GV bị trưng tập về Phòng GD rơi vào thế ở Phòng không được, bỏ trường không xong
Những giáo viên trưng tập về phòng làm việc vừa không phải công chức, vừa vẫn phải duy trì giảng dạy nên ở phòng không được, bỏ trường không xong.
Nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo hiện nay duy trì trưng tập giáo viên các trường về phòng làm việc. Tuy nhiên, do giáo viên phải đảm bảo số tiết đứng lớp và không được hưởng phụ cấp dù làm việc như một chuyên viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo nên cũng chỉ làm theo thời vụ.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Mung – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, biên chế nhân sự được giao cho Phòng chỉ 6-7 người nên việc quản lý cả 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cùng các hoạt động quản lý khác gặp khá nhiều khó khăn.
Theo thầy Mung, thực hiện tốt chức năng giúp Ủy ban nhân dân huyện về phát triển giáo dục trên địa bàn, lãnh đạo Phòng thường phải tham gia các cuộc họp để tham mưu Ủy ban nhân dân nên khối lượng công việc của một cán bộ, chuyên viên phải xử lý ở phòng rất lớn. Chưa kể, lãnh đạo đi họp đột xuất nên nhiều khi bị trùng với kế hoạch tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị trường học.
"Tôi về phòng công tác từ năm 2021. Hiện phòng không có giáo viên biệt phái mà chỉ có giáo viên trưng tập từ trường về phòng làm việc theo thời vụ. Cụ thể, có thời điểm cán bộ Phòng làm không hết việc nên phải mượn giáo viên hỗ trợ như: thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, kiểm tra hồ sơ, tổ chức thanh kiểm tra trường học...”, thầy Mung chia sẻ.
Thầy Mung trước đây là Hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Đến khi về Phòng Giáo dục và Đào tạo công tác, thầy phụ trách chỉ đạo chuyên môn bậc mầm non và tiểu học. Ngoài ra, thầy còn kiêm thêm các công việc khác như thi đua khen thưởng… Công việc áp lực hơn nhưng thu nhập của thầy Mung giảm xuống (khoảng 1 triệu đồng) vì không còn hưởng phụ cấp 30% khi ở trường.
“Khi mới về Phòng làm việc, khó khăn nhất với tôi đó là chuyển từ làm công tác quản lý một trường trung học cơ sở sang quản lý chỉ đạo chuyên môn của 2 bậc mầm non và tiểu học nên phải đọc, nghiên cứu nhiều văn bản.
Thời điểm tôi về phòng cũng là lúc đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để có kế hoạch chỉ đạo chuyên môn hiệu quả, ngoài việc nghiên cứu chương trình giáo dục 2006 (vì còn các lớp đang triển khai), tôi phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu chương trình mới”, thầy Mung nói.
Cũng theo thầy Mung, Phòng Giáo dục và Đào tạo có 3 chuyên viên phụ trách chuyên môn của 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Những giáo viên trưng tập về Phòng làm việc vừa không phải công chức, vừa vẫn phải duy trì giảng dạy nên họ ở Phòng không được, bỏ trường không xong.
"Dù tham gia tích cực, tinh thần trách nhiệm cao nhưng những giáo viên này không có phụ cấp, hỗ trợ vì không phải công chức của phòng nên về lâu dài sẽ không đạt hiệu quả. Nếu được bổ sung thêm số lượng biên chế cho phòng thì sẽ tăng số lượng người làm việc, hiệu quả chỉ đạo chuyên môn giáo dục cao hơn”, thầy Mung mong muốn.
Cùng chia sẻ với phóng viên, vị phó trưởng phòng đang công tác tại một Phòng Giáo dục và Đào tạo ở tỉnh Đắk Lắk cho hay, vị này đang phụ trách chuyên môn bậc trung học cơ sở và kiêm thêm việc thanh, kiểm tra bậc học này. Dù có chuyên viên mảng trung học cơ sở hỗ trợ về mặt chuyên môn rất tốt, nhưng một số nội dung liên quan đến xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra thì chuyên viên này làm không xuể.
“Tôi công tác tại Phòng từ năm 2014, khi đó Phòng có nhiều chuyên viên nên nếu chuyên viên xây dựng kế hoạch tham mưu lãnh đạo chưa đạt thì sẽ yêu cầu sửa lại 1 – 2 lần. Nhưng bây giờ chuyên viên ít nên nếu tham mưu chưa được thì cũng không có thời gian để sửa chữa do rất nhiều việc cần phải làm”, vị này chia sẻ thêm.
Để đáp ứng khối lượng và tính chất công việc, vị này cho biết Phòng cần có từ 10-12 người làm việc thay vì 8 người như hiện nay.
“Hiện Phòng không có vị trí văn thư nên phải nhờ chuyên viên tổ chức làm thêm. Vị trí thủ quỹ nhờ chuyên viên trung học cơ sở kiêm nhiệm. Hai chuyên viên này đều không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng vẫn phải đảm trách do thiếu người.
Các cuộc thanh tra, kiểm tra ở cơ sở chủ yếu sẽ điều động giáo viên các trường tham gia cùng đoàn, còn thành phần của Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có 1 lãnh đạo phụ trách chuyên môn, 1 chuyên viên làm thư ký”, vị này chia sẻ.
Cũng theo vị này cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực (như bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, giáo viên cấp dưới) và tài chính trong phạm vi quản lý của mình nên làm giảm chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.
“3 yếu tố làm nên chất lượng giáo dục đào tạo đó là sách giáo khoa, đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất. Nhưng hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có nhiệm vụ quản lý về mặt chuyên môn, không được tự chủ về nhân lực và cơ sở vật chất, tài chính.
Ví dụ, khi cần tuyển dụng cán bộ quản lý, Phòng Giáo dục và Đào tạo muốn tuyển dụng người A vì có đủ năng lực chuyên môn phù hợp vị trí mà phòng đang thiếu, nhưng Phòng chỉ được phép đề bạt chứ không có quyền tự quyết. Hay về cơ sở vật chất, Phòng muốn đầu tư máy tính cho các cơ sở giáo dục để thực hiện chuyển đổi số nhưng ngành chỉ cấp cho bàn ghế thì làm sao đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo?
Theo tôi, Phòng Giáo dục và Đào tạo nên được trao quyền tự quyết về cả nhân lực, tài chính thì sẽ thuận lợi thực hiện nhiệm vụ hơn, nhất là khi khối lượng công việc nhiều, nhân sự ít như hiện nay”, vị này chia sẻ thêm.