Gửi tiền ngân hàng vốn ngoại hay trong nước lãi suất tốt hơn?
Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng 100% vốn nước ngoại hiện thấp hơn rất nhiều so với nhóm ngân hàng trong nước, ở một số kỳ hạn còn thấp hơn cả 4 ngân hàng quốc doanh.
Tết Nguyên đán 2024 đến gần, nhu cầu gửi tiền của người lao động cũng tăng cao khi các khoản thưởng Tết và tiền lương tháng 13 được doanh nghiệp chi trả. Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục sụt giảm từ cuối năm 2023 đến nay, không còn nhiều lựa chọn cho khách hàng nếu muốn hưởng lãi suất cao từ kênh tiền gửi ngân hàng.
Theo khảo sát, hiện các ngân hàng thương mại trong nước quy mô vừa và nhỏ vẫn đang chi trả mức lãi suất tiền gửi tốt hơn so với mặt bằng chung của hệ thống. Thậm chí, lãi suất tại nhóm nhà băng này hiện cao gấp nhiều lần mức lãi suất tiền gửi mà các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đưa ra.
Với kỳ hạn ngắn 1-5 tháng, nếu gửi vào nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài, mức lãi suất khách hàng cá nhân nhận được hiện chỉ vào khoảng 0,5-2%/năm. Trong đó, Standard Chartered chỉ chấp nhận chi trả lãi suất 0,5-1,5%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn này. Tương tự, mức lãi suất tại UOB cũng chỉ dao động quanh 1-1,5%/năm và HSBC trả 1-2,25%/năm...
Tại kỳ hạn này, nếu gửi tiền vào nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV hay Agribank, mức lãi suất khách hàng cá nhân nhận được cũng chỉ vào khoảng 1,7-2,5%/năm, cũng thuộc nhóm thấp nhất thị trường.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân quy mô lớn như MB, Sacombank, VPBank, Tecombank, ACB... hiện đều trả lãi suất dưới 4%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn này. Tương tự, HDBank đưa ra mức lãi suất 2,95-3,45%/năm cho các khoản tiền gửi 1-5 tháng, tùy hình thức gửi tại quầy hay online.
Nếu muốn nhận lãi suất trên 4%/năm, khách hàng có thể gửi tiền tại các ngân hàng quy mô nhỏ như CBBank (4,3%/năm); NCB (4,25%/năm); VietABank (4,2%/năm); BaovietBank (4,15%/năm); SeABank và NamABank (cùng ở 4%/năm)...
- Dải lãi suất tiền gửi tại các nhóm ngân hàng hiện nay (%/năm):
Với kỳ hạn 6-11 tháng, các ngân hàng 100% vốn ngoại vẫn là nhóm đưa ra mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường, phổ biến ở dưới 3%/năm. Số ít chi trả cao hơn mức này là Public Bank, CIMB Bank cùng ở 4,6%/năm.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank là đại diện trả lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này với mức 3%/năm, trong khi VietinBank, BIDV và Agribank chi trả mức 3,5%/năm.
Còn với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất cao nhất hiện cũng không vượt quá 6%/năm. Trong đó, NCB trả 5,35%/năm; HDBank trả 5,3%/năm; hay VietBank, BacABank, BaovietBank, CBBank cùng trả mức 5,1%/năm.
Kỳ hạn tiền gửi 12 tháng từng ghi nhận xu hướng cạnh tranh lớn giữa các ngân hàng trong hệ thống hồi đầu năm 2023 khi một số ngân hàng đưa mức lãi suất lên xấp xỉ 10%/năm. Tuy nhiên đến nay, mức lãi suất cao nhất khách hàng cá nhân nhận được ở kỳ hạn tương tự chỉ còn trên 6%/năm và cũng chỉ có khoảng 4-5 nhà băng chấp nhận đưa ra mức lãi suất này.
Trong đó, lãi suất cao nhất thị trường ở kỳ hạn 12 tháng hiện thuộc về HDBank với 6,3%/năm. Theo sau là NamABank, PGBank cùng trả 6,1%/năm; NCB trả 6%/năm…
Nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tiếp tục ghi nhận mức lãi suất huy động cực thấp ở kỳ hạn này. Trong đó, Standard Chartered Bank trả 3,3-4,1%/năm; HSBC trả 3,75%/năm; Hong Leong Bank trả 3,9%/năm… Một vài nhà băng trong nhóm này chi trả cao hơn có UOB (4,3%/năm); Shinhan Bank (4,8-5%/năm); Public Bank (5,3-5,5%/năm).
Trong khi lãi suất tại nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lần lượt là 4,7%/năm ở Vietcombank và 5%/năm ở BIDV, VietinBank và Agribank.