Gương mẫu, đi đầu chống thông tin xấu độc
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, khi phóng viên đề cập đến việc Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố thêm một số bị can trong vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác được pháp luật bảo đảm.
Thế nhưng, việc phát ngôn, bình luận, đăng tải, chia sẻ thông tin phải tuân thủ quy định pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trên không gian mạng.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều người dân thường xuyên truy cập vào Internet, mạng xã hội vừa để tìm kiếm thông tin, vừa giải trí. Lợi dụng thói quen này, một số đối tượng xấu, cơ hội chính trị đã đăng tải nhiều thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của tổ chức, cá nhân, nhất là những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương. Gần đây, khi một số cán bộ, đảng viên ở T.Ư và tỉnh bị phê bình, kỷ luật, các đối tượng phản động đã tung tin lên mạng xã hội mang tính suy diễn, quy chụp, nào là “còn nhiều trường hợp vi phạm chưa bị phanh phui”, “xử lý như vậy là nhẹ, còn bao che”… Qua đây, chúng lái công chúng tin theo, để rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có suy nghĩ, thái độ không đúng đắn về Đảng, chế độ, về cấp ủy, chính quyền địa phương; tạo ra sự mất đoàn kết, nghi kỵ trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Đấu tranh với những hành vi trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp. Đơn cử như ở Đảng bộ TP Bắc Giang, nhiều chi bộ phân công những đảng viên trẻ tham gia báo xấu, những đảng viên có tuổi thì chia sẻ thông tin tích cực lên mạng xã hội. Huyện Hiệp Hòa thành lập câu lạc bộ lý luận trẻ, nòng cốt là các cán bộ, đảng viên trẻ tham gia bình luận, đấu tranh với những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội…
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thiếu bản lĩnh, tin theo, từ đó có những bình luận theo kiểu a dua hoặc chia sẻ vào các hội nhóm trên mạng xã hội. Những hành vi trên là cực kỳ nguy hiểm, vô tình tiếp tay, “hà hơi” cho những phần tử cơ hội, phản động càng có điều kiện chống phá Đảng, chế độ ta.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, cần phát huy vai trò, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác này. Trước mắt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 16/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên quan tâm chia sẻ thật nhiều thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt lên mạng xã hội, với chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “pha loãng” thông tin xấu độc, tiêu cực, không cho các loại “cỏ dại” có cơ hội phát triển.
Nam Bình