'Hà bá' nuốt đất nông nghiệp, uy hiếp khu dân cư
Người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho biết, trong mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở đất bờ sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông xảy ra liên tục, cuốn trôi hàng ngàn m2 đất sản xuất nông nghiệp. Bờ sông lấn vào đất liền có đoạn gần 100m, hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại...
Theo chân một cán bộ xã Vĩnh Hòa, chúng tôi có mặt tại vị trí đang xảy ra sạt lở đất bờ sông Mã, thuộc thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, chiều dài khu vực sạt lở kéo dài dọc bờ sông Mã khoảng 600m, trong đó có 4 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, đang khoét sâu vào diện tích đất nông nghiệp của người dân...
Bà Trịnh Thị Thể (77 tuổi), thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa tay cầm chiếc liềm chấu làm cỏ cho luống ngô chỉ về phía lòng sông Mã nói rằng, ngày trước bờ sông Mã nằm tít ngoài xa, kế đến bãi bồi ven sông, sau đó mới đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Mấy năm gần đây, bờ sông Mã bị sạt lở liên tục, năm nào cũng lở sâu vào đất liền, nước cuốn trôi bãi bồi rồi lấn vào đất nông nghiệp của người dân địa phương.
Bà Thể cho hay, mỗi năm luống ngô cạnh bờ sông Mã cho gia đình thu hoạch gần 1 tấn ngô hạt nhưng mấy năm gần đây dù đầu tư nhiều nhưng sản lượng không cao như trước, năm vừa rồi chỉ đạt hơn 3 tạ/năm, không đủ công chăm bón nhưng ở quê không có việc làm nên buộc phải làm. Thêm vào đó, hàng năm cứ lở đất liên tục, điều này khiến bà Thể và người dân sản xuất nông nghiệp hai thôn Nghĩa Kỳ, Giang Đông bất an, trồng cây nhưng không dám chắc có thu hoạch được trọn vẹn hay không?!
Là người dân sinh sống hơn 60 năm ở thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa, ông Phạm Ngọc Khiêm (70 tuổi) nắm khá rành rọt về quá trình bồi lấp, sạt lở bờ sông Mã. Ông Khiêm cho hay, tình trạng sạt lở bờ sông chỉ diễn ra liên tục trong mấy năm gần đây, trước không có như vậy. Hiện tại, vị trí sạt lở từ bờ sông cũ lấn sâu vào đất liền có chỗ gần 100m, không còn bãi bồi ven sông nữa. Theo lời ông Khiêm, hàng trăm năm trước, khu vực này là nơi giao thoa của con sông Mã và sông Bưởi, quá trình bồi lắng hai con sông đã hợp nhất, gọi chung là sông Mã. Đất ở đây là đất phù sa, đất pha cát, chỉ cần hổng chân phía dưới là sạt lở ngay... “Toàn bộ khu vực bãi bồi trước kia là của nhà tôi sản xuất nông nghiệp, nhưng sau đó thì sạt lở, giờ thì không còn tí nào nữa, nếu không ngăn chặn sớm, sông còn lở vào đến khu dân cư”, ông Khiêm lo lắng.
Ông Trần Xuân Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, khẳng định: Bờ sông Mã bắt đầu sạt lở từ năm 2017 đến nay, thời kỳ đầu, mỗi năm sông Mã lấn vào đất liền khoảng 7 - 10m. Riêng trong năm 2023, tình trạng sạt lở diễn biến nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, đặc biệt là từ đầu tháng 8 đến nay, do mưa lớn và thủy điện Trung Sơn xả lũ. Đến nay, đã có khoảng hơn 12.000m2 đất sản xuất nông nghiệp của 29 hộ dân bị cuốn trôi, cá biệt có những vị trí sạt lở lấn vào đất nông nghiệp 40 - 45m... Để đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, trước đây, địa phương đã phối hợp với đơn vị khai thác cát sử dụng bao cát, đóng cọc tre kè ven bờ nhưng chỉ được một thời gian nước cuốn trôi hết. Vừa qua, UBND xã tổ chức lắp camera giám sát hoạt động trên sông, căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm dọc bờ sông... Về lâu dài chỉ có phương án kè đá bờ sông may ra mới chống được sạt lở, Phó Chủ tịch UBND Vĩnh Hòa Trần Xuân Tùng, cho biết thêm.
Trước tình hình trên, UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập đoàn đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Mã; đồng thời hỗ trợ UBND huyện khắc phục triệt để sự cố sạt lở nêu trên bằng giải pháp thi công công trình kè chống sạt lở khẩn cấp tại bờ sông Mã, ngăn chặn sự cố sạt lở đất dẫn đến mất đất sản xuất, thiệt hại hoa màu và gây tâm lý hoang mang cho người dân.