GS. TSKH Nguyễn Đình Đức: 'Phổ điểm năm nay hợp lý, môn Toán đã phân hóa trở lại'
SVO - GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) đánh giá phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 bám sát thực tế, đề thi môn Toán đã làm tốt vai trò phân loại thí sinh.
>
Chia sẻ với phóng viên sau khi theo dõi phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Ban đầu, tôi khá bất ngờ, thậm chí có phần sốc. Nhưng khi xem kỹ phổ điểm, tôi lại cảm thấy yên tâm, vì với hoàn cảnh và tâm lý của thí sinh, kết quả này là hợp lý và thực tế”.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội).
Theo GS Nguyễn Đình Đức, điểm đáng chú ý đầu tiên là kỳ thi năm nay không có biến động lớn so với các năm trước. “Tỷ lệ tốt nghiệp vẫn ở mức rất cao, trên 99% như mọi năm. Đây không phải là điều quá bất ngờ, nhưng là cơ sở để phụ huynh, thí sinh và các trường yên tâm”, ông nói.
“Mừng nhất là môn Toán”
GS Nguyễn Đình Đức đặc biệt nhấn mạnh đến phổ điểm môn Toán, môn thi ông đánh giá là có sự phân hóa tốt hơn hẳn so với một vài năm gần đây. “Tôi vui nhất là môn Toán năm nay đã thể hiện đúng vai trò của một môn khoa học tự nhiên, mang tính phân loại rõ ràng”, ông chia sẻ.

Phổ điểm môn Toán từ năm 2022 - 2025.
Theo GS Nguyễn Đình Đức, những năm trước, đề Toán dễ, phổ điểm dồn cao khiến cho việc tuyển sinh, đặc biệt ở các ngành kỹ thuật, gặp khó khăn. “Chúng ta không nên đánh đồng giỏi Toán chỉ là thông minh. Những năm mà đề dễ quá thì không còn thấy được sự phân hóa. Năm nay đề khó hơn, phổ điểm phản ánh rõ sự khác biệt về năng lực”, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức phân tích.
Ngữ văn, Vật lý ổn định – Sinh học giảm mạnh
Môn Ngữ văn tiếp tục là điểm sáng khi các thí sinh làm bài tốt, phổ điểm cao. “Điều đó cho thấy các em không chỉ hiểu văn bản, mà còn thể hiện được cảm xúc, tư duy và khả năng lập luận”, GS Nguyễn Đình Đức nhận xét.

Phổ điểm môn Ngữ văn năm 2025.
Môn Vật lý năm nay không có thay đổi lớn so với năm ngoái, phổ điểm ổn định, số lượng thí sinh tương đương. Tuy nhiên, GS Nguyễn Đình Đức đặc biệt lưu ý đến môn Sinh học. “Điểm trung bình môn Sinh năm nay thấp hơn, số lượng thí sinh thi cũng giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Điều đó cho thấy tâm lý ngại chọn môn Sinh của thí sinh vẫn còn rất lớn”, ông nói.
Môn Sinh vốn là môn có điểm trung bình thấp nhất trong nhiều năm qua. Việc giảm cả về chất và lượng cho thấy những tổ hợp có môn Sinh, đặc biệt là khối B, có thể gặp khó trong tuyển sinh.
Gợi mở về công cụ đánh giá mới
Một đề xuất được GS Nguyễn Đình Đức nêu ra là nên nghiên cứu xây dựng “chỉ số giáo dục tổng hợp”, một công cụ để đo lường, so sánh chất lượng giáo dục giữa các địa phương, không chỉ dựa vào từng môn đơn lẻ.

Phổ điểm môn Vật lý năm 2025.
“Trước đây, tỉnh A có thể đứng đầu về điểm Toán, tỉnh B về điểm Văn, nhưng chưa có chỉ số chung để nhìn toàn cảnh. Cần có một chỉ số tổng hợp để các địa phương điều chỉnh phù hợp, từ đó các trường đại học và Bộ GD - ĐT cũng có cơ sở tham chiếu trong xét tuyển và đánh giá chất lượng”, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức phân tích.
Theo ông, chỉ số này nên tính đến các yếu tố như sự phân bố điểm theo vùng miền, số lượng thí sinh dự thi, độ lệch chuẩn giữa các môn và giữa các tỉnh.
"Kỳ thi năm nay là tín hiệu tích cực"
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD - ĐT trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 một cách an toàn, nghiêm túc và hiệu quả. “So với những kỳ thi trước, năm nay còn có sự tham gia đánh giá không chỉ từ các chuyên gia truyền thống mà còn từ các tổ chức độc lập, cơ quan báo chí, điều này giúp phổ điểm được nhìn nhận đa chiều hơn”, ông nói.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ tại Hội nghị Thông tin phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
“Tôi cho rằng, kỳ thi năm nay mang lại cảm giác vui và yên tâm, là tiền đề tốt để tiếp tục hoàn thiện công tác tuyển sinh và xây dựng chính sách giáo dục hiệu quả hơn trong thời gian tới”, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.