Hà Đô: Chi phí lãi vay 'đỡ' kết quả kinh doanh, nhưng còn nhức nhối nợ khó đòi
Nợ vay giảm giúp cho chi phí lãi vay của Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG, sàn HOSE) 'nhẹ gánh' hơn trong giai đoạn đầu năm 2024. Tuy nhiên, những khoản nợ khó đòi treo dài ngày vẫn đang là yếu tố khá nhức nhối trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này.
Áp lực vay nợ giảm
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024, Tập đoàn Hà Đô đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 848 tỷ đồng, giảm 11,3% (so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu giảm, nhưng giá vốn hàng bán lại tăng và theo đó lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn khá nhiều so với tốc độ giảm doanh thu, ghi nhận mức 438 tỷ đồng, giảm 23,8%. Trong bối cảnh này, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý I/2023 đạt 264 tỷ đồng, giảm 26% so với quý I/2023.
Tình hình kinh doanh của Hà Đô trong quý I/2024 sụt giảm ngoài sự ảnh hưởng của giá vốn hàng bán tăng, còn có yếu tố tác động nữa từ chi phí bán hàng, khi khoản chi phí này của Hà Đô đã tăng tới 32%. Ngoài ra, công ty còn có khoản “lợi nhuận khác” âm hơn 2,1 tỷ đồng trong quý I/2024, trong khi lợi nhuận khác giai đoạn 1 năm trước là dương gần 2,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một yếu tố đã góp phần làm giảm nhẹ áp lực đối với kết quả kinh doanh quý I/2024 của Hà Đô là chi phí tài chính. Báo cáo thu nhập hợp nhất quý I/2024 của tập đoàn này cho thấy, chi phí tài chính đã giảm mạnh từ 150 tỷ đồng giai đoạn quý I/2023 xuống chỉ còn 96,3 tỷ đồng trong quý đầu năm 2024, tương ứng với mức giảm gần 36%. Trong đó, chi phí tài chính giảm chủ yếu nhờ sự ảnh hưởng của chi phí lãi vay, với mức giảm từ 130,8 tỷ đồng xuống còn 94,3 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 30%.
Vốn chủ sở hữu gần 7,5 nghìn tỷ đồng
Tại thời điểm cuối quý I/2024, Tập đoàn Hà Đô có quy mô vốn chủ sở hữu là 7.493 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ là 3.058 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 375 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 2.394 tỷ đồng…
Chi phí lãi vay giảm có nguyên nhân từ yếu tố khách quan do diễn biến giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong vòng 1 năm qua. Riêng trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành và theo đó, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm liên tục trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến cuối quý I/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Ngoài ra, việc Hà Đô giảm được chi phí lãi vay trong quý I/2024 cũng còn có yếu tố riêng của doanh nghiệp này, khi quy mô vay nợ tài chính cũng có xu hướng giảm hơn trong giai đoạn này. Bảng cân đối kế toán hợp nhất của Hà Đô thời điểm cuối quý I/2024 ghi nhận tổng quy mô nợ phải trả là 6.767 tỷ đồng, giảm hơn 6,1% so với cuối năm 2023, trong đó vay tài chính ngắn hạn thời điểm cuối quý I/2024 là 571 tỷ đồng, giảm hơn 8,4% so với cuối năm trước.
Vẫn nhức nhối với khối nợ xấu
Tập đoàn Hà Đô hiện có địa bàn kinh doanh khá rộng tại nhiều vùng trong nước, nhưng một số địa bàn chủ lực nằm ở các khu vực: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài ra, công ty này còn có các hoạt động kinh doanh ở Lào.
Tập đoàn tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính. Một lĩnh vực là bất động sản với sản phẩm chính thuộc nhóm này là các khu đô thị mới, nhà thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, khách sạn, dịch vụ bất động sản với vị trí đa phần ở trong nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Lĩnh vực thứ hai là xây dựng với sản phẩm chính là các công trình dân dụng, công trình giao thông... Ngoài ra, tập đoàn này còn hoạt động trong mảng năng lượng điện với việc sở hữu năm nhà máy thủy điện, hai nhà máy điện mặt trời và một nhà máy điện gió với tổng công suất 462 MW.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, doanh nghiệp này cho biết với chính sách bán hàng phù hợp với nhu cầu thị trường, tại mọi mức giá và hiện tại tập đoàn không bị tồn đọng về bất động sản. Diễn biến dòng tiền cho thấy doanh nghiệp này cũng vẫn ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương 587 tỷ đồng trong quý I/2024, theo đó có sự cải thiện về dòng tiền kinh doanh so với diễn biến âm dòng tiền kinh doanh hơn 124 tỷ đồng trong quý I/2023.
17 công ty con và 1 công ty liên kết
Hà Đô hiện có 17 công ty con và 1 công ty liên kết. Ngoài Công ty TNHH MTV Đầu tư quốc tế Hà Đô được thành lập tại Lào, các công ty con liên kết còn lại được thành lập tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, bức tranh tài chính của Hà Đô cũng có những điểm gợn đáng chú ý, trong đó là các con số nợ khó đòi có quy mô khá cao và duy trì kéo dài chưa được xử lý.
Tại thời điểm cuối quý I/2024, các phải thu ngắn hạn của Hà Đô ghi nhận ở mức 1.416 tỷ đồng, nhưng riêng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đã lên tới hơn 115 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ xấu đáng chú ý nhất là khoản nợ gần 62,8 tỷ đồng của Công ty Hà Đô 45 với số ngày quá hạn trên 1 năm. Ngoài ra, công ty còn có một số khoản nợ khó đòi lớn khác như 7,6 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm quá hạn trên 1 năm, khoản hơn 14,7 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 24 và Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 245 quá hạn trên 2 năm.
Một số khoản nợ khó đòi khác thậm chí đã quá hạn trên 3 năm như khoản 11,8 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng Lũng Lô và khoản gần 18,5 tỷ đồng của một số khách hàng khác…/.