Hà Giang thu vé khách thăm quan Bảo tàng từ 1/9/2023

Từ ngày 1/9/2023, Bảo tàng tỉnh Hà Giang sẽ bắt đầu thu phí thăm quan sau 10 ngày mở cửa thí điểm không thu vé.

Trước đó ngày 31.7, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND quy định mức thu phí và tỷ lệ phân chia số thu phí tham quan Bảo tàng tỉnh Hà Giang.

Theo quyết định, Bảo tàng tỉnh sẽ bắt đầu thu phí tham quan từ ngày 1.9.2023, mức thu phí cụ thể như sau: Đối với trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi là 10.000 đồng/người/lượt; học sinh từ 16 tuổi trở lên, sinh viên là 15.000 đồng/người/lượt; người lớn là 30.000 đồng/người/lượt. Với mức thu như vậy, Bảo tàng tỉnh được trích lại 70% trên tổng số tiền thu để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ; 30% còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước.

Đổi mới không gian trưng bày là một trong những điểm nhấn của Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Ảnh: ĐT

Đổi mới không gian trưng bày là một trong những điểm nhấn của Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Ảnh: ĐT

Bảo tàng tỉnh Hà Giang vừa hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp với tổng mức đầu tư trên 106 tỷ đồng. Theo đó, nhiều công nghệ mới và hiện đại đã được ứng dụng và được kỳ vọng sẽ mang đến cho du khách thăm qua những trải nghiệm mới lạ, độc đáo và hấp dẫn.

Ông Bùi Đức Tân – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang cho biết: "Sau khi cải tạo, nâng cấp, Bảo tàng đưa vào ứng dụng các công nghệ mới trong trình chiếu, trải nghiệm như màn hình tương tác 3D, màn hình cảm ứng… đã tạo sự hấp dẫn cho nhân dân các dân tộc của tỉnh Hà Giang khi đến thăm quan bảo tàng."

Bảo tàng Hà Giang là công trình văn hóa - lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần gìn giữ, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, được thiết kế trang trí nội, ngoại thất theo nguyên tắc Bảo tàng học hiện đại, ứng dụng công nghệ số tạo hiệu ứng trực quan, sinh động, hướng đến trải nghiệm ấn tượng, sâu sắc cho khách tham quan.

Ứng dụng công nghệ màn hình cảm ứng tại Bảo tàng. Ảnh Quốc Sử

Ứng dụng công nghệ màn hình cảm ứng tại Bảo tàng. Ảnh Quốc Sử

Phần lớn hệ thống trang thiết bị đều thuộc những loại hình thiết bị chuyên dụng, đặc chủng. Những thiết bị đó theo đánh giá của các chuyên gia đã đáp ứng cho việc trưng bày quản lý và khai thác vận hành bảo tàng một cách hiệu quả và an toàn, đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn, có độ bền, độ tin cậy cao; đảm bảo hiệu quả kinh tế, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường”- ông Tân cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Bảo tàng đã sử dụng công nghệ, trang thiết bị nghe nhìn hiện đại để cung cấp thông tin, tư liệu; tra cứu; phục vụ các hoạt động đa dạng, sôi động, có tính tương tác, khám phá; đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hội nghị, hội thảo, thuyết trình, trình diễn…Cụ thể gồm: 01 màn hình 3D Maping, 01 màn hình cong trình chiếu khổ lớn; 19 màn hình ti vi chiếu phim các chủ đề; 06 màn hình cảm ứng các loại để tra cứu thông tin và trải nghiệm; Hệ thống thuyết minh tự động audio guide giới thiệu 150 câu chuyện chuyên sâu, gồm thiết bị thuyết minh 3 ngôn ngữ (Anh, Việt, Pháp) và tai nghe kèm theo. Hệ thống điều hòa biến tần; hệ thống báo cháy tự động; 01 trạm điện biến áp và 01 thang máy đứng phục vụ khách tham quan.

Chuyên gia Pháp giới thiệu về ý tưởng trưng bày khi thiết kế cải tạo bảo tàng. Ảnh: Quốc Sử

Chuyên gia Pháp giới thiệu về ý tưởng trưng bày khi thiết kế cải tạo bảo tàng. Ảnh: Quốc Sử

Sự kết hợp giữa bảo tàng và công nghệ khiến các hiện vật trở nên sinh động hơn. Đồng thời, đây cũng là cấu nối kéo gần khoảng cách và thúc đẩy giới trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến lịch sử. Hơn hết là khơi gợi sự hứng thú và kích thích ham muốn tìm hiểu của thế hệ trẻ đặc biệt là đồng bào các dân tộc của tỉnh Hà Giang – là một trong những tỉnh miền núi biên giới, nền kinh tế và đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.

Đổi mới trưng bày là việc thay đổi một phần hoặc hoàn toàn các trưng bày bảo tàng, bao gồm cả việc đổi mới nội dung, hình thức và các hoạt động phục vụ công chúng. “Đối với Bảo tàng Hà Giang việc đổi mới trưng được thực hiện trên phương diện cấu trúc lại nội dung và hình thức thể hiện, gắn trưng bày với các hoạt động phục vụ công chúng tốt hơn”- ông Tân nhấn mạnh.

Bảo tàng là địa chỉ "đỏ" trong công tác bảo tồn, giáo dục văn hóa truyền thống của đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quốc Sử

Bảo tàng là địa chỉ "đỏ" trong công tác bảo tồn, giáo dục văn hóa truyền thống của đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quốc Sử

Cũng theo ông Tân, không gian trưng bày của Bảo tàng Hà Giang được tư vấn thiết kế cấu trúc nội dung gồm 1 gian khánh tiết và 4 không gian trưng bày: Hà Giang những dấu mốc lịch sử; Ba vùng sinh thái; Văn hóa đa dạng; Xây dựng cuộc sống mới.

Trưng bày Bảo tàng Hà Giang được áp dụng thực hiện theo “Quan điểm mới về phát triển ý tưởng trưng bày” rất khác với những bảo tàng khác. Toàn bộ ý tưởng trưng bày được chuyên gia Pháp và nhóm cộng sự am hiểu về phong tục tập quán xã hội của Việt Nam nói chung và vùng đất Hà Giang nói riêng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Giang đã đi đúng hướng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; việc công trình Bảo tàng tỉnh được đầu tư, nâng cấp và đổi mới đã góp phần phát triển công nghiệp văn hóa được Đảng ta xác định. Công trình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống, gìn giữ giá trị lịch sử mà còn cần phải có tính chuyên nghiệp, tạo ra của cải vật chất bằng việc thương mại hóa và phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc.

Được biết, sau 10 ngày mở cửa thí điểm không thu vé ( từ 20/8-31/8), đã có hơn 2.000 lượt khách đến thăm quan bảo tang trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc, nhân dân tỉnh Hà Giang.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-giang-thu-ve-khach-tham-quan-bao-tang-tu-192023-269769.html