GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng: Người làm nên những kỳ tích y học
Đầu năm 2025, GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng – PGĐ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chính thức trở thành viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS). Tại Việt Nam, đã có các nhà khoa học trong các lĩnh vực toán học, hóa học... được TWAS vinh danh, nhưng với y học, ông là người thứ 2 nhận được vinh dự này.
Nghề chọn người
Gặp ông sau nhiều lần hẹn, nhưng buổi nói chuyện cùng GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng luôn bị ngắt quãng bởi còn nhiều công việc ông cần phải giải quyết. Ông cười hiền hậu: "Cuối năm nên nhiều việc quá, chúng ta chỉ có thể tranh thủ thời gian"...
Đây không phải là lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với ông. Trước đó đã rất nhiều lần sang phỏng vấn, nhưng cũng luôn trong tình trạng "tranh thủ" như vậy, bởi có rất nhiều công việc, nhiều đồng nghiệp, học trò và bệnh nhân... đang chờ ý kiến của ông.
Học hệ phổ thông chuyên ngữ của Hà Nội vào những năm 1978-1981, Nguyễn Thế Hoàng là một trong những học sinh xuất sắc của trường. Thời gian đó, ông cùng các bạn đồng học luôn được tham gia và đã nhiều lần đoạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố. Mặc dù vậy, lúc đó ông cũng chưa định hướng rõ rệt cho con đường nghề nghiệp sau này.
Nhớ về thuở học trò, BS Hoàng kể: Lúc đó tôi cũng chưa định hướng nghề nghiệp cụ thể. Tôi nghĩ mình sẽ thi vào Đại học Bách khoa hoặc Học viện ngoại giao, bởi các bạn trong lớp tôi nói chung đều đăng ký thi vào 2 trường đó. Nhưng qua một buổi nói chuyện với các thầy của Học viện Quân y khi họ về tuyển sinh tại trường lúc đó đã làm tôi suy nghĩ. Khi tâm sự với bố - cũng là một bác sĩ quân y - bố tôi rất mừng và đã động viên: "Nếu con đồng ý lựa chọn và đăng ký thi vào Học viện Quân y thì rất tốt. Môi trường quân đội sẽ giúp con rèn luyện tính kỷ luật cao và tác phong làm việc khoa học. Hơn nữa, gia đình ta cũng là một gia đình có truyền thống ngành y nên đó cũng sẽ là một môi trường tốt cho con phát triển sau này".
Trong gia đình BS.Hoàng, từ ông bà nội đến cha mẹ và chị gái của ông đều theo ngành y. Với lời động viên của bố cùng hình ảnh người lính quân y với hai màu xanh trắng thật đẹp, cậu học trò Nguyễn Thế Hoàng năm đó đã quyết định đăng ký thi vào Học viện Quân y. Và một GS.TSKH, thầy thuốc nhân dân, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học thế giới Nguyễn Thế Hoàng ngày hôm nay đã bắt đầu với nghề y từ lời khuyên đó của bố.
Nói về lựa chọn chuyên ngành ngoại khoa, BS.Hoàng cho rằng, đối với y học thì tất cả các chuyên ngành đều rất quan trọng và rất khó, nhưng ông thực sự thích thú với chuyên ngành ngoại khoa kể từ năm thứ 3 đại học. Lúc này được theo các thầy đi học lâm sàng tại Bệnh viện Quân y 103 và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, anh sinh viên Nguyễn Thế Hoàng tận mắt thấy được những bệnh cảnh chấn thương phức tạp với các tổn thương mất đoạn xương, biến dạng chi thể gây tàn phế cho bệnh nhân...
Những mặt bệnh này chỉ có thể giải quyết và điều trị một cách hiệu quả và triệt để bằng can thiệp ngoại khoa. Hơn nữa, ngành ngoại khoa đòi hỏi người bác sĩ phải có đủ các tố chất cần thiết quan trọng như có kiến thức chuyên khoa vững vàng, có phản xạ lâm sàng nhanh nhạy với tư duy logic, có đôi bàn tay khéo léo và đặc biệt là một trái tim rực lửa nhiệt huyết và có tâm với nghề. Sức hấp dẫn của chuyên ngành ngoại khoa đối với ông cũng bắt đầu từ đó.

BS.Nguyễn Thế Hoàng sau lễ bảo vệ thành công Luận án TSKH cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện ngoại khoa Rechts der Isar, ĐHTH Munich.
Khát vọng tìm những đột phá mới trong điều trị
Khi càng đi vào chuyên ngành ngoại khoa chấn thương chỉnh hình, BS Hoàng lại càng thấy rằng bệnh cảnh lâm sàng là cực kỳ phức tạp và khó chẩn đoán, nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm và đi theo lối mòn sẵn có với những phương pháp kinh điển thì việc điều trị sẽ luôn là chưa đủ. Thực tế cho thấy có rất nhiều những tổn thương mạn tính dù đã được điều trị bài bản suốt trong một thời gian rất dài mà vẫn không thể khỏi, thậm chí là không thể điều trị được và buộc phải xử lý bằng phẫu thuật cắt bỏ gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của bệnh nhân...
Với mong muốn tìm ra những phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao với thời gian điều trị ngắn, BS Hoàng cho rằng việc điều trị cần phải được cá thể hóa để đảm bảo kết quả tối ưu tùy theo từng mặt bệnh cụ thể. Cơ duyên đến với BS Hoàng khi Cơ quan trao đổi Hàn lâm Khoa học Đức (DAAD) cấp cho Việt nam 02 suất học bổng để đi làm nghiên cứu sinh tại Đức và ông chính là một trong 2 nghiên cứu sinh đã được chính phủ Đức lựa chọn để sang học tập và tu nghiệp vào năm 1994.

BS.Nguyễn Thế Hoàng cùng GS. TSKH E. Biemer.
Mang tâm thế ra nước ngoài học tập thì phải cố gắng tiếp thu tối đa những kiến thức, phương pháp và các kỹ thuật tiên tiến, để sau này mang về nước điều trị cho bệnh nhân, BS Hoàng đã luôn cố gắng và nỗ lực không ngừng. Sự chăm chỉ đó của ông đã được các giáo sư hàng đầu tại Đức ghi nhận và trân trọng.
Dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH E. Biemer, Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật tạo hình Cộng hòa Liên bang Đức, BS. Hoàng là một trong số rất ít bác sĩ nước ngoài tới học tại Đức vừa được làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vừa được thực hành lâm sàng trực tiếp trên người bệnh. Việc được trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân cùng các giáo sư và đồng nghiệp Đức chính là một cơ hội rất tốt để giúp cho anh có nhiều điều kiện giao lưu và học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ các bạn đồng nghiệp trong chuyên ngành về vi phẫu thuật và ứng dụng vi phẫu thuật trong dịch chuyển các vạt tổ chức tự do.
Ý tưởng nghiên cứu về một phương pháp điều trị mới cho những khuyết hổng rất lớn và phức tạp - hậu quả từ những chấn thương rất nặng nề trước đó – bằng phương pháp tân tạo tuần hoàn cho các vạt tổ chức được tưới máu ngẫu nhiên đã ra đời từ đó...
Theo GS. Hoàng, với những ca bệnh nặng, khi mà việc điều trị là quá khó khăn và phức tạp thì các bác sĩ chấn thương chỉnh hình có xu hướng lựa chọn cách điều trị theo quy ước an toàn nhất là cắt bỏ chi thể. Tuy nhiên, đây không phải là cách thức mang lại kết quả tốt nhất.
Điều mà ông mong mỏi là bằng những kiến thức và kinh nghiệm điều trị chuyên khoa, làm sao để trả lại tối ưu cả hình thể cũng như chức năng vận động và cảm giác cho bệnh nhân. Để làm được điều đó... cần phải tìm tòi và khám phá ra những phương pháp điều trị mới phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
GS.Hoàng khao khát dựa trên những kiến thức sẵn có, các thầy thuốc Việt Nam sẽ tìm những cách thức điều trị phù hợp nhất cho người Việt Nam và qua đó sẽ có nhiều bệnh nhân được điều trị với chất lượng tối ưu...
Những trái ngọt kết tinh từ tình yêu
Sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ y học tại CHLB Đức năm 1997 và sau đó là luận án Tiến sĩ khoa học năm 2008, BS.Hoàng trở về nước và tiếp tục ứng dụng, hoàn thiện các nghiên cứu của mình. Kết quả của đề tài nghiên cứu về vạt vi phẫu chủ động với cuống tĩnh mạch đơn độc được động mạch hóa - một trong những công trình nghiên cứu do ông đứng đầu - đã được ứng dụng lâm sàng thành công cho rất nhiều bệnh nhân có chấn thương phức tạp mà trước đó chưa có phương pháp điều trị.
Tiếp theo, BS.Hoàng lại tiếp tục phát triển những cách thức điều trị mới trong lâm sàng dựa trên ý tưởng về "Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo ra các tổ chức sống mới tự thân". Chính công trình khoa học này đã giúp ông giành được Giải thưởng khoa học cao quý Friedrich Wilhelm Bessel-Forschungspreis do quỹ học bổng danh giá Alexander von Humboldt (CHLB Đức) trao tặng và được trực tiếp vinh danh bởi Tổng thống Đức Joachim Gauck năm 2013.
Những ca phẫu thuật ấn tượng mà ông đã thực hiện thì rất nhiều, không chỉ gây ra sự kinh ngạc trong ngành chấn thương chỉnh hình trong nước mà còn ấn tượng rất lớn đối với quốc tế. Trong đó không thể không nhắc đến trường hợp của "Hoàng tử ếch" N.V.H. 28 tuổi. Bệnh nhân có đôi chân bị dị dạng, cong queo như rễ cây, lệch nhau về chiều dài lên tới 20cm. Đây là ca bệnh chưa từng được ghi nhận trong y văn trên thế giới và rất nhiều nơi khẳng định không thể điều trị được, kể cả đoàn bác sĩ chấn thương chỉnh hình của Mỹ sang Việt Nam cũng lắc đầu khẳng định không thể phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân đã được BS.Hoàng và các bác sĩ của Viện CTCH BVTWQĐ 108 phẫu thuật vào những ngày cuối năm 2018 bằng ứng dụng kỹ thuật và máy móc hiện có của bệnh viện. Ca phẫu thuật đã "lột xác" và giúp H. có được đôi chân khỏe mạnh và trở lại một cuộc sống bình thường...
Nói về những công trình khoa học đáng chú ý, GS. Hoàng cho biết, khởi đầu chính là công trình về "Tân tạo tuần hoàn cho các tổ chức được tưới máu ngẫu nhiên để tạo ra các vạt dạng trục mạch". Ý tưởng của công trình này là thay đổi hệ tuần hoàn ở một vùng bất kỳ, biến một vạt tổ chức không dịch chuyển được vi phẫu thành các vạt vi phẫu đáp ứng đầy đủ và tối ưu theo các yêu cầu trong điều trị lâm sàng. Khi đề xuất ý tưởng này, ngay cả các đồng nghiệp ở Đức cũng đã rất kinh ngạc về tính mới và tính đột phá của phương pháp. Sau khi nghiên cứu thành công, phương pháp đã được ứng dụng hiệu quả trên rất nhiều ca bệnh lâm sàng. Những kết quả nghiên cứu về đề tài này đã được GS. Hoàng công bố trong các tạp chí y văn thế giới uy tín (phần lớn là các tạp chí ở mức Q1).
Nghiên cứu thứ 2 mà ông cũng rất tâm đắc và đã bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 là "Tạo tổ chức sống mới có cấu trúc không gian 3 chiều ứng dụng kỹ thuật tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào". Đây là một công trình khoa học đa chuyên ngành, mở ra những tiềm năng rất lớn trong y học tái sinh. Những kỹ thuật phụ trợ liên quan đến in 3D để tạo ra các tổ chức sống mới nhân tạo cũng đã bắt đầu được phôi thai từ những ý tưởng đó. Kết quả của công trình nghiên cứu khoa học này cũng đã được công bố rộng rãi trên rất nhiều các bài báo quốc tế.

GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng cùng bệnh nhân ghép chi thể đầu tiên tại Việt Nam.
Công trình nghiên cứu mà GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng tâm đắc thứ 3 là ghép chi thể. Tháng 7/2008, GS.Hoàng là một trong 5 phẫu thuật viên chính đã thực hiện thành công ca mổ ghép hai cánh tay đồng thời đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich. Đó là ca phẫu thuật ghép cho một bệnh nhân bị cụt cả hai cánh tay từ 5 năm trước đó do tai nạn lao động. Ca mổ đã thu hút sự quan tâm, theo dõi rộng rãi của các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế. Thành công của ca phẫu thuật đó đã cứu cả cuộc đời cho bệnh nhân bởi sau khi được cấy ghép cả 2 cánh tay, bệnh nhân đã có thể trở lại với một cuộc sống hoàn toàn bình thường, tiếp tục quay trở lại nghề cũ của mình là lái xe gặt đập.
Sau thành công của ca mổ được cả thế giới biết đến nói trên, ông trở về Việt Nam, mang theo một ấp ủ: Giúp những bệnh nhân Việt Nam không may bị cụt chân tay tìm lại được sự toàn vẹn và chức năng vận động bình thường của chi thể thông qua phép màu ghép tạng. Hàng chục năm qua, mặc dù BVTWQĐ 108 đã thực hiện hàng ngàn ca trồng lại chi thể đứt rời tự thân, tuy nhiên ghép chi thể thực sự vẫn là một thách thức chưa thể vượt qua do có quá nhiều rào cản, mà đặc biệt là nguồn ghép từ người hiến.
Mãi đến đầu năm 2020, ca ghép chi thể đầu tiên cho bệnh nhân tại Việt Nam đã được thực hiện thành công. Đây cũng là ca ghép chi thể đầu tiên ở Đông Nam Á và cũng là ca ghép thành công chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống theo nghĩa sử dụng phần thừa còn nguyên lành của một đoạn chi thể đã bị đứt rời, không còn khả năng trồng lại và bắt buộc phải cắt cụt để ghép vào phần chi thể tương ứng bị cụt của bệnh nhân nhận ghép. Người nhận ghép là một bệnh nhân bị tai nạn lao động bị cụt 1/3 cẳng tay dưới từ 4 năm trước. Sau 4 năm chờ đợi, bệnh nhân đã có được một cẳng tay hoàn toàn mới giống như mơ ước.
Tiếp đó, ca ghép đồng thời cả 2 cẳng tay (vào tháng 9/2020) và sau đó là ghép đồng thời cả 2 cánh tay (vào tháng 2/2024) cũng đã được thực hiện thành công từ người cho chết não. Người được ghép là các bệnh nhân nam, 18 tuổi và 19 tuổi bị cụt chi thể do tai nạn từ 3 và 4 năm trước đó. Đây là những ca ghép đồng thời cả 2 cẳng tay và 2 cánh tay đầu tiên ở Đông Nam Á và là cũng ca ghép đồng thời cả 2 cánh tay thứ 7 trên thế giới từ người cho chết não.
Cả 2 bệnh nhân được ghép chi đều đã có thể sử dụng được chi ghép một cách khéo léo trong hầu hết các hoạt động hàng ngày. Cho đến nay, GS. Hoàng đã cùng các bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 đã thực hiện thành công 4 trường hợp ghép chi với kết quả hồi phục chức năng tốt một cách đáng kinh ngạc.
Cảm ơn những người thầy và những bệnh nhân
Gặp ông lần đầu vào năm 2013, lúc đó ông mới được nhận Giải thưởng nghiên cứu khoa học Quốc tế Friedrich Wilhelm Bessel của Quỹ Hàn lâm Khoa học Đức Alexander Von Humbold dành cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc và có tính đột phá khoa học. Tại thời điểm đó, ông chính là người Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ 4 giành được giải thưởng cực kỳ danh giá này. Ấn tượng của tôi về BS.Hoàng trong lần gặp ấy là một người lịch thiệp, nho nhã, nhưng có vẻ hơi e ngại đối với báo chí.
Tuy nhiên, trong những buổi làm việc tiếp theo, ông đã trở nên cởi mở hơn và rất bình dị, khiêm tốn mặc dù có thể nói danh tiếng của ông đã "nổi như cồn". Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hình, ông không chỉ nổi tiếng ở trong nước. Với hàng loạt các công trình nghiên cứu khoa học mang tính đột phá cũng như ứng dụng lâm sàng cao, những ca bệnh hiếm và cực khó, thậm chí là chưa từng có tiền lệ trong y văn thế giới, ông đã giúp điều trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân thông qua những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của mình.
Tôi thắc mắc: Là bác sĩ ngoại khoa giỏi, điều trị thành công những ca bệnh thường gặp cực kỳ phức tạp đã là điều mơ ước của nhiều bác sĩ rồi. Vì sao ông lại thích đương đầu với những ca bệnh hiếm lạ, hoặc những ca bệnh đòi hỏi phải dùng nhiều tâm trí để nghiên cứu mới tìm ra biện pháp điều trị mang lại hiệu quả?
BS.Nguyễn Thế Hoàng cười hiền hậu giải thích rằng: Đó không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm và là khát vọng của một người thầy thuốc luôn mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân.
GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng: Đương đầu với những ca bệnh khó không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm và là khát vọng của một người thầy thuốc luôn mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân.
Nhìn về những thành quả đạt được, GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng cảm thấy mình là một người may mắn. Trước hết là ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Cả ông bà nội và ông bà ngoại của BS Hoàng đều là những thầy thuốc Đông y có danh tiếng. Bố của ông là BSCK2. TTƯT. Nguyễn Thế Trang, nguyên là Giám đốc Bệnh viện quân y 559 và sau này là Giám đốc bệnh viện Quân y 105. Đây là những tấm gương để ông luôn nỗ lực noi theo và phấn đấu. Khi vào học tại Học viện Quân y, ông lại được những người thầy ưu tú, luôn tâm huyết với nghề dìu dắt và chỉ bảo. Trong đó có những người thầy mà ông vô cùng ngưỡng mộ như cố GS.TSKH. Nguyễn Văn Nhân, cố GS.TSKH. Nguyễn Huy Phan... "Đây là những người thầy vĩ đại, là những tấm gương sáng mà tôi luôn cố gắng noi theo" – GS.Hoàng chia sẻ.
Nói về gia đình nhỏ của mình, mắt ông sáng lên, nhưng giọng lại trầm xuống: Trong những ngày đầu khi phải đi học xa nhà, những lúc mải miết với đề tài nghiên cứu khoa học cũng rất may là có vợ - cũng là một bác sĩ quân y - đã luôn thấu hiểu, động viên và ủng hộ. Suốt những năm tháng ấy vợ tôi đã gánh vác mọi việc và khắc phục mọi khó khăn vất vả để chồng yên tâm học tập. Kết quả ngày hôm nay phần nào đã đền đáp và bù đắp cho những ngày vất vả đó.
Đến nay, con gái duy nhất của ông cũng đã lựa chọn trở thành bác sĩ ngoại khoa, tiếp nối chuyên ngành vi phẫu thuật tạo hình của bố mặc dù biết rằng sẽ rất vất vả và cần rất nhiều động lực để công hiến cho nghề giống như bố mẹ mình. Ông nở nụ cười mãn nguyện, tự hào: Thế là trong gia đình tôi đến nay đã có 4 đời nối tiếp nhau làm nghề y.
GS Hoàng chia sẻ: Việc được trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới là một vinh dự, là niềm tự hào bởi quá trình xét chọn không hề dễ dàng. Nhưng ông lại một lần nữa cho rằng mình đã rất may mắn khi được sang CHLB Đức học tập, được làm học trò của GS. TSKH. E. Biemer. Chính điều này đã mở ra cho ông rất nhiều cơ hội để học tập về cách thức tư duy và cách làm khoa học. Theo ông, tại Việt Nam có không ít những nhà khoa học tài năng, với rất nhiều cống hiến lớn lao nhưng vô cùng thầm lặng. Những nhà khoa học này thực sự đã có những đóng góp lớn lao và rất có giá trị cho nền khoa học nước nhà và kho tàng khoa học thế giới.
GS.Hoàng một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt quan trọng của những người thầy. Những người thầy tài năng, đức độ và tâm huyết chính là những viên gạch đã tạo nên một nền móng vững chắc cho một đại lộ khoa học thênh thang mà ông và những người nhà khoa học khác đang may mắn được bước đi trên con đường đó.
Ông cũng muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả các bệnh nhân. Theo ông, không có bệnh nhân thì cũng không có các bác sĩ giỏi và vì thế y học cũng không thể phát triển được.
Đặc biệt, ông cảm thấy mình rất may mắn khi được làm việc trong môi trường khoa học thuận lợi như tại BVTWQĐ 108. Ban Giám đốc Bệnh viện với những chính sách khuyến khích, đầu tư phù hợp cho việc đào tạo các thế hệ trẻ tiếp theo đang là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. "Tôi mong muốn rằng các thế hệ tiếp sau sẽ không chỉ kế thừa thành tựu của người đi trước, mà còn luôn mong rằng họ sẽ giỏi hơn thế hệ chúng tôi để qua đó, sẽ có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính đột phá, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền y học nước nhà và kho tàng y học thế giới".
Viện hàn lâm Khoa học thế giới, viết tắt theo tiếng Anh là TWAS (The World Academy of Sciences) là một tổ chức phi chính phủ quốc tế thuộc UNESCO, quy tụ hơn 1.400 nhà khoa học xuất sắc từ hơn 100 quốc gia và đại diện cho khoảng 130 Viện hàn lâm Khoa học trên toàn thế giới.
Năm 1994, GS.TS. Nguyễn Huy Phan là người đầu tiên trong lĩnh vực y học của Việt Nam được TWAS vinh danh. GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng trở thành người thứ 2 trở thành viện sĩ của TWAS vì sự tiến bộ khoa học ở các nước đang phát triển.
Cùng với GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng, GS.TS.Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó giám đốc Trường đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng được bầu là viện sĩ TWAS.