Hà Giang: Khó khăn trong đăng ký, quản lý hộ tịch
Phụ nữ di cư đi làm ăn, sinh sống và sinh con sau nhiều năm trở về không có giấy tờ tùy thân; tình tạng tảo hôn, kết hôn cận huyết; dân trí còn hạn chế… đã gây nên không ít khó khăn trong việc đăng ký, quản lý hộ tịch tại tỉnh Hà Giang.
Sau 6 năm thi hành Luật Hộ tịch, quy định pháp luật về hộ tịch cùng những cải cách mạnh về thủ tục hành chính, giấy tờ hồ sơ và thời gian giải quyết đã góp phần tạo điều kiện tối đa cho người dân trong việc thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đăng ký hộ tịch, đăng ký và quản lý hộ tịch dần đi vào nề nếp; việc quản lý Sổ hộ tịch, hồ sơ hồ tịch đã được lập và lưu trữ theo trình tự, thủ tục quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, với đặc thù điều kiện của tỉnh miền núi, tỉnh Hà Giang còn phát sinh trong thực tiễn những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để đăng ký và cấp giấy tờ hộ tịch cho người dân như tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn tồn tại do trong đồng bào dân tộc thiểu số có phong tục tập quán lạc hậu như chưa đến tuổi kết hôn nhưng đã tổ chức đám cưới và sinh con hoặc cưới gả con trong dòng họ, trẻ em sinh ra khi bố mẹ chưa đủ tuổi hoặc cùng huyết thống, vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình. Tuy nhiên Luật Hộ tịch quy định quyền khai sinh cho trẻ em do đó gây khó khăn trong việc đăng ký hộ tịch.
Quá trình giải quyết đăng ký hộ tịch và thực hiện số hóa sổ hộ tịch cũng rất khó khăn khi thông tin trong Giấy khai sinh, các giấy tờ tùy thân, thông tin cha mẹ trong giấy tờ của cha mẹ và của con không thống nhất, sai lệch…
Ngoài ra còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Cụ thể, Bộ Luật Dân sự quy định về quyền thay đổi nhưng Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể giấy tờ làm căn cứ thay đổi tên (gồm cả chữ đệm), thực tế phát sinh rất nhiều trường hợp người dân yêu cầu thay đổi tên, đặc biệt là chữ đệm.
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc đăng ký hộ tịch đối với “nhóm dân cư yếu thế” về việc bỏ trống phần quốc tịch trong Giấy khai sinh, dẫn đến công dân khó khăn trong thực hiện các quyền lợi khác mà Hiến pháp và pháp luật quy định về quyền con người như việc đăng ký cư trú, đăng ký kết hôn, cấp thẻ bảo hiểm y tế… Mặt khác việc hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể mà không áp dụng đối với những trường hợp tương tự cũng gây khó khăn khi thực hiện.
Hiện tại, Luật Hộ tịch chỉ quy định thủ tục đăng ký giám hộ bao gồm đăng ký giám hộ đương nhiên, đăng ký giám hộ cử, đăng ký chấm dứt giám hộ và đăng ký thay đổi giám hộ. Tuy nhiên, yêu cầu giám sát việc giám hộ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành thì chưa có quy định cụ thể về thủ tục này.
Trong quá trình phối hợp thu thập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, còn nhiều trường hợp công dân chưa đăng ký khai sinh hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch không lưu trữ được Sổ hộ tịch; thông tin trong các loại giấy tờ không trùng khớp; thông tin trong Sổ hộ tịch không trùng khớp với thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như ngày tháng năm sinh, họ tên, thông tin cha mẹ, quê quán… Nhiều trường hợp công chức tư pháp – hộ tịch viết tắt thông tin trong Sổ hộ tịch, mẫu Sổ hộ tịch của các thời kỳ lại thay đổi nên việc nhập số liệu cũng như cấp Trích lục hộ tịch bản sao còn gặp nhiều khó khăn.
Do đặc điểm điều kiện tự nhiên, dân trí của tỉnh miền núi, biên giới còn khó khăn, hạn chế, công chức có nơi chưa thành thạo công nghệ thông tin, thao tác chậm, phần lớn người dân trên địa bàn các xã, thị trấn không quen với việc sử dụng công nghệ thông tin nên tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tuyến tại cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện và cấp xã còn thấp.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Tư pháp cần sớm nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt về nội dung đăng ký hộ tịch cho nhóm “cư dân yếu thế”, trong đó có trẻ em là con lai trên địa bàn tỉnh.