Guardian: Nghiên cứu tàu cá Trung Quốc, chuyên gia 'sốc' vì một số liệu gấp hơn 50 lần Mỹ
Hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc trên các vùng biển khắp thế giới đang trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường.
Đoàn tàu số lượng lớn
Mới đây, tuần tra biển Ecuador đã phát hiện một số lượng lớn tàu Trung Quốc ở ngay rìa quần đảo Galapagos. Với đoàn tàu 340 chiếc "càn quét" vùng biển di sản, Trung Quốc đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ người dân Ecuador và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Dưới áp lực của Ecuador, Trung Quốc đã đưa ra tín hiệu trái chiều về đoàn tàu đánh cá của nước này ở các vùng biển quốc tế. Đại sứ quán Trung Quốc ở Ecuador tuyên bố chính sách "không khoan nhượng" đối với hoạt động đánh cá trái phép, và trong tuần này khẳng định sẽ siết chặt và đưa ra thêm các quy định mới cho các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc.
Tuy nhiên, Guardian dẫn lời chỉ huy hải quân địa phương Darwin Jarrin cho biết hiện tại vẫn có tới 325 trong số 340 tàu của Trung Quốc vẫn ở lại vùng biển gần Ecuador, trong đó một nửa số tàu liên tục tắt tín hiệu liên lạc vệ tinh - phá vỡ quy định của các tổ chức quản lý đánh bắt cá trong khu vực. Điều này phản ánh phần nào sự khó khăn của các nước nhỏ trong việc phản đối hoạt động đánh bắt cá "hung hăng" của tàu Trung Quốc.
Theo Guardian, Trung Quốc có số lượng tàu đánh cá lớn nhất thế giới. Những đoàn tàu này đã tiếp cận hàng loạt vùng biển trên thế giới - từ vịnh Guinea ở châu Phi cho tới khu vực bán đảo Triều Tiên - và tắt tín hiệu liên lạc để tránh bị phát hiện, làm cạn kiệt nguồn cá và đe dọa an ninh lương thực của các quốc gia nghèo.
Trong tuần này, Trung Quốc đã đưa ra quy định mới bao gồm phạt nặng với các công ty và thuyền trưởng có liên quan tới hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhưng các nhà bảo vệ môi trường quản lí vùng Galapagos đang bày tỏ sự hoài nghi về vấn đề này.
"Ngoài thông báo đơn phương này, mọi thứ vẫn như cũ. Những tàu cá vẫn hoạt động mà không có người giám sát trên tàu, chúng không quay trở lại cảng, tàu con chuyển hải sản bắt được cho tàu mẹ và sau đó tàu mẹ chuyển tới các cảng khác. Vậy nên, nói một cách ngắn gọn, tàu cá Trung Quốc vẫn đánh bắt liên tục và không hề dừng," Pablo Guerrero, giám đốc bảo tồn biển của tổ chức WWF ở Ecuador, cho biết.
Trung Quốc có một hệ thống tàu đánh cá lớn và phức tạp. Ông Guerreo cho biết, trong số hàng trăm tàu cá có các tàu chở nhiên liệu, tàu cá, tàu lương thực, tàu đông lạnh, thậm chí có một số tàu không đăng kí để ngụy trang.
Số lượng bất ngờ
Tổ chức phi chính phủ Global Fishing Watch và Viện phát triển Nước ngoài (ODI) đã sử dụng công nghệ tiên tiến và phân tích dữ liệu sẵn có để xác định số lượng và quy mô các đoàn tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc.
Theo ODI, Trung Quốc có tới 16.966 tàu cá, gấp 5 lần ước tính trước đó. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 300 tàu đánh cá ở các vùng biển xa bờ, chỉ bằng "1 góc nhỏ" so với số lượng tàu Trung Quốc.
Năm 2017, Bắc Kinh thông báo sẽ giới hạn quy mô số tàu đánh cá xa bờ là 3.000 tàu trong năm 2020.
"Chúng tôi khá sốc vì kết quả này bởi chúng tôi chỉ dự đoán con số khoảng 4.000 tới 5.000 tàu," Miren Gutierrez, tác giả của báo cáo, cho hay.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy Trung Quốc đã hỗ trợ tàu đánh cá xa bờ rất nhiều, chủ yếu miễn thuế nhiên liệu với tổng giá trị lên tới 16,6 tỉ USD hàng năm.
"Vấn đề nằm ở chỗ, các hoạt động khai thác cá quá mức này không phạm pháp bởi chúng diễn ra ở vùng biển quốc tế. Hầu hết các tàu cá này đều là tàu đánh cá bằng lưới rà - vốn bị cấm ở vùng biển Trung Quốc và là nguyên nhân gây tổn hại nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển khi lưới được kéo sát đáy biển. Một số thuyền khác được thiết kế để bắt cá lớn như cá ngừ, cá mập, mực và thường hoạt động ở vùng biển sâu," Gutierrez nói.
Tại các vùng biển xa bờ xung quanh Trung Quốc, các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp và có hành vi hung hăng khi đối diện với các tàu cá nước khác hoặc gặp tàu tuần tra nước ngoài.