GV kiêm nhiệm thắc mắc về chế độ, Hiệu trưởng MN Quỳnh Hậu nói chờ huyện trả lời
Hiệu trưởng Trường MN Quỳnh Hậu nói rằng, các giáo viên được linh động để nghỉ từ 2 đến 3 tiết dạy/ tuần nhưng buộc phải đến văn phòng nhà trường để 'nghỉ'.
Gửi phản ánh đến phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên tại Trường Mầm non Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, nhiều năm liền họ được phân công làm kiêm nhiệm công tác đoàn, tuy nhiên không được hưởng quyền lợi theo quy định.
Cụ thể, giáo viên tại đây thắc mắc, những người làm kiêm nhiệm công tác đoàn sẽ được hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư 08/2016-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 23/8/2016 nhưng tại sao nhà trường vẫn không áp dụng chế độ được hưởng cho giáo viên.
Giáo viên kiến nghị về chế độ kiêm nhiệm
Nói về điều này, một giáo viên cho biết thêm: "Để đòi quyền lợi cho chính những công sức mình bỏ ra nên chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi đến Ban Giám hiệu Trường Mầm non Quỳnh Hậu và Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu. Được biết, sau khi nhận được đơn, Hiệu trưởng nhà trường cũng đã làm tờ trình để gửi lên Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu xin ý kiến về việc giải quyết chế độ cho những giáo viên như chúng tôi.
Sau đó, phía Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu cũng đã có văn bản trả lời nêu rõ việc áp dụng chế độ cho các giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn sẽ được giảm 3 giờ dạy/ tuần và đề nghị nhà trường linh động khi sắp xếp công việc cho giáo viên.
Tuy nhiên, từ đó đến nay chúng tôi vẫn phải thực hiện việc dạy học đảm bảo 100% số tiết mà không hề được áp dụng mức giảm trừ như trong văn bản của Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã đề cập".
Đáng nói, trong số các giáo viên gửi phản ánh, cô T.T.N từng là giáo viên của Trường Mầm non Quỳnh Hậu, tuy nhiên giáo viên này đã được nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2022.
Chia sẻ về việc này, cô T.T.N bày tỏ: "Tôi về công tác tại Trường Mầm non Quỳnh Hậu từ năm 1996 và làm kiêm nhiệm công tác công đoàn từ năm 2009, hiện tại đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 9/2022. Trước đó, khi biết có quy định trong Thông tư 08 về chế độ đối với giáo viên mầm non kiêm nhiệm công tác công đoàn, tôi cùng một số giáo viên khác đã nhiều lần ý kiến với Ban Giám hiệu Trường Mầm non Quỳnh Hậu về việc này.
Tuy nhiên, qua nhiều lần ngồi lại với Ban Giám hiệu chúng tôi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Vì thế, trong thời gian chưa nghỉ hưu tôi vẫn phải lên lớp đủ 100% số tiết mà không được áp dụng chế độ nghỉ bù nào theo quy định.
Nhiều lần thắc mắc về việc này với lãnh đạo nhà trường nhưng dù đã qua 2 đời hiệu trưởng các giáo viên làm công tác kiêm nhiệm như tôi tại Trường Mầm non Quỳnh Hậu vẫn không được hưởng quyền lợi theo quy định. Các hiệu trưởng khi được hỏi cũng chỉ trả lời rằng, nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.
Theo quy định tại Thông tư 08, việc áp dụng chế độ bằng cách giảm trừ vào số tiết dạy trên lớp nhưng hiện tại tôi đã nghỉ hưu thì việc áp dụng này là không thể. Vậy ai sẽ là người trả lại quyền lợi chính đáng cho tôi, trả lại công sức và tâm huyết của tôi trong thời gian vừa qua”.
Để có thêm thông tin về việc này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với lãnh đạo Trường Mầm non Quỳnh Hậu.
Lý giải về nguyên nhân của sự việc này, cô Hồ Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đây là thực trạng chung của toàn huyện Quỳnh Lưu. Vì không có nguồn cấp từ trên xuống để chi trả nên nhà trường không có cơ sở để giải quyết quyền lợi cho giáo viên làm công tác kiêm nhiệm như vậy được.
“Bên cạnh đó, các giáo viên làm đơn kiến nghị gửi cho nhà trường từ năm 2016, trong khi tôi được phân công làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Hậu từ năm 2019. Vì qua 2 đời lãnh đạo nên việc giải quyết quyền lợi cho họ cũng bị gián đoạn.
Năm 2021 khi nhận được đơn kiến nghị của giáo viên, tôi cũng đã đại diện cho nhà trường để làm tờ trình gửi cấp trên để xin hướng dẫn chỉ đạo”, cô Hằng cho biết thêm.
Vị Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh rằng, để có hướng dẫn cụ thể nhà trường cũng đã làm tờ trình để gửi đến Liên đoàn Lao động; Phòng Tài chính và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu.
Sau đó, nhà trường cũng đã nhận được trả lời của Phòng Giáo dục và Đào tạo và Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Lưu. Theo vị này, trong các văn bản trả lời chỉ mang tính “chung chung” chứ không mang tính định hướng giải quyết sự việc cho nhà trường.
Cô Hằng nói thêm: “Thực ra việc giải quyết chế độ trong Thông tư 08 là quy đổi ra thành việc giảm tiết dạy cho giáo viên. Nên riêng trường hợp của cô T.T.N trước lúc về hưu khi cô ấy đã có đơn kiến nghị thì nhà trường đã tổ chức họp để lấy ý kiến.
Trong đó giáo viên này đề nghị nhà trường làm rõ việc, như điều kiện của cô ấy như hiện tại thì có được chi trả chế độ cho cô ấy bằng tiền mặt hay không. Sau thời điểm nghỉ hưu, cô ấy vẫn tiếp tục làm đơn kiến nghị hỏi về nội dung nói trên.
Vì việc này vượt quá thẩm quyền của nhà trường nên chúng tôi tiếp tục làm tờ trình để hỏi Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu. Tuy nhiên từ thời điểm chúng tôi gửi tờ trình vào tháng 5/2023 đến nay thì nhà trường vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Ủy ban nhân dân huyện về việc này.
Đợt vừa rồi, khi có đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Nghệ An về làm việc tại địa bàn huyện thì nhà trường cũng gửi nội dung này lên. Qua đó, họ cũng trả lời rằng hiện tại trên toàn tỉnh không có nguồn nào cấp về để chi trả cho việc này. Hoặc nếu có nguồn thì cũng không được chi trả bởi vì trong Thông tư 08 đã nêu rõ là quyền lợi của giáo viên chỉ được áp dụng bằng việc bố trí miễn giảm giờ dạy cho những giáo viên làm công tác kiêm nhiệm như trên.
Chính vì chưa có một văn bản nào để hướng dẫn cụ thể cho nhà trường về các nội dung trên nên đến nay chúng tôi cũng chưa thể trả lời các giáo viên đó được”.
Các giáo viên được "linh động" nhưng phải lên văn phòng nhà trường để "nghỉ"?
Phóng viên đặt câu hỏi, nếu theo Thông tư 08, việc áp dụng chế độ quy ra thành giảm trừ tiết dạy cho giáo viên đã có hiệu lực từ năm 2016, tại sao thời điểm giáo viên có đơn kiến nghị và chưa nghỉ hưu nhà trường lại không sớm xin ý kiến để giải quyết quyền lợi cho giáo viên đó?
Về việc này, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Hậu cho rằng, do còn nhiều khó khăn, bất cập từ thời lãnh đạo nhà trường nhiệm kỳ trước.
“Tôi về nhận nhiệm vụ quản lý tại trường từ năm 2019, tuy nhiên trong các cuộc họp với giáo viên nói trên thì cô ấy đòi quyền lợi từ năm 2016, như vậy là chồng chéo từ những năm tôi chưa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Hơn nữa, trong điều kiện nhà trường luôn bị thiếu giáo viên nên từ thời lãnh đạo trước cũng đã không bố trí về việc này. Về việc này nhà trường cũng đã "linh động" cho các giáo viên làm công tác kiêm nhiệm được nghỉ khi có lý do chính đáng và được ưu tiên hơn.
Qua đó, nhà trường cũng đã tổ những cuộc họp để trao đổi. Theo đó, chúng tôi đã nói rõ quan điểm là việc này buộc phải thực hiện theo quy định trong Thông tư 08. Như vậy, các giáo viên đó sẽ được nghỉ 1 tuần từ 2 đến 3 tiết dạy nhưng vẫn phải đến văn phòng nhà trường để "nghỉ" và làm nhiệm vụ của mình.
Các giáo viên khác thì họ đồng ý với sự phân công như vậy của nhà trường. Tuy nhiên cô T.T.N thì khăng khăng rằng, nếu gọi là được nghỉ thì phải nghỉ ở nhà chứ không đồng ý với phương án lên văn phòng nhà trường để “nghỉ” như vậy. Chính vì vậy nên sự việc mới kéo dài như hiện nay”, cô Hằng cho hay.