GV băn khoăn về tên gọi của hóa chất trong sách KHTN và Hóa học mỗi nơi một kiểu
Giáo viên phản ánh, một số tên gọi của hóa chất trong sách Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở và Hóa học bậc trung học phổ thông chưa thống nhất.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được bài viết của giáo viên tại khu vực phía Nam phản ánh một số băn khoăn liên quan đến việc sử dụng tên gọi của hóa chất trong sách giáo khoa Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở và Hóa học bậc trung học phổ thông.
Để có thêm góp ý khách quan nhằm hoàn thiện hơn các cuốn sách giáo khoa, Tòa soạn xin chia sẻ bài viết tới độc giả.
Theo tìm hiểu của người viết, việc sử dụng thuật ngữ hóa học và danh pháp hóa học trong chương trình môn Hóa học tuân theo các nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc khoa học: Khái niệm mà thuật ngữ biểu thị phải được cập nhật phù hợp với sự phát triển của khoa học thế giới; hình thức của thuật ngữ phải bảo đảm tính hệ thống và nhất quán.
2. Nguyên tắc khoa học:
Thuật ngữ phải có cách hiểu thống nhất trong toàn bộ chương trình môn Hóa học và nói chung.
3. Nguyên tắc hội nhập:
Danh pháp hóa học nên viết theo khuyến nghị của Liên hiệp Quốc tế về Hóa học Thuần túy và Ứng dụng IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry) có tham khảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5529:2010 và 5530:2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Quyết định số 2950- QĐ/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ), phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu thống nhất và hội nhập.
4. Nguyên tắc thực tế:
Sử dụng tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt: vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitrogen, natrium, kalium và thủy ngân; đồng thời có chú thích thuật ngữ tiếng Anh để tiện tra cứu. Hợp chất của các nguyên tố này được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở và Hóa học bậc trung học phổ thông, người viết có một số thắc mắc cụ thể sau:
A. Phân môn Hóa học trong sách Khoa học tự nhiên lớp 7
1. Bộ sách CÁNH DIỀU
Trong mục Em có biết, nếu theo nguyên tắc 4, thì sách phải nói rõ 13 nguyên tố này là ghi bằng tiếng Việt, có chú thích bằng tiếng Anh, chứ không nên ghi kiểu lập lờ như trong sách.
Trong bảng 2.1, nhóm tác giả xem như là làm ngược nguyên tắc số 4.
2. Bộ sách Chân trời sáng tạo
Nhóm tác giả không thống nhất cách ghi tên nguyên tố trong bộ sách, lúc thì ghi “sodium, potassium, iron, aluminium”, lúc thì ghi ”natri, kali, sắt, nhôm”. Theo nguyên tắc 4, thì các tên đó phải ghi tiếng Việt, khi ở dạng đơn chất.
B. Chương trình Hóa học 10:
1. Bộ sách Cánh Diều của nhóm tác giả: Trần Thành Huế, Nguyễn Ngọc Hà, Dương Bá Vũ
Trong ví dụ 2, bài 9 - Chủ đề 3: Liên kết hóa học
Trong bài tập 4 trang 50, chủ đề 3
Theo nguyên tắc 4, phải ghi là “natrium” chứ không phải là "sodium".
Trong sách bài tập, bài 3.3 trang 7, theo nguyên tắc 4 thì ghi “kalium” chứ không phải là “potassium”
Trong bài 7.14 trang 22 sách bài tập, theo nguyên tắc 4 thì ghi “natrium” chứ không phải là ”sodium”
Trong bài 8.2 trang 23/ bài 10.3 trang 28 sách bài tập, theo nguyên tắc 4 thì ghi “lưu huỳnh” chứ không phải là "sulfur"
Trong bài 8.6 trang 24 sách bài tập, theo nguyên tắc 3 và TCVN 5530:2010 thì ghi “clorat kalium” chứ không phải là "potassium chlorate"
Trong bài 9.4 và 9.5 trang 24 sách bài tập, theo nguyên tắc 4 thì ghi “natrium, kalium” chứ không phải là ”sodium, potassium”.
Trong bài 9.7 trang 27 sách bài tập, theo nguyên tắc 4 thì ghi “nhôm” chứ không phải là ”aluminium”.
Trong bài 7.12 trang 22 sách bài tập, theo nguyên tắc 3 thì các chữ “basic oxide và acidic oxide” không ghi đúng văn phạm tiếng Việt Nam, nếu theo đúng cấu trúc tiếng Việt thì chữ “oxide” phải ghi ở trước chữ “basic hoặc acidic” (basic và acidic là tính từ, dẫn xuất từ danh từ base và acid, tiếng Việt không có nguyên tắc viết dẫn xuất như vậy. Theo tôi tiếng Việt nên viết là oxid acid và oxid baz).
Mặt khác, trong dòng đầu tiên của bài tập này, không có sự thống nhất cách ghi chữ “oxide” mà ghi rất tùy tiện, lúc thì trước, lúc thì sau.
Trong bài 12.12 trang 35 sách bài tập, theo nguyên tắc 3 và cấu trúc của tiếng Việt, thì phải ghi là “acid acetic” chứ?
2. Bộ sách Chân trời sáng tạo của nhóm tác giả: Cao Cự Giác, Đặng Thị Thuận An, Nguyễn Đình Độ, Nguyễn Xuân Hồng Quân, Phạm Ngọc Tuấn.
Theo nguyên tắc 4, thì ghi
a. “natrium” chứ không phải “sodium”
b. “kalium” chứ không phải “potassium” (trong phần Tìm hiểu về khái niệm đồng vị)
c. “đồng” chứ không phải “copper”
d. "nhôm" chứ không phải “aluminium”
e. Theo nguyên tắc 4, cách chú thích các kim loại trong hình bị ngược, đúng ra phải là “tên tiếng Việt (tên tiếng Anh viết theo IUPAC tương ứng)”.
Cách chú thích của sách là phiên dịch tên sang tiếng Anh chứ không phải viết theo chuẩn tên khoa học trong lĩnh vực Hóa học.
3. Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của nhóm tác giả: Lê Kim Long, Đặng Xuân Thư, Nguyễn Thu Hà, Lê Thị Hồng Hải, Nguyễn Văn Hải, Lê Trọng Huyền, Vũ Anh Tuấn.
Đa số tên các nguyên tố trong sách, nhóm tác giả ghi tên nguyên tố bằng tiếng Anh và chú thích bằng tiếng Việt, ngược với nguyên tắc 4.
Điểm sơ qua một vài điều để thấy rằng 3 bộ sách giáo khoa của 3 nhóm tác giả không có sự thống nhất nhau trong cách trình bày danh pháp, không tuân theo các nguyên tắc mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa ra.
Và đặc biệt theo các nguyên tắc trong việc “sử dụng thuật ngữ hóa học và danh pháp hóa học” thì “hợp chất của các nguyên tố này được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC” chứ không phải “bắt buộc sử dụng tên tiếng Anh”.
Nếu “thuật ngữ hóa học và danh pháp hóa học sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh" thì có rất nhiều khó khăn cho người học, người dạy và đặc biệt tạo ra sự kệch cỡm, sự lai căng văn phạm trong một văn bản tiếng Việt.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo đơn vị có ý kiến để thống nhất tránh sự lệch pha nhau của các nhóm tác giả trong các bộ sách giáo khoa, sách bài tập để đem lại sự thuận tiện trong việc dạy và học Hóa học.
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.