Gương mẫu trong hoạt động tại địa phương
Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt, xã hội mới tốt. Với suy nghĩ ấy, chị Nguyễn Thị Đào, Chủ tịch Hội LHPN xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, tham gia công tác xã hội tại địa phương.
* Vươn lên phát triển kinh tế gia đình
Theo chia sẻ của chị Đào, sau khi kết hôn, 2 vợ chồng chị được gia đình chồng cho hơn 200m2 đất. Lúc ra riêng, 2 vợ chồng chị dựng một căn nhà nhỏ khoảng 12m2 lấy chỗ che mưa che nắng. Chồng chị từ khi còn nhỏ từng bị tai nạn, đôi chân yếu, không thể làm được việc nặng. Vì vậy, sẵn trong gia đình có người làm nghề nuôi ong lấy mật, mảnh đất Long Khánh lại được coi là “thủ phủ” của các loại cây ăn trái nên chị Đào đã chọn mô hình nuôi ong lấy mật để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn ban đầu 50 triệu đồng vay mượn từ anh em, bạn bè gom góp giúp đỡ, chị đầu tư 50 đàn ong. Theo lời kể của chị Đào, ban đầu nuôi ong chưa có kinh nghiệm, vợ chồng chị từng thất bại nhưng chính những thất bại ấy đã cho chị bài học để chị có được thành công như hiện nay. Sau 5 năm, đàn ong của gia đình chị đã tăng gấp 3 lần so với số đàn ong ban đầu.
Ông Chử Đức Hương, Chủ tịch HĐND xã, Thường trực Đảng ủy xã Hàng Gòn cho biết, chị Nguyễn Thị Đào là người nhiệt tình, trách nhiệm với công việc; là đảng viên gương mẫu, luôn thẳng thắn đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt chi bộ mà không sợ đụng chạm hay mất lòng.
Bên cạnh kỹ thuật nuôi ong, đầu ra của sản phẩm cũng là một khó khăn. Chị Đào đã tự tìm đầu ra bằng việc đi chào hàng, cho khách dùng thử, tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị. Từ nhu cầu của khách hàng về thông tin sản phẩm, chị Đào bắt đầu xây dựng thương hiệu mật ong hoa chôm chôm Long Khánh. Ngoài các sản phẩm mật ong nguyên chất, chị Đào tìm tòi nghiên cứu và từng bước tạo ra các sản phẩm phối hợp với mật ong để chăm sóc sức khỏe như: chanh đào mật ong, dâu tằm mật ong, gừng mật ong, tỏi mật ong… Ngoài các sản phẩm chế biến từ mật ong, chị còn liên kết và cho ra đời sản phẩm tinh bột nghệ, bột ca cao. Đến nay, hầu hết mật ong nguyên chất và các sản phẩm phối hợp với mật ong đều được chị cung cấp đến tay khách hàng thông qua 13 đại lý trên cả nước.
Từ năm 2019, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, được Sở KH-CN, Phòng Kinh tế TP.Long Khánh và UBND xã Hàng Gòn hỗ trợ, cơ sở của chị đã có được giấy phép kinh doanh và thành lập Tổ hợp tác Nuôi ong xã Hàng Gòn với 11 thành viên. Từ tháng 10-2020, đã nâng cấp thành HTX nông nghiệp nuôi ong - thương mại dịch vụ Hàng Gòn.
* Là điểm tựa của hội viên phụ nữ
Từ năm 2000, mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, song được sự vận động của ấp, chị đã tham gia công tác phụ nữ, cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em. Ở lĩnh vực công tác nào và khó khăn đến đâu chị cũng đều nỗ lực hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2007, chị được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hàng Gòn. Sau đó 1 năm, chị vinh dự được kết nạp Đảng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chị Đào cho biết, trở thành đảng viên là niềm vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi chị phải luôn gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà cấp ủy Đảng giao phó. Năm 2009, chị được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Hàng Gòn cho đến nay.
11 năm làm “thủ lĩnh” của Hội, chị đã có nhiều đóng góp đưa công tác Hội và phong trào phụ nữ của xã đi lên. Đặc biệt, chị Đào luôn chú trọng tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2020, từ nguồn kinh phí nuôi heo đất của cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn xã và kinh phí chị vận động mạnh thường quân hỗ trợ, Hội LHPN xã Hàng Gòn đã xây dựng được một mái ấm tình thương, hỗ trợ đột xuất 15 trường hợp, tặng 2 sổ tiết kiệm, 300 phần quà, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; tặng học bổng, hỗ trợ học phí, tặng xe đạp cho con hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
Không dừng lại ở vận động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chị Đào còn là mạnh thường quân hỗ trợ lâu dài cho nhiều trường hợp hội viên phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo, trong đó có trường hợp của chị Đỗ Thị Thúy, ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn. Cuộc sống hôn nhân nảy sinh nhiều bất đồng nên vợ chồng chị Thúy mỗi người một nơi. Một mình chị vất vả mưu sinh nuôi 2 con (trong đó một người con bị thiểu năng trí tuệ). Mấy năm trước, chị Thúy phát hiện bị bệnh ung thư vú phải điều trị. Vừa tốn chi phí điều trị, lại không thể làm việc như trước nên cuộc sống của 3 mẹ con chị càng khó khăn hơn.
Chị Thúy bộc bạch: “Không chỉ hỗ trợ tiền hằng tháng, mỗi khi có mạnh thường quân tặng quà, chị Đào đều dành cho mẹ con tôi một phần. Trước đó, chị còn giúp mẹ con tôi từ thủ tục, hỗ trợ chi phí đưa nước sạch về sinh hoạt. Kể cả con đường vào nhà, từ ngày sức khỏe yếu, cỏ mọc um tùm, đi lại khó khăn, chị Đào cũng là người bỏ tiền thuê người phát cỏ. Ơn của chị tôi không biết lấy gì đền đáp, chỉ cầu mong chị luôn khỏe mạnh, làm ăn khấm khá để có điều kiện giúp đỡ những người khó khăn như tôi”.