GS Vũ Khiêu: 'Không có bản báo công nào ghi hết thành tích của GS. Hoàng Chương'
Đó là lời nhận xét của GS. AHLĐ Vũ Khiêu dành tặng GS. Hoàng Chương, người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Người thổi lửa cho tuồng, cải lương, chòi…
Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu không ai không biết GS. Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu văn hóa dân tộc. Ông là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. Gia sản của ông là những công trình nghiên cứu đồ sộ trải rộng ở nhiều lĩnh vực của nghệ thuật truyền thống.
GS. Hoàng Chương kể, ông sinh ra ở Bình Định - mảnh đất địa linh nhân kiệt, được xem là “cái nôi” của võ thuật và nghệ thuật tuồng. “Bình Ðịnh là quê hương của những danh nhân tuồng nổi tiếng Ðào Duy Từ, Ðào Tấn, Nguyễn Diêu... Từ lúc nhỏ, tôi đã đi xem hát bội, bài chòi, xem diễn chèo và không biết tự lúc nào cảm thấy say mê với từng làn điệu, từng câu hát”.
Chính niềm đam mê này đã thôi thúc chàng trai trẻ Hoàng Chương ở tuổi 15 thi vào trường âm nhạc tỉnh, rồi tham gia vào thiếu sinh quân và Đoàn văn công Liên khu V sau đó theo học trường Đại học Sân khấu Liên Xô (1962 - 1964), làm nghiên cứu sinh ở Rumani. Đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, GS. Hoàng Chương hiểu, văn hóa dân tộc là thứ quý giá.
Với quan niệm “Một quốc gia không có văn hóa thì quốc gia đó sẽ không tồn tại”, GS. Hoàng Chương dành cả cuộc đời để tìm tòi, nghiên cứu, bảo vệ những di sản nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch: bài chòi, ca Huế, ví dặm, nghệ thuật Chăm…
Trong hơn 60 năm làm việc không mệt mỏi, gia sản của ông là hơn 20 công trình nghiên cứu. Có thể kể ra những công trình tiêu biểu như: “Những vấn đề sân khấu truyền thống, “Bài chòi và dân ca Liên khu 5”, “Nghệ thuật tuồng Bắc”, “Tuồng và võ thuật dân tộc...”.
Ngoài ra, GS. Hoàng Chương còn là người chủ trì, chủ biên nhiều công trình cấp bộ về văn hóa dân tộc, tổ chức các hội thảo có được nhiều tiếng vang trong và ngoài nước như “Tuồng với đề tài nước ngoài”, “Văn học nghệ thuật với đề tài Tây Sơn”…
Không chỉ đắm mình cùng nghệ thuật, GS. Hoàng Chương còn dành thời gian để viết và xuất bản hơn 20 đầu sách và hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu về nghệ thuật dân tộc, ca ngợi những bậc hiền tài. Ông cũng tham gia tích cực vào việc phát hiện, bảo vệ, tôn vinh những di sản văn hóa dân tộc cùng những công trình mới như múa rối nước, quan họ, bài chòi, hát xẩm...
Được ví như cánh chim không biết mệt, ông còn tham gia trực tiếp phục hồi thành công nghệ thuật Bài chòi trên miền Bắc, sau 35 năm vắng bóng; phục hồi hát xẩm Hà thành, thực hiện tuyển tập kịch bản 1.300 trang về Bình Ðịnh - Tây Sơn với Thăng Long - Hà Nội…
Ông tâm sự, muốn bảo nghệ thuật truyền thống, đầu tiên phải có vốn kiến thức. Tuy nhiên, đó là “kiến thức chết”. Muốn hiểu tuồng, chèo, cải lương… đang ở đâu trong xã hội đương đại, ông phải đi xem vở diễn ở rạp, xem ở các liên hoan, hội diễn, đồng thời còn phải điều tra xã hội học qua nhiều luồng... Đó không phải là công việc dễ dàng.
Tuy nhiên, ông cho rằng bởi say mê và trách nhiệm nên thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng. Và như thế, trong hơn 60 năm đắm mình trong nghệ thuật truyền thống, thành công nối tiếp thành công, đóng góp nối tiếp đóng góp.
Nhận xét về tấm gương hoạt động vì nghệ thuật của GS. Hoàng Chương, NSND Đặng Nhật Minh khẳng định: GS. Hoàng Chương là một người hiếm. Mặc dù có gia tài khoa học đồ sộ, sự nghiệp lừng lẫy, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, hăng say công hiến. “Tôi thật sự khâm phục sức khỏe, cũng như ý chí, nghị lực phi thường của ông dành cho sự nghiệp giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Cảm kích trước tâm huyết của GS. Hoàng Chương với nghệ thuật dân tộc, trong dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, GS.AHLĐ Vũ Khiêu đã tặng GS. Hoàng Chương câu đối: “Ngàn năm văn hiến 5 năm bút/ Mỗi nét từ Chương mỗi nét vàng”.
Đưa nghệ thuật truyền thống vươn xa
Không chỉ khát khao bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, GS. Hoàng Chương còn tìm mọi cánh để nghệ thuật dân tộc “bay” ra thế giới. Ý thức được điểu này, nên ông thường xuyên dẫn đoàn nghệ thuật truyền thống của mình tham gia biểu diễn liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế các nước trên thế giới (1994, 1995 ở Anh và Rumani), năm 2009 tại Nhật Bản. Năm 2002, 2015 ở Đức, ở Pháp, 2010, 2011, 2012, 2016 ở Mỹ...
Ông cũng thúc đẩy gặp mặt, tọa đàm với tham tán văn hóa một số nước trong khu vực, châu Âu, đặt mối quan hệ với các tổ chức âm nhạc dân tộc Việt Nam ở một số nước như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Rumani... để thúc đẩy giao lưu và hợp tác văn hóa.
Ông cũng đã tổ chức các hội thảo gây tiếng vang trong và ngoài nước, như hội thảo quốc tế âm nhạc và sân khấu truyền thống Việt Nam và thế giới, nghệ thuật truyền thống Đông Nam Á...
Thậm chí, ông còn tích cực tham gia giảng dạy, diễn thuyết ở khắp các nơi trên thế giới. Với biệt tài vừa diễn thuyết vừa biểu diễn, cách “kể chuyện” của ông rất thu hút bạn bè quốc tế.
Khi ông sang Mỹ, sang Pháp để giảng bài, học viên đều hứng thú. Tại sân khấu ở Paris – Pháp, Tết năm 2015, ông đã diễn lớp Bài chòi cổ "Ông xã – Bà đội", một người đóng hai vai, được người xem nhiệt liệt hoan nghênh, và từ đó biết nhiều đến các loại hình nghệ thuật Việt Nam.
Ông tâm sự: Tôi đam mê trọn đời với nghệ thuật truyền thống như là tuồng, bài chòi, không ngừng gìn giữ và phát huy nó không chỉ ở trong nước mà còn ngoài nước để bạn bè quốc tế hiểu và càng trân trọng hơn nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.