Hà Giang: Nỗ lực hết sức để rà phá bom mìn trên tuyến biên giới vì sự bình yên của Nhân dân
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nay, nhưng hậu quả để lại trên mảnh đất Hà Giang vẫn còn nặng nề, bởi lượng bom mìn còn sót lại khá lớn, khoảng 7.500ha có mật độ ô nhiễm bom mìn nặng. Thời gian qua, các chiến sĩ Bộ chỉ Quân sự tỉnh Hà Giang đã và đang tham gia tích cực rà phá bom mìn, nỗ lực hết sức để giải phóng những 'vùng đất chết', trả lại đất đai an toàn, làm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tích cực rà phá bom mìn, nỗ lực hết sức để hàng nghìn hécta đất đã sạch mìn
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác rà phá bom mìn trên tuyến biên giới. Mỗi tấc đất được làm sạch vật cản không chỉ giúp người dân vùng biên giới có thêm đất sản xuất, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Theo thống kê của các đơn vị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, tại tỉnh Hà Giang có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và đến nay vẫn còn hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ đang nằm lại chiến trường chưa tìm kiếm, quy tập được.
Theo chân các chiến sĩ Đại đội Công Binh - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang đi bộ hơn 50 phút để đến đúng điểm rà phá bom mìn trong những ngày đầu tháng 4/2024 tại Thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, mới thấy được sự nỗ lực, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Hàng ngày, vượt qua các sườn núi dốc đá lởm chởm, cán bộ, chiến sĩ của Đại đội Công Binh - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, vẫn đang miệt mài với công việc tìm kiếm, dò, gỡ bom mìn, vật liệu nổ bị vùi lấp lâu năm trong đất.
Thiếu tá Phạm Xuân Ngọc - Đại Đội trưởng Đại đội Công Binh - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang cho biết, “Ở địa bàn tỉnh Hà Giang, diện tích bị ô nhiễm bom mìn nằm trên những điểm cao, hiểm trở. Bởi vậy, công tác rà phá, làm sạch vật cản là nhiệm vụ đầy thách thức, hiểm nguy. Để thực hiện, không chỉ đòi hỏi phải có bản lĩnh tốt, tinh thần trách nhiệm cao, ý chí kiên cường, dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm cũng như sức khỏe thật tốt mà còn phải nắm thật chắc quy trình, quy tắc bảo đảm an toàn, đặc biệt là phải cẩn trọng, tỉ mỉ, tuyệt đối không được chủ quan. Chỉ một hành động khinh xuất đều có thể xảy ra mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình và đồng đội.
“Thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi đã thực hiện tốt công tác truy tìm, rà phá, thu gom, phân loại và xử lý bom mìn, vật liệu nổ. Mong rằng những mảnh đất mà chúng tôi đã đi qua sẽ không còn tiếng nổ của bom mìn để người dân yên tâm lao động sản xuất, bảo vệ và giữ vững biên cương”. Thiếu tá Phạm Xuân Ngọc - Đại Đội trưởng Đại đội Công Binh - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang cho biết thêm.
Ðất rừng biên cương khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đất tại các xã biên giới, nơi còn nhiều liệt sĩ nằm lại chiến trường, bị ô nhiễm bom mìn.
Toàn tỉnh có khoảng 90 nghìn héc ta đất bị ô nhiễm bom mìn, chủ yếu là các xã biên giới thuộc các huyện Vị Xuyên, Yên Minh, Quản Bạ. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện công tác rà phá bom mìn được hơn 13 nghìn héc-ta đất, hiện vẫn còn khoảng 77 nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm bom mìn, trong đó có gần 20 nghìn héc -ta đất bị ô nhiễm nặng.
Trước yêu cầu cấp thiết trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hà Giang đã triển khai dự án “Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ”. Để đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã huy động 80 đơn vị với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Thiếu tá Phạm Xuân Ngọc - Đại Đội trưởng Đại đội Công Binh - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang chia sẻ, “Trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, việc bố trí hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực, nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược với mật độ lớn và dày nên số lượng bom mìn, vật nổ còn tồn, sót chưa được rà phá trên địa bàn tỉnh Hà Giang lên đến hàng chục nghìn hécta”.
“Thời gian qua, với sự nỗ lực không quản ngại khó khăn của cán bộ, chiến sĩ công binh, hàng nghìn hécta đất đã được đơn vị rà phá sạch bom mìn và bàn giao cho các địa phương. Từ khi đất sạch mìn, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã đến dựng nhà mới, sử dụng đất sạch để trồng ngô, lúa tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo”. Thiếu tá Phạm Xuân Ngọc nhấn mạnh.
Diện tích bị ô nhiễm bom mìn nằm trên những điểm cao, hiểm trở, do đó công tác rà phá, làm sạch vật cản là nhiệm vụ đầy thách thức, hiểm nguy. Với tinh thần trách nhiệm, các đơn vị công binh đã huy động hàng trăm nghìn ngày công lao động rà phá, thu gom, phân loại và xử lý thành công hàng chục tấn bom mìn, vật liệu nổ tại các huyện biên giới, trọng tâm là tại tuyến biên giới Vị Xuyên.
Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với hơn 1.700 héc-ta đất tại các điểm cao thuộc các xã Thanh Ðức, Thanh Thủy, Xín Chải (huyện Vị Xuyên); giai đoạn 2 hiện đang thực hiện rà phá 1.500 ha tại xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) và các xã Tả Ván, Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ). Có thể thấy, việc khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh là công việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại, là nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình.
Phấn đấu rà phá 1.500 ha đất nhiễm bom mìn trong giai đoạn 2
Căn cứ Quyết định số 161/QĐ-BTL ngày 06/02/2023 của Tư lệnh Quân khu 2 về việc giao nhiệm vụ thi công dự án: Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang (giai đoạn 2).
Căn cứ Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 31/3/2023 của UBND tỉnh Hà Giang về việc tổ chức thực hiện dự án: Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang (giai đoạn 2).
Khu vực triển khai thực hiện nhiệm vụrà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2023-2024 nằm trên địa bàn 3 xã, 2 huyện: Xã Minh Tân huyện Vị Xuyên và xã Nghĩa Thuận, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang
Tổng diện tích thực hiện: 1500 ha. Trong đó: Xã Minh Tân huyện Vị Xuyên: 1130 ha; xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ: 170 ha, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ: 200 ha.
Theo Báo cáo Kết quả triển khai, thực hiện dự án Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang (giai đoạn 2) trong tháng 5 năm 2024 các đơn vị đã tiến hành RPBM, VN đạt được như :
Tổng Quân số tham gia có 799 đồng chí. Diện tích rà phá trong tháng: 39,04 ha. Lũy kế diện tích rà phá đã thực hiện: 1367,33 trên 1.500 ha đạt 91,16%.
Hiện nay đã có 4/8 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao đạt diện tích 770 trên 770 ha. Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xử lý bom mìn, vật nổ 319 Bộ Quốc phòng đạt 250 trên 250 ha tại Thôn Hoàng Lỳ Pả, Xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn xử lý được 200 trên 200 ha tại Thôn Chúng Chải và Pao Mã Phìn, Xã Tả Ván, huyện Quản Bạ; Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng xử lý được 170 trên 170 ha tại Thôn Na Lìn, Xín Cái, Phìn Chư Sảng Xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ; Lữ đoàn 299/QĐ1 đạt 150 trên 150 ha tại Thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân, huyện Quản Bạ.
Bốn đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đó là, Lữ đoàn 543 thuộc Quân khu 2 đạt 195,57 trên 230 ha đạt 85,03% tại Thôn Phìn Sảng, Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên; Sư đoàn 316 thuộc Quân khu 2 đạt 118,67 trên 150 ha đạt 79,11% tại Thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên; Bộ Tham mưu thuộc Quân khu 2 đạt 168,35 trên 200 ha đạt 84,18% tại Thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang đạt 114,74% trên 150 ha đạt 76,49% tại Thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên.
Mìn Bộ binh, mìn phóng các loại thu được 2.963 quả; Đạn pháo, cối các loại được 157 quả; Kíp các loại: 0; Đạn (B40, B41, ĐKZ) không quả; Lựu đạn các loại được 199 quả; Đạn M79 được 1.290 quả; Mảnh bom đạn, sắt vụn, vật nổ không xác định được 12.571.
Theo Thiếu tá Phạm Xuân Ngọc - Đại Đội trưởng Đại đội Công Binh - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, “trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đối với việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh làm cơ sở để người dân phòng, tránh hiệu quả những tai nạn thương tâm có thể xảy ra, nhất là những khu vực có mức độ ô nhiễm lớn. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý dữ liệu, thông tin, dữ liệu nạn nhân bom mìn phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội”.
Các đơn vị tham gia rà phá bom mìn vật nổ đã chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, quyết định của Bộ Quốc phòng và của Bộ Tư lệnh Quân khu 2, làm tốt công tác dân vận. Thông báo, báo cáo kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, hiệp đồng chặt chẽ với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trong công tác đăng ký, quản lý địa bàn.
Tình hình kỷ luật và chấp hành kỷ luật của các đơn vị: Các đơn vị đều quán triệt và chấp hành tốt kỷ luật Quân đội, nhất là công tác dân vận, đơn vị đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tình hình tư tưởng bộ đội của các đơn vị đều an tâm công tác xác định tốt nhiệm vụ được giao.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ðể thực hiện dự án hiệu quả, Quân khu 2 đã huy động 8 đơn vị, với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với hơn 1.700 ha đất tại các điểm cao thuộc các xã Thanh Ðức, Thanh Thủy, Xín Chải thuộc huyện Vị Xuyên. Giai đoạn 2 của dự án đang thực hiện rà phá 1.500 ha. Trong đó, xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) 1.130 ha, xã Nghĩa Thuận 170ha, xã Tả Ván thuộc huyện Quản Bạ 200 ha.
Đến tháng 3.2024, hơn 60% diện tích đã được hoàn thành công tác rà phá bom mìn. Dò tìm và thu được hơn 15.000 vật liệu nổ như đạn pháo cối; đạn M79; cùng các loại vật liệu nổ khác. Dự kiến cuối năm 2024, các đơn vị sẽ hoàn thành rà phá bom mìn, vật liệu nổ theo kế hoạch.
Hy vọng với sự miệt mài trong công việc, các cán bộ và chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo sự an toàn trong việc truy tìm, rà phá, thu gom, phân loại và xử lý thành công hàng chục tấn bom mìn, vật liệu nổ tại các huyện biên giới, để sớm trả lại mặt bằng sạch, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế và mang lại bình yên cho nhân dân vùng biên giới.