Hà Giang: Hiệu quả từ các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ

Nhờ nâng cao quyền năng kinh tế, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quang Bình (Hà Giang) đã tự tin vươn lên làm chủ kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo

Hiệu quả từ những mô hình tài chính tự quản

Chúng tôi có mặt tại hộ gia đình chị Hủng Thị Dạng - dân tộc Pà Thẻn tại thôn Thượng Bình, xã Yên Thành, sau những ngày chị Dạng bận rộn thu hái và sơ chế chè. Với nụ cười rạng rỡ và tự tin chị Dạng cho biết: "Với lợi thế khí hậu, thiên nhiên, cây chè ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt, do vậy tôi đã quyết định phát triển kinh tế gia đình dựa vào cây chè. Qua đó, tôi đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè thành phẩm".

Chị Hủng Thị Dạng - dân tộc Pà Thẻn chia sẻ về hành trình phát triển kinh tế và tham gia nhóm tài chính tự quản

Chị Hủng Thị Dạng - dân tộc Pà Thẻn chia sẻ về hành trình phát triển kinh tế và tham gia nhóm tài chính tự quản

Chị Dạng chia sẻ, việc đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân, đặc biệt là phụ nữ vì họ là lao động chính trong chuỗi giá trị chè.

Đầu năm 2022, chị Dạng cùng với hơn 25 phụ nữ khác tại thôn Thượng Bình thành lập nhóm Tín dụng tự quản (VSLA) để tạo nguồn vốn trong phát triển kinh tế cho các chị em phụ nữ.

Chúng tôi tiết kiệm và cho vay đối với những thành viên cần một khoản tiền nhỏ, trong thời gian ngắn để chi trả cho các hoạt động sinh kế. Những khoản tiền nhỏ và thủ tục vay nhanh giúp ích rất nhiều” - chị Dạng chia sẻ và cho biết thêm: “Để thuyết phục chị em phụ nữ trong thôn tham gia nhóm VLSA, nhiều khi tôi mời họ đến xưởng chè của tôi để làm công, qua đó vừa làm, vừa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, vừa thuyết phục, từ đó tạo sự tự tin cho các chị em phụ nữ”.

Chị Dạng kể, đầu năm 2023, khi dự án CARE công bố hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, chị biết đó là cơ hội của mình. Thông qua làm việc với nhóm dự án, chị có thể vạch ra kế hoạch kinh doanh. Sau nhiều vòng tranh luận và thuyết phục trong cuộc thi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do dự án tổ chức, chị đã được hỗ trợ một phần chi phí và thiết bị chế biến cũng như đào tạo kỹ thuật để chế biến trà.

Từ tháng 9/2023, chị Dạng chính thức tham gia dự án CARE. 3 tháng sau khi hoàn thiện nhà xưởng và đào tạo kỹ thuật, chị có thể sản xuất và bán một mẻ chè khô chất lượng tốt với giá cao hơn trước 15%.

Rời Thượng Bình (xã Yên Thành), được sự giới thiệu của Hội phụ nữ huyện Quang Bình, chúng tôi tiếp tục hành trình hơn 30 km từ trung tâm huyện Quang Bình để đến với thôn Hồng Sơn thuộc xã Tiên Nguyên.

Để đến được với Hồng Sơn, nhóm phóng viên đã phải đi "xe ôm" với đoạn đường đi hết sức khó khăn

Để đến được với Hồng Sơn, nhóm phóng viên đã phải đi "xe ôm" với đoạn đường đi hết sức khó khăn

Đường đi hết sức khó khăn, phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được UBND xã Tiên Nguyên, từ đây chúng tôi đi "xe ôm” để đi tiếp đến thôn Hồng Sơn. Chỉ có khoảng 4 km từ UBND xã nhưng phải mất hơn 20 phút chúng tôi mới đến được thôn, đường đi cheo leo, nhiều đoạn đường chỉ vừa đủ cho bánh xe máy lọt. Đường ở đây thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa bão, điều này đã khiến cho đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây khó khăn hơn.

Đón chúng tôi, chị Đặng Xà Trắm - Trưởng nhóm sinh kế nuôi dê theo mô hình VSLA thôn Hồng Sơn cho hay, thôn Hồng Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, trước đó với sự hỗ trợ từ dự án CARE 40 triệu đồng/8 hộ, nhóm chúng tôi quyết định đầu tư nuôi dê. Mỗi chị em tham gia được vay vốn 5 triệu đồng, số tiền này sẽ được các hộ trả lại trong vòng 18 tháng. Sau đó nguồn vốn này sẽ tiếp tục được quay vòng cho các chị em khác vay để phát triển kinh tế. Nhờ hình thức này, đến nay nhóm VSLA của Hồng Sơn đã tăng lên 16 hộ.

Chị Trắm cho biết, cả thôn Hồng Sơn có 54 hộ, trong đó có 40 hội viên hội phụ nữ. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của các hội viên khác, nhiều chị em muốn tham gia vào nhóm. Thời gian tới, với việc phát triển mở rộng, có thể chúng tôi sẽ tách nhóm ra để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của nhóm cũng như tạo thuận lợi cho các chị em trong chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế.

Chị Trắm (thứ 2 từ trái sang) cùng với một số hộ nuôi dê và cán bộ dự án CARE chia sẻ về quá trình triển khai hỗ trợ cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình

Chị Trắm (thứ 2 từ trái sang) cùng với một số hộ nuôi dê và cán bộ dự án CARE chia sẻ về quá trình triển khai hỗ trợ cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình

Hiện những mô hình nuôi dê của gia đình chị Lý Thị Hồng, chị Lý Thị Diện, chị Đặng Xà Trắm cũng như của nhiều hội viên khác ở Hồng Sơn đang ngày càng phát triển.

Số tiền 5 triệu ban đầu, chúng tôi mua 2 con dê sinh sản, đến nay sau 9 tháng (từ tháng 9/2023) có hộ ít thì đàn dê tăng lên 2 con, nhiều thì lên 4 con. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, số lượng dê trong mỗi hộ gia đình sẽ tăng cao hơn nữa. Với giá trị kinh tế từ nuôi dê mang lại, chúng tôi kỳ vọng sẽ giúp gia đình các hội viên từng bước thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho hội viên” - chị Lý Thị Diện - thành viên của nhóm VSLA thôn Hồng Sơn chia sẻ.

Nâng cao vị thế phụ nữ nhờ làm chủ kinh tế

Việc làm chủ kinh tế đã giúp cho vị thế của người phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao. Người phụ nữ giờ đây đã có tiếng nói hơn trong gia đình.

Kinh tế gia đình phát triển, kèm theo đó những người nam giới trong gia đình cũng từng bước thay đổi nhận thức và chia sẻ công việc với người phụ nữ, đặc biệt là những công việc nặng và chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Các hội viên trong thôn Thượng Bình tham gia hái chè, cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế

Các hội viên trong thôn Thượng Bình tham gia hái chè, cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế

Anh Xỉn Văn Chà - Trưởng thôn Thượng Bình cho hay, hiện thôn có 65 hộ dân trong đó chiếm 90% là đồng bào dân tộc Pà Thẻn, có 20 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. "Việc các chị em phụ nữ tham gia nhóm VSLA để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt được chúng tôi hết sức ủng hộ. Với vai trò trưởng thôn, tôi cũng thường xuyên vận động nam giới trong các gia đình chia sẻ việc nhà, làm nông nghiệp với người phụ nữ" - trưởng thôn Thượng Bình cho biết.

Trong khi đó, anh Sỉn Thanh Hòa - chồng chị Lý Thị Diện cũng cho biết, từ khi vợ vay vốn nuôi dê, khi vợ đi hái chè, anh ở nhà cắt cỏ cho dê và chăn thả dê, hỗ trợ việc nhà cho vợ. Anh hy vọng, sau này đàn dê phát triển hơn nữa, điều kiện kinh tế gia đình khá lên, có tiền tích lũy để cho con cái học cái chữ, có nghề nghiệp ổn định.

Được biết, mỗi năm thu nhập từ trồng chè và thảo quả của gia đình chị Lý Thị Diện chỉ đạt từ 29-32 triệu đồng. Như chị Diện chia sẻ, số tiền này chỉ đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt của gia đình chứ không thể có tích lũy cho đầu tư phát triển kinh tế hay cho con cái học hành cũng như nâng cao điều kiện sống cho gia đình.

Chị Hoàng Thị Xuyển - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Thành - huyện Quang Bình cho biết: Trong khuôn khổ hoạt động của dự án CARE từ năm 2021, xã Yên Thành có 8 thôn, bản trong đó có 5 thôn nằm trong vùng của dự án do CARE quản lý.

Ban đầu, dự án hoạt động và thành lập nhóm sinh kế VSLA vận động chị em tham gia theo hình thức đóng góp cổ phần. Bên cạnh đó, dự án CARE hỗ trợ nguồn vốn cho các nhóm từ 30-40 triệu đồng/nhóm phụ thuộc vào số hội viên mỗi nhóm. Mỗi hội viên được vay tối đa 5 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh trồng chè, các nhóm khác tham gia chăn nuôi.

Qua hoạt động hỗ trợ sinh kế cũng như các hoạt động thúc đẩy liên quan đến bình đẳng giới của dự án CARE, chị em thay đổi rất nhiều về nhận thức vai trò của mình trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, làm thay đổi những người chồng trong gia đình cũng như xã hội, thay đổi cách nhìn của người phụ nữ tạo cái kinh tế trong gia đình” - chị Xuyển cho hay.

Từ năm 2021 thu nhập bình quân/đầu người/năm ở xã Yên Thành là 30 triệu đồng, đến nay là 38 triệu đồng. Có sự thay đổi đó nhờ các dự án và mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ góp phần” - chị Xuyển khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Thành, quản lý các dự án phát triển tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam (đeo kính ngồi giữa) họp với Nhóm VSLA của thôn Hồng Sơn

Ông Nguyễn Đức Thành, quản lý các dự án phát triển tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam (đeo kính ngồi giữa) họp với Nhóm VSLA của thôn Hồng Sơn

Còn theo Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Quang Bình, chị Nguyễn Thị Quyên cho hay, qua 2 năm dự án CARE tổ chức thực hiện, đời sống chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại 6 xã trong vùng dự án chủ yếu là dân tộc Pà Thẻn và dân tộc Dao đã có những thay đổi rõ rệt. Đáng mừng nhất là nhận thức của cộng đồng đã thay đổi, nhận thức của người đàn ông về vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng được nhìn nhận và đánh giá cao. Người đàn ông sẵn sàng chia sẻ việc nhà, bếp núc, chăm sóc con cái cùng với người phụ nữ.

Nhờ đó, người phụ nữ được giải phóng thời gian làm việc nhà không công và họ có thời gian để có thể tự chăm sóc bản thân mình, có những kế hoạch riêng cho bản thân. Từ đó, giúp phụ nữ khẳng định được bản thân mình, tự chủ trong việc định hướng sản xuất kinh doanh của gia đình” - chị Quyên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Thành,Quản lý các dự án phát triển tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết: Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang” (AWEEV) do Bộ Các vấn đề toàn cầu và Chính phủ Canada thông qua Tổ chức Care Quốc tế tài trợ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở 6 xã của tỉnh Hà Giang và 3 xã của tỉnh Lai Châu. Tổng kinh phí thực hiện trên 4,5 triệu đô la Canada.

Tại Hà Giang, dự án được triển khai tại 6 xã, thị trấn của huyện Quang Bình với mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Tính đến cuối tháng 5/2023, dự án đã hỗ trợ 6 tổ nhóm với sự tham gia của 150 phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện mô hình sinh kế nuôi gà, lợn, dê và trồng lạc. Hiện nay, các mô hình sinh kế đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-giang-hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-kinh-te-do-phu-nu-lam-chu-315393.html