GV nghệ thuật ở bậc THPT: Thiếu nguồn tuyển, thu nhập trường công khó hấp dẫn

Số lượng sinh viên khoa Giáo dục Nghệ thuật ra trường đúng hạn chỉ được 2/3 so với số lượng nhập học.

Năm học 2024 - 2025 đánh dấu chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở tất cả các lớp 10, 11, 12.

Một trong những điểm nổi bật của chương trình mới ở cấp trung học phổ thông đó là việc môn Âm nhạc, Mỹ thuật là một trong những môn học tự chọn.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng không phải trường trung học phổ thông nào cũng có thể đưa 2 môn học này vào giảng dạy.

Nguyên nhân được đại diện các trường chỉ ra đó là không đáp ứng được cơ sở vật chất, số lượng người học không nhiều và đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Địa phương tiếp tục tuyển dụng giáo viên nhưng chưa đủ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Đăng Thể, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã chủ động thực hiện việc tuyển dụng giáo viên các bộ môn hằng năm, trong đó 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật đã tuyển dụng được 27 giáo viên.

Năm học 2022 - 2023, Sở tuyển dụng được 6 giáo viên Âm nhạc và 3 giáo viên Mỹ thuật. Năm học 2023 - 2024, tuyển dụng được 8 giáo viên Âm nhạc và 6 giáo viên Mỹ thuật.

Năm học 2024 - 2025, tuyển dụng được 2 giáo viên Âm nhạc và 2 giáo viên Mỹ thuật, còn thiếu 9 giáo viên Âm nhạc và 6 giáo viên Mỹ thuật chưa tuyển dụng được cho năm học này.

Năm học 2024 - 2025, Quảng Nam có 19/54 trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật và tổ chức dạy 2 bộ môn trên.

Cụ thể môn Âm nhạc có 47 lớp (khối 10 có 36 lớp, khối 11 có 7 lớp, khối 12 có 4 lớp), môn Mỹ thuật có 4 lớp (khối 10 có 18 lớp, khối 11 có 4 lớp, khối 12 có 2 lớp)”.

Trước thực tế thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở địa phương, ông Võ Đăng Thể thông tin, việc tuyển dụng hiện nay gặp một số khó khăn như: Số lượng học sinh lựa chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật chiếm tỉ lệ không nhiều, nên bị động trong việc xác định nhu cầu tuyển dụng.

Đặc biệt, thiếu nguồn sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật để tuyển dụng.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Nam chưa thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

“Một trong những nguyên nhân là do địa phương phải bỏ kinh phí để nhà trường đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, sau khi đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn phải tham gia tuyển dụng theo quy định của pháp luật về viên chức.

Điều này dẫn đến bất cập là địa phương chi trả kinh phí để đặt hàng đào tạo, nhưng có thể không tuyển dụng được sinh viên đã được đặt hàng đào tạo. Hơn nữa, nếu sinh viên không tốt nghiệp ra trường, việc đòi lại kinh phí là rất khó” - ông Thể lý giải.

Cơ sở đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng tốt nghiệp chỉ được 1/3

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Quang Minh Đức, Trưởng khoa Giáo dục Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nói: “Mọi năm, số lượng sinh viên nhập học khoa Giáo dục Nghệ thuật đều đủ theo chỉ tiêu, thậm chí có năm cao hơn chỉ tiêu.

Do đó, năm nay, nhà trường đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Ví dụ, với ngành Sư phạm Âm nhạc, chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 là 30 sinh viên, năm 2024 là 75 sinh viên (tăng 45 chỉ tiêu).

Điều này xuất phát từ nhu cầu xã hội, tăng cường giáo viên dạy các môn Nghệ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Tuy nhiên, thầy Đức cũng thông tin thêm, số lượng sinh viên khoa Giáo dục Nghệ thuật ra trường đúng hạn chỉ được 2/3 so với số lượng nhập học. Nguyên nhân do phần lớn sinh viên chưa đáp ứng được chuẩn đầu ra về ngoại ngữ.

“Phía khoa Giáo dục Nghệ thuật ghi nhận nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc tại các trường ngoài công lập.

Ngoài ra, sinh viên thế hệ mới rất nhanh nhạy và năng động nên có thể tự mở trung tâm riêng và giảng dạy. Còn với trường hợp xin vào các trường công lập, có phần khó khăn hơn, mặc dù các em có nguyện vọng” - thầy Đức chia sẻ thêm.

 Tiến sĩ Trương Quang Minh Đức, Trưởng khoa Giáo dục Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Website khoa.

Tiến sĩ Trương Quang Minh Đức, Trưởng khoa Giáo dục Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Website khoa.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Nguồn giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật đã và đang được đào tạo, nhưng trên thực tế không phải tất cả các sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này đều xin được việc làm.

Hơn nữa, mức thu nhập ở các trường công lập chưa thực sự hấp dẫn, nên các em có xu hướng chuyển sang làm việc tại trường ngoài công lập hoặc không theo đuổi ngành sư phạm.

Trong những năm gần đây, khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh khoảng 60 sinh viên.

Khóa đầu tiên từ khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 (khóa 2020 - 2024), năm nay mới ra trường và số lượng tốt nghiệp cũng không quá nhiều, chỉ được 1/3. Vì rất nhiều lý do mà các em chưa tích lũy đủ tín chỉ để ra trường đúng hạn”.

Ở góc độ đại diện đơn vị đào tạo giáo viên Nghệ thuật, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà khẳng định: “Số lượng chỉ tiêu sinh viên học ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật không ít, vì để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Mức độ cạnh tranh tương cũng đối cao, cho thấy sự quan tâm của xã hội. Ví dụ, năm 2023, cứ khoảng 5 thí sinh mới có 1 thí sinh trúng tuyển.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên sau khi ra trường ở thời điểm hiện tại có thể đáp ứng được việc giảng dạy ở cả 3 cấp học vẫn còn hạn chế. Có thể kỳ vọng sau khoảng 2 - 3 năm, tình hình này sẽ được cải thiện”.

 Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Website trường.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Website trường.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà cũng cho biết thêm: “Một trong những nguyên nhân khác là việc thiếu giáo viên có đủ năng lực để có thể dạy cấp trung học phổ thông: Kiến thức Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp học này vừa rộng, vừa sâu. Từ đó, đòi hỏi người giáo viên phải vững vàng cả về kiến thức chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm.

Thực tế, không ít giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật mới được đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng; trong khi thậm chí, những người đã tốt nghiệp đại học cũng vẫn gặp khó khăn trong việc giảng dạy ở bậc trung học phổ thông. Vì thế, những giáo viên này chỉ có thể dạy tốt cho cấp tiểu học, trung học cơ sở, chưa đáp ứng được việc dạy cho cấp trung học phổ thông”.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, Tiến sĩ Trương Quang Minh Đức bày tỏ: “Chương trình Âm nhạc ở cấp trung học phổ thông yêu cầu cao hơn ở một số chuyên đề học tập cũng sẽ là điều khó khăn với một số giáo viên.

Có được một giáo viên vừa có khả năng thanh nhạc, vừa chuyên sâu về nhạc cụ không dễ, nhất là khi sẽ có những chuyên đề học tập về đàn guitar, bộ gõ, nhạc cụ tiết tấu...”.

Tăng cường tập huấn nâng chuẩn cho giáo viên là giải pháp hữu hiệu nhất

Tập huấn để nâng chuẩn cho giáo viên nhằm đáp ứng việc dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông được xem là giải pháp hữu hiệu nhất cho thời điểm hiện tại nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Ông Võ Văn Thể chia sẻ thực tế tại tỉnh Quảng Nam: “Việc tập huấn dạy học môn Âm nhạc, Mỹ thuật được Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức vào đầu mỗi năm học.

Hoạt động này giúp giáo viên nắm được mục tiêu chương trình, phương pháp dạy học trước khi tiến hành giảng dạy”.

Tiến sĩ Trương Quang Minh Đức cũng cho biết, các giảng viên của khoa Giáo dục Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã đi tập huấn chương trình mới, sau đó trở về tập huấn cho giáo viên cốt cán ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Hiện tại, khoa Giáo dục Nghệ thuật đang đào tạo nâng chuẩn cho hơn 100 giáo viên Âm nhạc bậc tiểu học, trung học cơ sở cho các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam.

 Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nhạc cụ đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 của khoa Giáo dục Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Website khoa.

Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nhạc cụ đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 của khoa Giáo dục Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Website khoa.

Góp ý thêm về vấn đề tập huấn nâng chuẩn giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cho các địa phương, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà chia sẻ: “Chúng ta cần tập trung vào vấn đề làm sao để việc tập huấn được diễn ra bài bản, có kế hoạch cụ thể, tránh việc “tam sao thất bản” sau mỗi lần triển khai tập huấn xuống dưới.

Nên chú ý đến việc “học sinh học gì và giáo viên cần dạy gì” để đi sâu vào những kiến thức đang còn thiếu đối với người dạy”.

Ngoài ra, phía các trường đại học cũng thay đổi chương trình đào tạo, để sinh viên sau khi ra trường, có thể đáp ứng ngay việc giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Quang Minh Đức cho biết: “Ví dụ, với ngành Sư phạm Âm nhạc, các môn học về Nhạc cụ tiết tấu, Hòa tấu nhạc cụ, Ứng dụng công nghệ thông tin trong âm nhạc… đã được khoa Giáo dục Nghệ thuật bổ sung.

Bên cạnh đó, hằng năm, khoa đều tiến hành khảo sát đánh giá của các giáo viên Âm nhạc, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Sau đó, khoa Giáo dục Nghệ thuật sẽ xem xét, nghiên cứu những ý kiến từ thực tiễn. Nếu hợp lý, khoa sẽ điều chỉnh để cải tiến chương trình đào tạo sao cho phù hợp với thực tế giảng dạy. Những kiến thức quá hàn lâm, chưa thực sự cần thiết sẽ được lược bỏ”.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gv-nghe-thuat-o-bac-thpt-thieu-nguon-tuyen-thu-nhap-truong-cong-kho-hap-dan-post244931.gd