Gửi hồ sơ đề cử 'Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc' tới UNESCO đề nghị công nhận là di sản thế giới
Ngày 29/9, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc gửi hồ sơ đề cử 'Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc' tới UNESCO để đề nghị công nhận và ghi danh vào danh mục di sản thế giới.
Theo đó, đồng ý giao Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký hồ sơ đề cử gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước Di sản thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Trong đó, Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương là một mắt xích không thể thiếu trong mạng lưới hệ thống di tích Phật giáo Trúc Lâm, nơi còn lưu giữ trong mình lớp lớp trầm tích của văn hóa Việt Nam. Đây còn là cầu nối giữa kinh đô Thăng Long với Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm. Từ đó, dòng thiền Trúc Lâm phát triển, bao phủ rộng rãi...
Mang trong mình những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, cách đây 10 năm, ngày 20/12/2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 10766/VPCP- KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang lập hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử”, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới”.
Ngày 30/1/2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 768/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi báo cáo tóm tắt đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương” tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO để đề nghị xem xét, đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới... Từ đó đến nay, UBND 3 tỉnh đã có hàng trăm cuộc họp bàn với các bộ ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế để lấy ý kiến, xây dựng hồ sơ. Qua rất nhiều lần đổi tên, hiện nay hồ sơ mang tên chính thức là hồ sơ "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc".
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương (tháng 3/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân. Hải Dương khẩn trương phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận "Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hình thành chuỗi di sản và phát huy tốt nhất giá trị các di sản.
Được biết, sau khi hồ sơ được trình UNESCO, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - là tổ chức tư vấn độc lập sẽ cử chuyên gia đánh giá, sau đó khuyến cáo, nếu cần thiết sẽ tiếp tục phải chỉnh sửa, bổ sung.
Để “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trở thành di sản thế giới còn là một chặng đường rất dài, song với việc gửi hồ sơ tới UNESCO là một bước tiến rất quan trọng của 3 tỉnh. Đây là một bước tiến thành công trong hành trình quần thể di tích và danh thắng trở thành di sản của nhân loại. Bước tiến này càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào thời điểm Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc (lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) được tổ chức.
Theo kế hoạch, hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” sẽ trình lên UNESCO trước ngày 30/9/2023. Hồ sơ chính thức “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” sẽ được trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12 năm nay.