công việc của thành viên hội đồng khoa học một tạp chí khoa học chuyên ngành cấp quốc tế”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Là một nhà khoa học, đồng thời cũng là một nhà báo, GS Nguyễn Đình Đức hiểu khá rõ vai trò của báo chí. Theo ông, báo chí có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học.

Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhưng không thể thay thế được vai trò báo chí, bởi báo chí cung cấp những thông tin đã được kiểm chứng, khách quan và từ đó định hướng đúng đắn cho sự nhận thức và phát triển.

Trong lĩnh vực khoa học, nhờ có báo chí truyền đạt thông tin về kết quả nghiên cứu, trong đó có những thống kê, cập nhật, những kết quả mới, hướng nghiên cứu mới – nhờ đó cộng đồng khoa học Việt Nam mới nắm bắt được những lĩnh vực, hướng nghiên cứu mới để hội nhập với thế giới. Đồng thời cũng qua công bố khoa học mà thế giới biết đến Việt Nam, thể hiện được sự đóng góp của khoa học công nghệ Việt Nam với thế giới.

“Tôi cho rằng, vai trò của báo chí luôn rất quan trọng. Trước đây báo in, giờ chuyển dần sang báo điện tử, tuy hình thức khác nhau, nhưng vị thế, vai trò của báo chí và trách nhiệm của nhà báo không thay đổi”, GS Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Hạnh phúc nhất của người thầy, nhà khoa học

Là người thầy được nhiều thế hệ học trò yêu quý, là nhà khoa học đã gặt hái được nhiều thành tựu, là thành viên của Hội đồng biên tập nhiều tạp chí uy tín thế giới, nhưng GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức cho hay, ông vốn không bao giờ nghĩ rằng sẽ đi theo con đường trở thành một nhà giáo hay một nhà khoa học.

Có điều, từ khi còn trẻ, tấm gương của những nhà khoa học đã có ảnh hưởng rất lớn đối với ông. “Đến ngày hôm nay, tôi cảm ơn cuộc đời và số phận đã run rủi cho tôi trở thành một người thầy, một nhà khoa học. Tôi thấy may mắn và tự hào”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

 GS Đức và các thế hệ học trò, hầu hết là tiến sĩ. Ảnh: NVCC.

GS Đức và các thế hệ học trò, hầu hết là tiến sĩ. Ảnh: NVCC.

Năm 1984, tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Toán cơ tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Nguyễn Đình Đức được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lômônôxốp. Năm 1991, bảo vệ xong tiến sĩ toán lý, ông được nhà trường giữ lại làm thực tập sinh, rồi làm tiến sĩ khoa học.

Năm 1997, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học về kỹ thuật tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, năm 1999, khi mới 36 tuổi đời, ông đã được bầu là thành viên nước ngoài – Viện sỹ của Viện Hàn lâm khoa học tự nhiện Nga.

Về nước, GS Nguyễn Đình Đức được phân công về làm giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ những bước đầu tiên trên con đường của nhà giáo, nhà khoa học, đối mặt và phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, nhưng cũng từ cơ duyên này, ông đã gắn bó với nghề giáo, với nghiên cứu khoa học. Dần dần, ông có được tình yêu, niềm đam mê và thành công với công việc của mình, trở thành người thầy, nhà khoa học lớn của đất nước.

Cho đến nay, GS Nguyễn Đình Đức đã đào tạo thành công nhiều học trò tài năng, kiên trì bền bỉ làm nên một trường phái khoa học về Vật liệu và kết cấu tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Việt Nam vươn tầm quốc tế. Nhiều học trò của ông cũng đã trở thành giảng viên đại học của các trường đại học lớn trong cả nước.

Dưới sự dìu dắt của thầy, nhiều thế hệ học trò đã thành công, trở thành những nhà khoa học thành danh. Có những em đã giành những giải thưởng danh giá trong ngành Cơ học như giải thưởng Nguyễn Quang Đạo, được Forbes Việt Nam vinh danh. Họ đã tiếp nối sự nghiệp của thầy - truyền nhiệt huyết, thắp sáng ước mơ, lan tỏa tri thức, tình yêu và những điều tốt đẹp tới các thế hệ học trò mai sau.

“Chính học trò là động lực rất lớn cho tôi có được tình yêu với nghề. Mỗi học trò là một cuộc đời, một hoàn cảnh, một hoài bão. Khi các thế hệ học trò tiếp nối hoài bão và lý tưởng của tôi trong học thuật và trong sự nghiệp trồng người - với tôi, đó có thể coi là thành công nhất, tự hào nhất của cuộc đời”, GS Nguyễn Đình Đức tâm sự.

Khi được hỏi về những trăn trở, GS Nguyễn Đình Đức cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã có rất nhiều những chính sách để hỗ trợ phát triển nhân tài, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập với thế giới. Từ bài học của các nước đã đi trước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy, để đất nước phát triển được thì quan trọng nhất ở hai yếu tố đột phá là chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.

“Khoa học công nghệ chính là chiếc đũa thần để đất nước phát triển nhanh chóng và nắm bắt được những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng không là ngoại lệ”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Mong ước, trăn trở lớn nhất của GS Nguyễn Đình Đức là làm sao để giáo dục đào tạo Việt Nam ngày càng nâng cao được chất lượng đào tạo, tạo ra được những con người có tài, có đức, đặc biệt là có hoài bão, có tâm nguyện chấn hưng đất nước.

“Cùng với đó là khoa học công nghệ Việt Nam tiếp tục được đầu tư, quan tâm thỏa đáng với những chính sách quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời, để thế hệ trẻ của Việt Nam có thể đóng góp và mau chóng đưa đất nước ta phát triển vượt bậc, theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới”, GS Nguyễn Đình Đức bày tỏ.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/gstskh-nguyen-dinh-duc-chuyen-thu-vi-ve-nha-khoa-hoc-co-the-nha-bao-2003188.html