Gương Nông dân Việt Nam xuất sắc: Tích tụ ruộng đất, sản xuất nông sản đặc sản
Ở Hải Phòng, tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng ngày càng phổ biến. Đi ngược lại điều đó, chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1985) sau nhiều năm gắn bó với nông nghiệp đang tích tụ ngày càng nhiều diện tích đất lúa.
Bằng nghị lực, tài năng, niềm đam mê với nghề nông, chị Hà trở thành nông dân giỏi của Hải Phòng với nhiều đặc sản nông nghiệp, 3 hợp tác xã do chị làm chủ, có doanh thu gần 3 tỷ đồng/ năm.
Đi lên từ đam mê và hai bàn tay trắng
Sinh ra trên mảnh đất Ninh Giang (Hải Dương), chị Hà có tuổi thơ vất vả khi mẹ mất sớm (lúc chị 8 tuổi). Gia đình có 9 anh chị em, chị là con thứ 8. Năm thứ hai Đại học Nông nghiệp, do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị phải nghỉ học giữa chừng, đi làm cho một công ty đồ điện tử để cùng gia đình gánh vác kinh tế. Năm 2009, chị kết hôn rồi sang Hải Phòng sinh sống tại thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão. Đến vùng đất mới, ban đầu, chị Hà mượn một sào ruộng của bà con để làm khoán. Có dịp tiếp xúc với đề án cơ giới hóa nông nghiệp, chị Hà mày mò tìm hiểu về mô hình gieo mạ khay.
Chị Hà chia sẻ, thời điểm đó, chưa có ai trồng lúa theo mô hình này. Chị tìm hiểu và khai thác triệt để cách làm mới này. Sau khi thử nghiệm thành công trên diện tích đất hiện có, chị Hà tìm cách giới thiệu và nhân rộng cho bà con. Ban đầu, nhiều bà con chưa quen nhưng bằng hiệu quả thực tế, nông dân dần tiếp cận và ứng dụng gieo mạ khay.
Theo chị Hà, việc gieo mạ khay trong nhà lưới tiết kiệm nhiều diện tích, chuột không vào phá hoại được, mạ lên đều... Cây lúa phát triển tốt hơn và nhận được nhiều dinh dưỡng hơn. Ngoài ra, việc cấy thưa còn hạn chế tối đa sâu bệnh gây hại, giảm chi phí chăm bón và phun trừ.
Bằng hiệu quả thực tế đạt hơn 2,8 tạ lúa/sào, chị Hà mạnh dạn nhận khoán nhiều diện tích ruộng bỏ hoang của bà con. Từ bàn tay trắng, bằng đam mê, chị dần xây dựng được uy tín cá nhân trên vùng đất nông nghiệp Hải Phòng. Từ uy tín cá nhân, chị Hà tiếp tục nhân rộng mô hình nhận khoán, mở rộng sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp.
Năm 2015, nhận thấy xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) có nhiều tiềm năng do đất ruộng bỏ hoang nhiều, chị chuyển về đây làm nông nghiệp. Thời điểm đó, chị mở Tổ dịch vụ nông nghiệp. Trận rét lịch sử năm đó đã làm 4.000 khay mạ của cơ sở chị bị chết làm thiệt hại một tỷ đồng. Chị phải chạy vạy vay mượn để tái sản xuất. Với uy tín trong nghề, chị Hà tiếp tục gặt hái nhiều thành công cùng công nghệ gieo mạ khay và được bà con tin tưởng.
Phát triển sản phẩm có thương hiệu
Năm 2017, chị Hà thành lập Hợp tác xã đầu tiên. Đến nay, chị có ba Hợp tác xã khác nhau với nhiều ngành nghề. Trước xu hướng bỏ hoang ruộng, chị Hà vận động bà con cho thuê lại, đem cải tạo sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cá theo hướng an toàn. Tận dụng những chân ruộng cao, xen canh tăng vụ trồng rau vụ đông như khoai tây, bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa lê… Đến nay, diện tích đất tích tụ đã đạt 70ha, hiệu quả sản xuất 70 triệu đồng/ha/năm, gấp 3-5 lần so với trồng lúa thông thường. Hợp tác xã của chị Hà tạo việc làm ổn định cho 45 lao động thường xuyên và 145 lao động thời vụ.
Chị Nguyễn Thị Hà cho biết, Hợp tác xã đã phát triển được những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, nổi bật như "Gạo ruộng rươi" hiện có mặt tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị của hơn 20 tỉnh, thành phố, là sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố. Dự kiến năm 2023 diện tích lúa ruộng rươi mở rộng đạt 300 ha với sản lượng khoảng 1.000 tấn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân có nhiều nguồn thu nhập từ lúa với giá trị cao từ rươi và gạo. Hay sản phẩm rau mầm tiêu chuẩn Vietgap đạt chứng nhận Vietgap năm 2022, có đầu ra ổn định cho các bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố.
Sản phẩm dưa lê siêu ngọt nhà kính với diện tích khoảng 2.000 m2 cho năng suất bình quân đạt 600 kg/sào với giá bán tại vườn 20.000 đồng/kg. So với sản xuất thông thường, việc chuyển đổi đầu tư sang nhà lưới để sản xuất cây rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với sản xuất truyền thống và kiểm soát được chất lượng một cách triệt để.
Hàng năm, Hợp tác xã gieo mạ khay, cấy máy phục vụ khoảng 1.122 ha đất nông nghiệp nông dân trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Việc đưa mạ khay, cấy máy vào sản xuất góp phần giảm đáng kể chi phí trong sản xuất lúa, hạn chế tình trạng bỏ ruộng do thiếu lao động hiện nay. Mặt khác phương thức sản xuất gieo mạ khay, cấy bằng máy giảm chi phí từ 30 - 40%, tăng năng suất 10 -12% so với sản xuất đại trà.
Ông Lưu Văn Thụy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy chia sẻ, chị Hà là người đam mê với nông nghiệp. Bằng đam mê và năng lực của mình chị đang góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện nói riêng và của Hải Phòng nói chung. Với những đóng góp đó, chị Hà được đề cử nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.Qua cuộc trò chuyện, chị Hà cho biết, thành công đang có chỉ là những thành quả bước đầu. Chị còn nhiều dự định ấp ủ muốn triển khai với mảng nông nghiệp thời gian tới.